Bài 22:
Vụ áp thuế 5,7 tỷ cho 253m2 đất: Huyện Đức Trọng kiến nghị áp lại mức thuế 0 đồng!
(Dân trí) - Sau loạt bài điều tra hơn 20 kỳ báo của Dân trí, UBND huyện Đức Trọng đã có báo cáo gửi lên UBND tỉnh Lâm Đồng xin ý kiến, đồng thời kiến nghị không thu tiền sử dụng đất đối với 253m2 đất của bà Lích mà trước đó mảnh đất này bị áp thuế 5,7 tỷ đồng.
Theo kiến nghị nêu trong báo cáo của UBND huyện Đức Trọng gửi lên UBND tỉnh Lâm Đồng xin ý kiến về việc giải quyết đơn thư khiếu nại của Đàm Thị Lích (75 tuổi, ngụ số 93 Trần Hưng Đạo, tổ 13, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) về việc đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và xác định lại việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với việc áp thuế 5,7 tỷ đồng cho 253m2 đất thể hiện: Sau khi UBND huyện ban hành quyết định số 282/QĐ-UBND-ĐĐ ngày 7/2/2013 chấp thuận cho bà Đàm Thị Lích điều chỉnh diện tích đối với thửa đất số 681, tờ bản đồ số 57 (2007) thì gia đình bà có tổng diện tích đất ở là 462,3m2(gồm 02 thửa đất, trong đó có 01 thửa đã được cấp GCNQSĐ đất 208,4 m2 và 01 thửa đang lập thủ tục cấp 253,9m2).
Căn cứ các quy định tại thời điểm bà Lích lập hồ sơ điều chỉnh diện tích và bổ sung đất ở năm 2013 (được điều chỉnh bởi thông tư 93/2011/TT-BTC ngày 29/6/2011) thì bà Lích sử dụng diện tích 253,9m2 đất ở vượt hạn mức và phải nộp tiền sử dụng đất có áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất. Sau khi vận dụng quy định của pháp luật hiện hành về thu tiền sử dụng đất thì trường hợp của bà Đàm Thị Lích vẫn phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với diện tích đất ở vượt hạn mức là 162,3m2.
Tuy nhiên, UBND huyện Đức Trọng cho rằng xét điều kiện, hoàn cảnh của bà Đàm Thị Lích là người dân tộc thiểu số (dân tộc Tày), hiện nay bà đã 75 tuổi, già yếu, không còn khả năng lao dộng, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với diện tích vượt hạn mức là ngoài khả năng của bà. Mặt khác xét trước đây gia đình ông Vy Văn Lan - bà Đàm Thị Lích có diện tích 3.935m2 đất nông nghiệp được chế độ cũ cấp quyền sở hữu đất vườn rau năm 1970, sau giải phóng đưa vào Hợp tác xã và nhà nước quy hoạch khu dân cư, cấp cho 11 hộ gia đình làm nhà ở. Gia đình ông Lan cũng được cấp lại 610m2 tại khu vực này và đã được UBND huyện có quyết định công nhận đất thổ cư, công nhận QSDĐ từ năm 1993, 1994.
Do các quy định của pháp luật về đất đai sau năm 1975 đến nay có nhiều thay đổi, bên cạnh đó xét điều kiện, hoàn cảnh bà Lích như đã nêu trên, UBND huyện Đức Trọng đề nghị UBND tỉnh xem xét có ý kiến cho UBND huyện lập lại thủ tục cấp quyền sử dụng đất cho bà Đàm Thị Lích đối với diện tích 253,9m2 đất ở thuộc thửa đất số 681, tờ bản đồ số 57(2007) thị trấn Liên Nghĩa, trong đó có 91,6m2 đất ở trong hạn mức và 162,3m2 đất ở vượt hạn mức nhưng không thu tiền sử dụng đất.
"Do đây là vụ việc có tính chất phức tạp, có liên quan đến nghĩa vụ tài chính khá lớn và đã được các phương tiện truyền thông đưa tin trong thời gian dài. UBND huyện kính trình UBND tỉnh sớm xem xét cho ý kiến để giải quyết dứt điểm đơn thư của người dân", báo cáo của UBND huyện Đức Trọng gửi UBND tỉnh Lâm Đồng.
Trao đổi với PV Dân trí vào sáng 17/11, ông Khổng Minh Nghiệp, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Ban tiếp công dân cho biết, UBND tỉnh Lâm Đồng đã nhận được báo cáo xin ý kiến của huyện Đức Trọng về việc giải quyết đơn thư khiếu nại của bà Đàm Thị Lích. “Chúng tôi cũng mới nhận được báo cáo xin ý kiến của huyện Đức Trọng nên phải giao lại cho các bộ phận chuyên môn nghiên cứu rồi mới có chỉ đạo xử lý” - Ông Nghiệp nói.
Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, Trưởng Ban Khổng Minh Nghiệp chia sẻ thêm, nội dung báo cáo xin ý kiến của huyện Đức Trọng chỉ mang tính chất trao đổi nghiệp vụ, được hay không được thì phải chờ cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý, bây giờ đang trao đổi nên ý kiến của từng cơ quan có thể khác nhau nhưng quan trọng là ý kiến của cơ quan có thẩm quyền quyết định cuối cùng để xem xét quyền lợi của người dân có bị ảnh hưởng hay không.
“Chúng tôi khẳng định trách nhiệm ở đây là ở UBND huyện, nếu người dân không đồng tình thì người dân khiếu nại. Lúc đó tỉnh mới có trách nhiệm giải quyết chứ không phải việc gì cũng đẩy hết trách nhiệm lên tỉnh. Tỉnh đã giao cho các bộ phận chuyên môn hỗ trợ cho huyện để định hướng nhanh và đúng nhất” - Ông Nghiệp khẳng định.
Kiến nghị không thu tiền sử dụng 253m2 đất đối với bà Đàm Thị Lích được UBND huyện Đức Trọng đưa ra sau khi có kết quả rà soát và đối chiếu các tài liệu liên quan đến. Theo đó, qua kiểm tra nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của gia đình bà Lích tại thị trấn Đức Trọng cho thấy, qua các quyết định giải quyết đơn tranh chấp quyền sử dụng đất và đơn khiếu nại của ông Vy Văn Lan (chồng bà Lích) thể hiện mảnh đất của gia đình bà Lích được UBND thị trấn Liên Nghĩa giao từ năm 1986, ông Lan sử dụng đến tháng 5/1993 và có đơn xin xây dựng nhà nhưng sau đó bị UBND thị trấn đình chỉ xây dựng (do tranh chấp với bà Võ Phương Vạn Phấn, ngụ gần nhà bà Lích). Do việc hòa giải không thành, tháng 7/1993, UBND thị trấn Liên Nghĩa ra quyết định thu hồi toàn bộ diện tích 610m2 đất.
Ngày 18/12/1993, gia đình bà Lích được giải quyết khiếu nại và được công nhận lô đất thổ cư với diện tích 610m2 theo quyết định 419/QĐ-UB và đến ngày 8/1/1994 được công nhận quyền sử dụng đất tại quyết định số 04/QĐ-UB. Như vậy, đất của gia đình bà Lích đã được cấp từ năm 1986 và đến 5/1993, gia đình bà Lích đã sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở.
Như vậy, sau hơn 4 tháng báo Dân trí đồng hành cùng bà Đàm Thị Lích với hơn 20 bài báo điều tra, phân tích pháp luật làm rõ những bất cập, sai phạm của các cấp chính quyền huyện Đức Trọng trong việc đưa ra mức áp thuế "trên trời", vô cảm với người dân, công lý đã dần phát lộ.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Trung Kiên