Bài 58:

Vụ 146 Quán Thánh: Tại sao quận Ba Đình "bó tay" trước một đường cống tắc?

(Dân trí) - "Tại sao có một việc nhỏ như vậy mà UBND quận Ba Đình không giải quyết được? Đất ở khu vực này là đất Vàng, phải chăng vì có chuyện vướng mắc quá lớn đến TIỀN nên Quận Ba Đình cố tình chây ỳ? Theo tôi, vụ việc này phải được xử lý thật nghiêm, thu hồi phần diện tích đất chung đã cấp sai, phá bỏ phần nhà xây lấn chiếm đất chung, khôi phục lại đường cống cũ", bạn đọc Dân trí bày tỏ.

Người dân Thủ đô nói gì về vụ việc 146 Quán Thánh?

Sau hơn 50 bài báo điều tra của Báo Dân trí về những sai phạm nghiêm trọng của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng liên quan đến vụ việc tại biển số nhà 146 Quán Thánh (Ba Đình - Hà Nội), UBND TP Hà Nội đã chính thức kết luận hàng loạt sai phạm tại Thông báo số 27/TB-UBND ngày 20/7/2016 do ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội ký.

Cấp sổ đỏ cho cả phần diện tích đất chung có đường cống nước của khu nhà 146 chảy qua, cấp phép xây dựng 4 tầng nhưng nhà số 5 Đặng Dung "mọc" thành 7 tầng, yêu cầu xử lý hàng loạt cán bộ và điều chỉnh sổ đỏ đã cấp sai...là những kết luận và chỉ đạo chính thức từ UBND TP Hà Nội trong vụ 146 Quán Thánh.

Vụ 146 Quán Thánh: Tại sao quận Ba Đình bó tay trước một đường cống tắc? - Ảnh 2.

UBND TP Hà Nội chính thức kết luận hàng loạt sai phạm vụ 146 Quán Thánh.

Vụ 146 Quán Thánh: Tại sao quận Ba Đình bó tay trước một đường cống tắc? - Ảnh 3.

Cư dân 146 Quán Thánh vô cùng lo lắng sau vụ sập nhà 43 Cửa Bắc khiến 2 người thiệt mạng.

Bà Lê Thị Tuyết Băng, một hộ dân trong biển số nhà cho biết: "Đường cống cũ của ngôi nhà bị bịt tắc tại nhà số 5 Đặng Dung. Nhiều năm qua, cả ngôi biệt thự cổ bị nhấn chìm trong nước thải. Toàn bộ phần móng đã bị rã hết ra do ngâm nước suốt một thời gian dài.

Sau nhiều năm chờ đợi mòn mỏi, hàng chục người dân chúng tôi đã nhận được kết luận chính thức từ UBND TP Hà Nội khẳng định có đường cống thoát nước chung cũ nằm dưới phần đất công cộng đã bị UBND quận Ba Đình cấp thành sổ đỏ cho nhà số 5 Đặng Dung. Sự việc đã rõ như ban ngày. Thế mà, UBND quận Ba Đình vẫn còn định huy động phương tiện vào khu nhà rầm rộ đào đường cống nước mới nhằm lấp liếm đi sai phạm.

Hàng chục người dân ở đây từ các cụ già đến trẻ em phản đối việc làm bất chấp này của UBND quận Ba Đình bởi 2 lý do: Thứ nhất, UBND quận Ba Đình không thể dùng gần 500 triệu tiền ngân sách nhà nước để đào cả một đường cống mới chỉ bởi nhằm xoá dấu vết sai phạm và kiên quyết bảo vệ nhà số 5 Đặng Dung khỏi bị thông đường cống nước cũ vốn đã có gần 100 năm.

Thứ hai, quan trọng hơn là ngôi biệt thự cổ bị ngâm nước nhiều năm này, khi huy động máy móc phương tiện đào phá rầm rập như thế vô cùng có nguy cơ đổ sập. Nhà 43 Cửa Bắc mới gần 40 năm tuổi bị vỡ ống nước đã sập. Biển số nhà 146 Quán Thánh có hàng chục sinh mạng đang sinh sống, nếu đổ sập ai sẽ là người chịu trách nhiệm?".

Hơn 50.000 bạn đọc Dân trí cũng đã tham gia bày tỏ ý kiến "hiến kế" cho UBND quận Ba Đình. Theo đó, 90,79% số bạn đọc đề nghị UBND quận Ba Đình phải khơi thông ngay đường cống cũ đang bị bịt tắc.

Nhiều bày đọc bức xúc đặt câu hỏi: Tại sao quận Ba Đình "bó tay" trước một đường cống tắc?

Bạn đọc Tran Giang: "Chuyện thật như đùa, cấp cả sổ đỏ trên cống nước sinh hoạt của dân thì chắc chỉ có ở thủ đô Hà Nội. Có lẽ là trung tâm của cả nước nên mới dám đi đầu còn ở các vùng xa xôi heo hút chỉ xin ngả mũ vái lậy".

Bạn đọc Dang Tuan Phuong: "Vụ 146 Quán Thánh đề nghị xử lý hình sự sẽ lộ ra một dãy ê kíp tham nhũng bằng không sự việc còn bảo kê kéo dài chưa biết khi nào được giải thoát".

Vụ 146 Quán Thánh: Tại sao quận Ba Đình bó tay trước một đường cống tắc? - Ảnh 4.

Cuốn sổ đỏ được cấp đè lên cả phần đất chung là đường cống nhà 146 Quán Thánh do Phó chủ tịch UBND quận Ba Đình Bùi Văn Thông ký.


Vụ 146 Quán Thánh: Tại sao quận Ba Đình bó tay trước một đường cống tắc? - Ảnh 5.

Nhiều năm sau đó, ông Nguyễn Phong Cầm - Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho rằng không phải hỏi ý kiến người dân việc xây đường cống mới tại số nhà 146 Quán Thánh.

Bạn đọc Tien Thinh: "Vụ 146 Quán Thánh nếu không có sự bảo kê nào đó làm sao nhà số 5 Đặng Dung có thể gây được nhiều chuyện lạ đến thế và tại sao mọi sự vi phạm rõ như ban ngày các cấp lãnh đạo vẫn loanh quanh tìm cách hợp lý hoá mọi sai phạm bảo vệ cho nhà số 5 thậm chí dùng cả ngân sách . Bái phục các vị lãnh đạo".

Bạn đọc Hau: "Mấy ông quan của quận Ba Đình sao lại để tình trạng nước thải sinh hoạt ùn ứ bao lâu nay mặc dù có nhiều dư luận và báo chí đưa tin như thế mà họ vẫn dửng dưng như chưa hề có chuyện gì là sao? Còn chính quyền TP Hà Nội lại bất lực trước sai trái của quận Ba Đình nữa hay sao? Nếu thật sự là vậy thì xin mấy ông từ chức hết đi để người khác ngồi ghế này mà phục vụ nhân dân".

Bạn đọc Nguyen Thi Nhan: "Chuyện rõ như ban ngày. Mong sao Thủ tướng không để họ vòng vo mãi tốn thêm tiền bạc thời gian của dân và cái quan trọng nhất là nếu mãi như vậy, Dân nào còn dám tin vào lời nói của các quan "Quyết tâm, Quyết tâm". Chỉ rõ có Quan ký cụ thể sao không đem quan đó ra trị".

Bạn đọc Nguyễn Hiền: "HĐND TP , đoàn ĐBQH TP Hà Nội "đang ở đâu" sao không thấy lên tiếng? Lạ nhỉ . Bà con cử tri tại số nhà 146 Quán Thánh đội đơn đến HĐND, đoàn ĐBQH TP Hà nội xem sao, biết đâu lại " tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm".

Bạn đọc Tran Bac: "Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo giải quyết vụ này. Vậy mà quận Ba đình KHÔNG TUÂN THỦ - "Trên bảo Dưới không nghe" vẫn quyết trích mấy trăm triệu tiền ngân sách để làm cống mới bất chấp nguy cơ sập nhà 146 Quán thánh đã 100 tuổi. Phó chủ tịch Cầm còn ngang nhiên tuyên bố "không cần phải hỏi ý kiến người dân" .Vậy là ra chỉ thị chỉ để cho xong trách nhiệm còn thì " sống chết mặc bay" sao ? KHÔNG THỂ HIỂU NỔI - THỦ ĐÔ NGÀN NĂM VĂN HIẾN !?".

Bạn đọc Nguyenducsinh: "Tại sao có một việc nhỏ như vậy mà UBND quận Ba Đình không giải quyết được? Đất ở khu vực này là đất Vàng, phải chăng vì có chuyện vướng mắc quá lớn đến TIỀN nên Quận Ba Đình cố tình chây ỳ? Theo tôi vụ việc này phải được xử lý thật nghiêm, thu hồi phần diện tích đất chung đã cấp sai, phá bỏ phần nhà xây lấn chiếm đất chung, khôi phục lại đường cống cũ. Mọi phí tổn để khắc phục sự vụ thì những người cố tình làm sai (Chắc chắn là đã thu lợi nhiều) trước đây phải có trách nhiệm bồi thường, bất kể người đó là ai, còn đương chức thuyên chuyển hay đã nghỉ hưu. Có thể truy tố những người này trước pháp luật... Thành phố hãy xử lý thật nghiêm để lấy lại lòng tin trong dân!".

Bạn đọc Nguyenthanhhuong: "Chào các bác, bây giời "Họ" ăn cả cống thoát nước thải của dân".

Bạn đọc Tranthang: "Chuyện nhỏ như "móng tay" lại nhờ đến Thủ tướng rồi. Buồn quá".

Anh Thế