Viết tiếp vụ “Thu hồi 5.000m2 đất đền bù 2 triệu đồng”:
UBND tỉnh Hà Nam báo cáo không đúng về vụ cưỡng chế ở Duy Tiên
(Dân trí) - Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm về vụ cưỡng chế hơn 5.000 m2 đất đền bù 2,2 triệu đồng ở huyện Duy Tiên. Tính ra chưa đến 500 đ/m2. Khó có thể nghĩ rằng những thành quả lao động trong ngần ấy năm của người nông dân lại rẻ rúng đến vậy.
Cụ thể, ngày 29/12/2010, Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước đã có công văn số 326/BC-TDTW gửi đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ: “Ngày 29/12/2010, bà Bùi Hà Huấn cùng 40 công dân của xã Ba Sao, huyện Kim Bảng; bà Nguyễn Thị Nhàn, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm; bà Phạm Thị Huệ, phường Lê Hồng Phong, TP. Phủ Lý đến khiếu nại tại Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước…
Cùng đi khiếu nại với đoàn Hà Nam còn có bà Lê Thị Anh, được bố đẻ là ông Lê Hồng Ngọc ở thôn Lão Cầu, xã Tân Tiên, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam ủy quyền tiếp tục đến Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước khiếu nại sau khi nhận được văn bản số 1737/UBND-NC ngày 24/12/2010 của UBND tỉnh Hà Nam về việc trả lời khiếu nại của ông Lê Hồng Ngọc.
Bà Lê Thị Anh không đồng ý với văn bản số 1737/UBND-NC ngày 24/12/2010 và cho rằng việc UBND tỉnh trả lời gia đình ông Ngọc là đã có sự thống nhất của Đoàn công tác liên ngành gồm lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, đại diện Bộ Công an, Văn phòng Trung ương Đảng ngày 16/12/2010 về làm việc với UBND tỉnh đã gây thiệt hại đến quyền lợi gia đình bà.
Không phải là “đất công ích”
Chính quyền địa phương cho rằng, việc xử lý của họ đối với trường hợp hộ ông Lê Hồng Ngọc là phù hợp quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP.
Nhận định về vụ việc trên dưới góc nhìn pháp lý, luật gia Nguyễn Chấn (Hà Nội) cho rằng: Hộ gia đình ông Lê Hồng Ngọc cải tạo, sử dụng hơn 5.000m2 đất nông nghiệp từ năm 1982 (tức trước 15/10/1993). Diện tích này không phải là “đất công ích” vì ở thời điểm đó Nhà nước chưa quy định về đất công ích. Kể từ Luật Đất đai 1993 (có hiệu lực từ 15/10/1993), Nhà nước mới có quy định về "đất công ích" trong khi hộ ông Ngọc sử dụng đất từ năm 1982 nên việc xã không ký hợp đồng khoán thầu đất công ích với ông Lê Hồng Ngọc ở thời điểm ấy là điều dễ hiểu.
Sau này, theo ông Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên, khi thực hiện Luật Đất đai năm 1993 và Luật Đất đai năm 2003, UBND xã cũng không ký hợp đồng khoán thầu đất công ích với hộ ông Ngọc. Vì vậy, cho đến khi đất bị thu hồi, hộ gia đình ông Ngọc vẫn không có giấy tờ về quyền sử dụng diện tích đất nông nghiệp đã được họ sử dụng từ năm 1982.
Đối với trường hợp này, tại điểm c khoản 1 Điều 44 Nghị định 84/2007/NĐ-CP, Chính phủ quy định bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đối với đất sử dụng trước ngày 15/10/1993 mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất như sau: “Trường hợp đất đang sử dụng vào mục đích nông nghiệp mà người đang sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì được bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng nhưng diện tích được bồi thường, hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 70 của Luật Đất đai và khoản 1 Điều 69 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP”.
Về ý kiến của chính quyền địa phương cho rằng họ xử lý đối với tình huống này là phù hợp quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP:
Theo chúng tôi, đây là sự nhầm lẫn trong áp dụng pháp luật. Thật vậy, khoản 3 Điều 16 Nghị định 69/2009/NĐ-CP quy định chính sách đối với trường hợp “đất thu hồi là đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn”, trong khi hộ ông Lê Hồng Ngọc thuộc trường hợp khác: “Sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất”.
Từ những căn cứ pháp luật trên, không có cơ sở để nói phần đất ông Ngọc canh tác từ năm 1982 nằm trong diện tích “đất công ích” của xã nên cũng không có cơ sở để UBND xã hưởng tiền đền bù 40.000 đồng/m2 (nguồn chi từ Ngân sách Nhà nước). Theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật Ngân sách Nhà nước: “Những khoản chi không đúng với quy định của pháp luật phải được thu hồi đủ cho ngân sách Nhà nước”.
“Rõ ràng, cơ quan chuyên trách được UBND tỉnh Hà Nam giao làm rõ câu chuyện nhập nhèm trong thu hồi đất nhà ông Ngọc đã chưa nhìn thẳng vào chỗ quyền lợi của người dân bị xâm hại, chuyện nhập nhèm trong quản lý đất của chính quyền để tìm một lời giải thấu tình đạt lý. Việc lấy nỗi lo về diện tích còn lại mà gia đình ông Ngọc đang canh tác để xóa đi câu trả lời thấu đáo cho bi kịch của gia đình ông Ngọc là cách làm không những không đúng qui định của pháp luật mà còn không thấu tình, là mầm mống cho khiếu nai vượt cấp lên Trung ương”- Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhấn mạnh. |
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến