Vụ thu hồi 5000m2 đất đền 2 triệu đồng tại Hà Nam:

Giá đền bù quá rẻ mạt, trái pháp luật

(Dân trí) - Không đồng tình với phương án đền bù bất hợp lý với công sức lao động đã bỏ ra trên diện tích đất 5.023 m2 gần 30 năm qua, ông Ngọc tiếp tục làm đơn khiếu nại lên các cấp có thẩm quyền nhưng vẫn chưa được huyện Duy Tiên giải quyết dứt điểm.

Giá đền bù quá rẻ mạt, trái pháp luật
Người nhà ông Ngọc đau xót chỉ mảnh đất gia đình cải tạo gần 30 năm nay chỉ nhận được 2,2 triệu đồng đền bù.  

Ông Ngọc là “chủ” đất

Trở lại với nguồn gốc mảnh đất 5000m2 hoang hoá gần 30 năm trước, ông Phạm Văn Quyền, nguyên Chủ tịch UBND xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên thời bấy giờ (năm 1982) khẳng định, phần đất này giao cho Quân đội nhưng không làm được, Hợp tác xã  có gọi nhân dân 3 thôn đến chia nhưng không ai nhận. Sau nữa là đưa ra cho thầu nhưng cũng không ai nhận.

Cuối cùng, năm 1982, các đồng chí cán bộ HTX và UBND xã đã vận động ông Ngọc nhận làm. Gia đình ông Ngọc đã mất 10 năm đầu vất vả, khó khăn, bỏ ra nhiều công sức, tiền của để san lấp, đắp bờ, cải tạo mới trở nên màu mỡ và khai thác kinh tế được.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Nghi, 78 tuổi, cũng xác nhận việc: Năm 1982, ông Ngọc xin vùng đất ao, ruộng hoang hóa của xã để cải tạo, sử dụng. “Khi đó, vùng ruộng, ao này đã có nhiều đơn vị đến làm nhưng không làm được; ông Ngọc đã sử dụng sản xuất từ đó đến nay” – ông Nghi nêu rõ.

Trong quá trình tìm hiểu vấn đề, ông Ngọc cũng cung cấp cho chúng tôi đầy đủ các chứng từ về thuế sản xuất và các biên nhận của Ban Quản trị Hợp tác xã xã Tiên Tân về việc liên tục trong nhiều năm, từ 1989, gia đình đã phải san lấp, cải tạo các khu ruộng, đắp bờ, san gò, đống… để cải tạo diện tích đất nói trên.

Đối chiếu với các điều khoản trong Luật Đất đai và các văn bản liên quan thì phần đúng nghiêng về phía gia đình ông Lê Hồng Ngọc. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về hình thức giao sử dụng đất công ích, đối chiếu theo Luật Đất đai, nếu thực sự đất nhà ông Ngọc đang sử dụng là đất công ích thì phải được UBND xã cho thuê, có hợp đồng và không quá 5 năm. Nhưng trên thực tế, UBND xã Tiên Tân không hề có hợp đồng khoán thầu cũng như văn bản đấu giá nhận thầu với diện tích đất gia đình ông Ngọc cải tạo, sản xuất gần 30 năm qua.

Thứ hai, về nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, nếu như chính quyền các cấp từ xã đến tỉnh Hà Nam khẳng định đất gia đình ông Ngọc khai hoang, đang sản xuất thuộc quỹ đất công ích thì người nộp thuế SDĐNN phải là UBND xã Tiên Tân. Tuy nhiên, thực tế gần 30 năm qua, gia đình ông Ngọc lại là người nộp thuế SDĐNN.

Theo đó, gia đình ông Ngọc mới là người sử dụng đất vì là hộ nộp thuế, điều này căn cứ vào những hoá đơn, biên lai nộp thuế của ông Ngọc. Pháp luật cũng quy định, khi nhà nước thu hồi đất thì phải đền bù thoả đáng cho người sử dụng đất.

Đồng thời, theo căn cứ này, diện tích ông Ngọc đang sản xuất không phải là đất công ích theo kết luận của chính quyền các cấp tỉnh Hà Nam.

Thứ ba, về quy định giao đất nông nghiệp, diện tích đất mà gia đình gia đình ông Ngọc sử dụng, canh tác đủ điều kiện để tiếp tục giao cho ông Ngọc sử dụng, phần vượt quá hạn phải được Nhà nước cho ông Ngọc thuê theo quy định của pháp luật về đất đai.

Gần 30 năm sử dụng đất, đã nhiều lần ông Ngọc có đơn xin thuê đất, kể cả lập dự án trang trại nhưng không được huyện Duy Tiên chấp nhận!

Cụ thể là vào năm 2000, ông Ngọc đã xây dựng Đề án “Xây dựng mô hình trang trại đa canh (lúa, cá, gia cầm) trên vùng đất trũng xã Tiên Tân”. Thế nhưng, khi ông đệ trình thì bị chính quyền xã và huyện thì bị từ chối.

Năm 2008, gia đình ông Ngọc lại xây dựng đề án cải tạo, xây dựng khu kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái tại vị trí nói trên. Một lần nữa, tờ trình này lại bị từ chối mà không có  lý do!

Như vậy, việc các cấp chính quyền cho rằng diện tích đất thu hồi của gia đình ông Lê Hồng Ngọc là đất công ích là sai sự thật, trái với quy định của pháp luật về đất đai. Do đó, việc xác định ông Ngọc là người sử dụng đất là đúng theo quy định của pháp luật.
Giá đền bù quá rẻ mạt, trái pháp luật
Đơn khiếu nại của ông Lê Hồng Ngọc gửi đến Báo Dân trí
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Tiếp tục khiếu kiện đòi công lý

Sau những kết luận không thoả đáng của UBND huyện Duy Tiên và UBND tỉnh Hà Nam, gia đình ông Lê Hồng Ngọc tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên các cơ quan cấp trên. Cùng với sự phản ánh mạnh mẽ của báo chí, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để làm sáng tỏ vấn đề, giải quyết dứt điểm sự việc.

Đích thân Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã có văn bản chỉ đạo Thanh tra Chính phủ (TTCP) đôn đốc UBND tỉnh Hà Nam đối thoại với gia đình ông Ngọc.

TTCP cũng chỉ đạo, thành phần tham gia đối thoại gồm: UBND tỉnh Hà Nam và các cơ quan chức năng của địa phương, TTCP, đại diện Trụ sở tiếp công dân của T.Ư Đảng và Nhà nước, các cơ quan ngôn luận, gia đình ông Lê Hồng Ngọc và luật sư của gia đình ông Ngọc (nếu có).
Giá đền bù quá rẻ mạt, trái pháp luật
Công văn của Văn phòng Chính phủ chỉ đạo giải quyết vụ việc
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)

Tuy nhiên đến nay, vụ việc trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, nên gia đình ông Ngọc vẫn phải đôn đáo đi gõ cửa các cơ quan chức năng để tìm công lý cho gia đình mình. Đồng thời, ông Ngọc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm vào cuộc: Thanh tra, kiểm tra toàn bộ quy trình thu hồi đất của gia đình ông; xử lý nghiêm minh các cá nhân có vi phạm trong quá trình thực hiện việc thu hồi đất của gia đình ông Ngọc.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Bách, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Theo tài liệu và các căn cứ pháp lý chứng minh gia đình ông Ngọc đã sử dụng ổn định diện tích đất tại khu Đồng Leo, xã Tiên Tân từ trước năm 1989, hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước. Không có bất kỳ một văn bản nào cho thấy gia đình ông Lê Hồng Ngọc nhận khoán diện tích đất này với UBND xã. Quá trình thu hồi đất, thực hiện giải phóng mặt bằng đối với gia đình ông Ngọc có nhiều điểm trái với các qui định của pháp luật về quản lý đất đai.

Gần 30 năm canh tác trên mảnh đất tự khai hoang, gia đình ông Ngọc vẫn nộp sản phẩm, thuế sử dụng đất đầy đủ và hoàn toàn không có tranh chấp. Điều này căn cứ vào những phiếu thu, biên lai thu tiền thuế nông nghiệp, thuỷ lợi phí…

Năm 2009, UBND huyện Duy Tiên triển khai dự án làm tuyến đường trục xã Tiên Tân, trong đó quyết định thu một phần diện tích đất trồng lúa của gia đình ông Ngọc là 5023 m2 với số tiền đền bù là: 2.294.611 đ (Hai triệu hai trăm chín tư ngàn sáu trăm mười một đồng), giá tiền không bằng đàn vịt ông đang nuôi đẻ trứng một đêm là hết sức phi lý, không đúng pháp luật.

Vũ Văn Tiến

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm