Dạy con nên người:
Tuổi thật - tuổi giả
(Dân trí) - Bây giờ, có lệ bất thành văn nhất cử nhất động đều phải xem tuổi, từ dựng vợ, gả chồng cho con cái, sửa nhà cửa, sang mồ cất mả...
Làm việc gì mà được tuổi, nhất là tuổi ông chủ nhà thì không những gia chủ mà họ hàng, láng giềng đến thợ thuyền đều yên tâm. Bởi thế nên khi cậu con cả đòi sửa nhà, lôi lý lịch bố ra tra ngày sinh tháng để đi nhờ thầy "xem" mới bị ông bố cho một trận lôi đình. Đầu tiên còn nói nhỏ sau rồi lời qua tiếng lại giữa hai bố con ngày càng to, không chỉ tôi nhà liền vách, mà cả xóm đều nghe thấy.
Tiếng ông bố:
- Ai bảo anh đi xem ngày mà không hỏi tôi. Ai bảo anh chưa có ý kiến tôi mà đã thuê thợ, mua nguyên vật liệu?
Tiếng anh con:
- Nhà là của bố cho vợ chồng con. Tiền sửa sang lên tầng là tiền của chúng con. Trách nhiệm của chúng con là phải sửa sang để cả gia đình có nơi ăn chốn ở tử tế. Bố can thiệp vào làm gì cho mệt.
Tiếng ông bố:
- Anh chị lo cho tôi, tôi xin cảm ơn. Nhưng sao lại đứng tên tôi mà sửa nhà?
Tiếng anh con:
- Ơ hay, trong sổ hộ khẩu nhà này vẫn mang tên chủ là bố kia mà. Với lại cả hai vợ chồng con năm nay đều không hợp tuổi, chỉ có bố thôi. Tuổi bố năm nay xây cất nhà cửa, lo chuyện cõi âm là nhất.
Câu chuyện của họ đến đây là im bặt, có giỏng tai nghe hóng cũng chẳng ích gì. Cánh láng giếng đành thở dài, ai lo việc người ấy. Thực ra, cuộc cãi cọ còn dài, chỉ có điều là cãi nhau thầm giữa hai bố con:
- Sao anh ngu thế, tuổi lý lịch của tôi là tuổi giả. Tính tuổi thật, năm nay là năm sung của tôi, sửa nhà để chết à?
- Con biết đâu! Con thấy bố khai theo lý lịch gốc kia mà?
- Gốc cái con mẹ gì. 20 năm trước tôi sinh năm 1936, bây giờ tôi sinh năm 1942. Chữa mấy con số trong hồ sơ có gì khó.
- Cụ tài thật!
- Chả tài mà 64 tuổi vẫn ngồi ở cái ghế này. Đáng ra là về hưu để anh chị nuôi báo cô từ lâu rồi. Mà này, trót thuê thợ rồi thì tìm ai mà nhờ tuổi. Các anh bây giờ cũng sớm mà lo đi. Hạ được một vài tuổi là lợi lắm. Bây giờ người ta lấy tiêu chuẩn tuổi để gạt nhau, mấy khi lấy đức lấy tài.
Vũ Duy Thông