Dạy con nên người:
Lính tôi đấy
(Dân trí) - Đến cấp trung đoàn trưởng, ông về nghỉ hưu. Từ ngày về quê, ông cứ luẩn quẩn trong nhà, ngủ và hút thuốc lào vặt, khi có đám chén ở nhà nào, ông mới ló mặt, chén xong là về, cấm trò chuyện với ai.
Chưa nói mấy thửa ruộng khoán, đến hơn sào vườn trong nhà ông cũng mặc vợ con. Ai hỏi ông bảo hưu là hết nghĩa vụ lao động, ông đóng góp đã nhiều, bây giờ phải nghỉ, lương hưu đại tá, ông chưa cần nhờ ai...
Nhưng ông còn tráng kiện, làng xóm vẫn muốn ông tham gia việc chung. Hội Cựu chiến binh xã đánh tiếng, ông gắt: "Mấy cậu nhãi nhép, cựu chiến binh trong làng có cả trăm, trông gì vào họ được mà tham gia. Cái cậu chủ tịch hội khi tôi là tiểu đoàn trưởng, cậu ta mới binh nhì".
Đến lượt câu lạc bộ Khuyến nông, ông cũng cho một gáo nước lạnh: "Chưa ai học qua đại học thì khuyến nông nỗi gì. Hồi trung đoàn làm kinh tế, trong tay tôi gần chục kỹ sư nông nghiệp mà còn phải dạy các ông ấy từng tí. Sức đâu đi làm khuyến nông ở làng".
Cứ như thế thành ra chẳng ai còn dám mời ông dự việc làng việc xã nữa. Ông thành người rỗi rãi nhất ở ngay trong nhà, trong xóm mình. Thế là ông tức:
- Các ông, các bà có biết cậu T. chủ tịch tỉnh bây giờ không? Lính tôi đấy! Cậu B. phó bí thư huyện uỷ cũng tôi đào tạo từ tiểu đội phó hồi ở chiến trường. Cả cậu H. chủ tịch xã này nữa, chính tôi nhận cậu ta vào đơn vị. Thế mà bây giờ họ quên hết, quanh năm không đến nhà thủ trưởng cũ uống chén nước. Đời bạc thế.
Nghe mãi những lời như vậy thành nhờn, đám thanh niên khích vào:
- Đúng thế, kim chỉ có đầu. Đã là lính thì suốt đời vẫn là lính mới phải. Thủ trưởng có lên tướng thì mình mới được lên tá chứ.
Biết bị xỏ ngọt, ông tái mặt, từ đấy không mấy khi ông kể công đào tạo cán bộ trước đám đông nữa.
Vũ Duy Thông