Tạo cơ hội tự chủ cho các trường đại học
Gần đây có một loạt bài rất thời sự và chân tình của “người trong cuộc” về tình cảnh công chức cũng như nỗi niềm giảng viên trẻ ở các trường Đại học. Tôi cũng là một giảng viên trẻ vừa về nước phục vụ được 3 tháng, muốn đóng góp ý kiến về vấn đề này.
Tình cảnh giảng viên trẻ
Trước hết về mặt đãi ngộ, trong thời gian ký hợp đồng ngắn hạn, giảng viên trẻ nhận được lương công nhật với 65.500 đồng/ ngày lao động. Sau đó được ký hợp đồng dài hạn, trong một năm đầu làm tập sự (chưa giảng dạy) lương 85% x 2,67 x lương cơ bản (trường hợp có bằng Thạc sỹ, nếu kỹ sư thì hệ số lương là 2,34). Như vậy ở 15 tháng đầu tiên, giảng viên trẻ có thu nhập từ lương được trên dưới 1 triệu đồng/tháng. Điều này dẫn đến điều gì? Phải nhận sự chu cấp của gia đình hoặc làm thêm ở ngoài.
Giả sử giảng viên trẻ vượt qua được thời gian thử thách đầu tiên sẽ bắt đầu đi dạy với mức thù lao từ 5 nghìn đồng/tiết cho 150 tiết đầu tiên, 20 nghìn đồng/ tiết cho những tiết tiếp theo (mức trả ở trường tôi đang công tác). Một học kỳ có 15 tuần, vậy dạy 10 tiết mỗi tuần anh sẽ đạt mức cơ bản và nhận 150 x 5 nghìn = 650 nghìn. Nếu anh dạy 30 tiết mỗi tuần thì cuối kỳ sẽ được 650 nghìn + 300x20 nghìn = 6 triệu 650 nghìn.
Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Bạn đọc có thể phẫn nộ, giảng viên ai lại làm thế, đã chọn nghề làm nghề thầy thì phải nghiêm túc, phải thế này thế nọ. Thực ra người ta bị dồn vào thế phải như vậy nếu muốn sống được. Phấn đấu học hành từ bé mất gần hai chục năm để nhận mức lương ngang bằng công nhân mà lại làm việc tự nguyện đúng lương tâm ư? Mấy ai làm được việc đó. Tôi thường hay nói đùa với bạn bè rằng: muốn làm giảng viên trẻ đúng nghĩa phải là con đại gia.
Lối thoát nào cho giảng viên trẻ?
Tự thân vận động: Giảng viên trẻ có năng lực thực sự sẽ không khó khăn gì trong việc đi dạy ở trung tâm, ở trường dân lập, hoặc đi làm thêm như phiên dịch, mở công ty riêng v.v.. Người ta sống được nhưng không toàn tâm vì nghề.
Đi du học: Những giảng viên trẻ giỏi ngoại ngữ và chuyên môn sẽ không khó khăn gì trong việc tìm học bổng ra nước ngoài. Có người ở lại luôn, có người tìm về với hi vọng sau mấy năm môi trường ở nhà đã khác. Hoặc người ta có đủ năng lực làm ngoài một cách thoải mái, có thu nhập cao.
Xây dựng những cơ chế mới: Một ví dụ điển hình là Chương trình tiên tiến của Bộ Giáo dục đã mở ra các khóa đào tạo chuyên môn bằng tiếng Anh, giảng viên dạy ở đây được trả 10USD/1 tiết. Ngoài ra những người giỏi ngoại ngữ ở các khoa cũng nhen nhúm xin cơ chế hợp tác với nước ngoài để đào tạo 2 giai đoạn, thu học phí cao để giảng dạy chất lương tốt và tạo điều kiện cho giảng viên giỏi sống được.
Tôi hi vọng các trường cũng như Bộ tạo điều kiện cho các mô hình mới sống được. Chúng ta vừa đảm bảo phần công ích (đào tạo ĐH đại trà cho mọi tầng lớp nhân dân) vừa có phần mũi nhọn dành cho những người có điều kiện kinh tế hơn hoặc chịu mạo hiểm đầu tư tiền của cho con cái họ. Giảng viên lại sống được bằng nghề và không bị lương tâm cắn rứt.
Những người lãnh đạo cần có tinh thần cầu thị cái mới. Giảng viên trẻ không phải là mối đe dọa về quyền lực cũng như quyền lợi. Những giảng viên trẻ chỉ cần được tạo điều kiện để làm việc và có thu nhập đủ sống. Chúng tôi chỉ mong những đề xuất mới với tinh thần xây dựng được các cấp quản lý xem xét và tiếp thu để làm lành mạnh môi trường giáo dục là mừng lắm rồi.
Mong rằng các trường ĐH cũng như các cơ quan công quyền cải cách mạnh mẽ hơn về cơ chế để tạo điều kiện cho công chức có năng lực sống được theo đúng chuyên môn và lương tâm của mình. Vì sao không tạo những “khoán 10” trong các cơ quan nghiệp vụ cũng như các trường ĐH?
Chân Thành
LTS Dân trí - Thật ra đối với một giảng viên đại học có năng lực thì không thiếu gì cách để kiếm sống, để chăm lo cho cuộc sống gia đình, nhưng vấn đề đáng quan tâm ở đây là làm sao cho những giảng viên đó có thể yên tâm về cuộc sống để dồn toàn tâm toàn ý vào công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Chỉ có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của một cán bộ giảng dạy đại học.
Trong khi ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế chưa đủ đầu tư cho các trường đại học và trả lương thoả đáng cho những người Thầy dạy đại học thì điều quan trọng là cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý - như bài viết trên đây đã gợi ra - nhằm phát huy đầy đủ quyền tự chủ cho các trường đại học để tìm mọi biện pháp tăng thêm nguồn thu như mở thêm hệ đào đặc biệt (thu học phí cao); thành lập các doanh nghiệp khoa học để kinh doanh các sản phẩm khoa học; mở rộng sự hợp tác liên kết với các trường đại học nước ngoài và các tập đoàn, tổng công ty trong công tác đào tạo và nghiên cứu…Thật ra, những công việc vừa nói không phải là mới mẻ, một số trường đại học lớn đã thực hiện, song những kinh nghiệm ấy cần được tổng kết và nhân rộng ở những trường có những tiền đề và điều kiện cho phép.