Tranh cãi pháp lý từ vụ xe máy "hạ gục" 3 người đi đường
(Dân trí) - Theo luật sư, vụ việc xảy ra lỗi hỗn hợp. Trong đó người đi bộ vi phạm lỗi hành chính khi đi bộ dưới lòng đường, song không phải căn cứ để miễn trừ trách nhiệm đối với người đi xe máy.
Như Dân trí thông tin, trưa 31/5, một nam thanh niên điều khiển xe máy phóng nhanh trên đường Tuyên Quang, tới địa phận xã Lưỡng Vượng, TP Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) thì bất ngờ tông trúng một người đàn ông đi bộ dưới lòng đường, khiến nạn nhân bị hất văng, lộn ngược rồi rơi xuống đất còn phương tiện đổ ra đường, tiếp tục tông gục thêm 2 người đi phía trước.
Theo lực lượng chức năng, người điều khiển phương tiện là một nam công nhân xây dựng. Vụ việc may mắn không gây thiệt hại nghiêm trọng, các nạn nhân chỉ bị xây xát nhẹ.
Bên cạnh hành vi của người điều khiển xe máy, một vấn đề khác được nhiều người quan tâm là việc cả 3 nạn nhân đều đi bộ dưới lòng đường, khu vực không dành cho người đi bộ. Từ đó, nhiều người bày tỏ sự lo ngại về tình trạng lấn chiếm vỉa hè, gây mất an toàn cho người đi bộ và hành lang giao thông đường bộ.

Khoảnh khắc xe máy "hạ gục" 3 người đi đường (Ảnh cắt từ clip).
Chủ tài khoản Body NO viết: "Thứ nhất, cần xử thật nặng thanh niên chạy xe máy. Thứ hai, cần dẹp bỏ nạn lấn chiếm vỉa hè. Khu tôi sống không có vỉa hè, các hộ dân bày bàn ghế chiếm hết vỉa hè để kinh doanh, thậm chí bảng biển hiệu để lòng đường, khiến cho người đi bộ phải đi xuống lòng đường rất nguy hiểm".
"Trước tiên là lỗi xe máy, thiếu quan sát và không làm chủ tốc độ. Tiếp đó là người đi bộ khi họ đi dưới lòng lề đường, trên phần đường của xe máy. Từ câu chuyện trên, cần đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý đô thị. Tại sao lại để người dân lấn chiếm hết vỉa hè dành cho người đi bộ như trên?", bạn đọc Hiền Phạm bình luận.
"Lỗi hỗn hợp. Một bên chạy xe thiếu quan sát, một bên đi bộ dưới lòng đường", độc giả Nguyễn Bở nêu ý kiến.
Có chung sự lo ngại, bạn đọc có nickname Hala Madrid bình luận: "Không nói người đi xe máy sai thế nào, nhưng có 2 vấn đề khá nghiêm trọng vẫn diễn ra hàng ngày. Thứ nhất, vỉa hè bị lấn chiếm nên không còn chỗ cho người đi bộ, và thứ hai, người đi bộ khi đi ở đường có xe lưu thông không nên và không được phép đi cùng chiều xe như vậy".
Vậy dưới góc độ pháp lý, đối với những vụ việc thuộc trường hợp lỗi hỗn hợp như trên, cơ quan chức năng có thể xử lý ra sao?

Người đàn ông bị hất văng sau cú tông của xe máy, lộn nhào trên không rồi ngã xuống đường (Ảnh cắt từ clip).
Theo luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội), dữ liệu camera cho thấy tại thời điểm trước va chạm, xe máy lao rất nhanh, dẫn tới người điều khiển không thể kiểm soát phương tiện và tông gục 3 người đi bộ. Trường hợp này, cơ quan chức năng sẽ tập trung làm rõ yếu tố lỗi của tài xế xe máy, từ đó xác định người này đã tuân thủ các quy tắc về an toàn như chú ý quan sát, kiểm soát tốc độ hay tuân thủ làn đường... hay chưa.
Nếu xác định tài xế có lỗi dẫn tới tai nạn, tùy thuộc tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, cơ quan công an có thể ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người này.
"Đây là tình huống hết sức nguy hiểm khi xe máy lao tới với tốc độ rất cao, hất tung người đàn ông áo đen lên trời, lộn nhào rồi rơi xuống đất. May mắn cho lái xe máy khi vụ việc không gây thiệt hại về người bởi nếu xảy ra hậu quả nghiêm trọng, người này thậm chí có thể bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Về việc người đi bộ đi dưới lòng đường, đây là lỗi hành chính và có thể bị xử phạt, song không phải căn cứ để miễn trừ trách nhiệm đối với người đi xe máy nếu xảy ra hậu quả nghiêm trọng bởi người tham gia giao thông phải có trách nhiệm quan sát, làm chủ tốc độ, đảm bảo có thể xử lý các tình huống trên đường. Trách nhiệm chỉ được miễn trừ nếu rơi vào tình huống bất khả kháng hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân", luật sư Giáp bình luận.