Tài nguyên đất đang bị khai thác vô tội vạ tại Sóc Trăng!

(Dân trí) - Nhiều năm qua, tình trạng khai thác vô tội vạ lớp đất mặt của đất trồng lúa hoặc bờ kênh để san lấp mặt bằng các công trình xây dựng, làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng ở tỉnh Sóc Trăng đã trở thành vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm. Thậm chí, các cơ quan chức năng của các địa phương cũng đã có nhiều văn bản cũng như kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng này không giảm.

Những ngày này, đến nhiều địa phương chúng tôi đều thấy tình trạng khai thác đất vẫn diễn ra khá rầm rộ. Trên các cánh đồng, dọc các bờ kênh có rất nhiều xe đang hoạt động khai thác đất, từng đoàn xe ben chở đất chạy rầm rập trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ.

Khai thác đất bờ kênh thủy lợi ở xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.
Khai thác đất bờ kênh thủy lợi ở xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.

Dọc 2 bên đường quốc lộ 1, đoạn qua các xã Đại Tâm, Thạnh Phú, Thạnh Quới (huyện Mỹ Xuyên), chúng tôi thấy có rất nhiều “núi” đất được xe chở về tập kết. Tại xã Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên), chúng tôi thấy có nhiều xe ben chở đất từ ngoài cánh đồng đang chở đầy đất vào phục vụ một công trình xây dựng ở phía sau một doanh nghiệp chế biến thủy sản. Còn trên quốc lộ 1, đoạn giáp ranh giữa xã Thạnh Phú và xã Thạnh Quới (huyện Mỹ Xuyên), đất khai thác ở ngoài đồng được tập kết về thành một “ngọn núi” đất khổng lồ có đến hàng trăm ngàn mét khối. Tình trạng khai thác đất cũng diễn ra tại các xã Tài Văn, Viên An, Viên Bình, Liêu Tú của huyện Trần Đề.

Một người dân ở xã Thạnh Quới cho biết: “Nhu cầu sử dụng đất ngày càng nhiều nên không chỉ khai thác đất mặt ruộng, nhiều nơi còn khai thác đất là bờ kênh thủy lợi. Năm ngoái họ bán một xe khoảng 8m3 là 500.000 đồng, năm nay nghe nói cao gần gấp đôi”. Điều đáng nói, bờ kênh ở đây đã bị lấy đi rất nhiều đất, bờ kênh gần như đã bằng mặt ruộng.

Tại TP Sóc Trăng, nhiều tuyến kênh ở các phường 5, phường 8, phường 9, nhiều xe múc, xe ben đang khẩn trương lấy đất bờ kênh chở đi nơi khác. Lý giải cho việc này, một cán bộ của TP Sóc Trăng cho biết: Do khan hiếm đất san lấp một số công trình công cộng nên địa phương kêu gọi doanh nghiệp lấy đất bờ kênh, sau đó nạo vét lấy đất dưới kênh đắp lên bờ kênh như hiện trạng ban đầu”.

Mặt ruộng nham nhỡ sau khi bị khai thác đất.
Mặt ruộng nham nhỡ sau khi bị khai thác đất.

Theo ông Hà Tấn Việt - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng, ngành nông nghiệp chỉ quản lý một số tuyến kênh lớn, còn lại phân cấp cho địa phương quản lý.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng, thời gian qua, đơn vị này đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định về xử lý hành vi vi phạm và những tác hại của việc khai thác, lấy tầng mặt của đất trồng lúa; kết hợp với công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đất đai Nguyễn Văn Thử cho biết, hiện nay do nhu cầu sử dụng đất để làm vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là để san lắp mặt bằng ngày càng tăng, thêm vào đó là việc nghiêm cấm khai thác lớp đất mặt của đất trồng lúa, nên trong thời gian gần đây tình trạng khai thác đất bờ kênh, bờ đê trái phép đã diễn ra ở một số địa phương.

Theo quy định của pháp luật thì việc khai thác đất bờ kênh, bờ đê để sử dụng vào các mục đích khác: san lấp mặt bằng, sản xuất gạch,... phải làm thủ tục xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định. Nếu phát hiện các trường hợp vi phạm sẽ xử lý trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Theo ông Nguyễn Văn Thử, chỉ việc khai thác đất mặt của đất trồng lúa và đất bờ kênh, bờ đê trái phép không những gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, tác động xấu đến môi trường sinh thái mà còn để lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với sản xuất nông nghiệp. Khai thác mất lớp đất mặt là lớp đất chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất đã bị lấy đi, năng suất lúa giảm, sâu bệnh nhiều hơn, chi phí sản xuất tăng.

Tài nguyên đất đang bị khai thác vô tội vạ tại Sóc Trăng! - 3
Những núi đất sau khi khác thác.
Những "núi" đất sau khi khác thác.

Để chấn chỉnh tình trạng khai thác tầng mặt đất trồng lúa, các đê bao thủy lợi và nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên đất đai đúng quy định, vừa qua Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND, ngày 10/4/2018 về việc tăng cường quản lý đối với hoạt động khai thác đất làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Theo chỉ thị này, các tổ chức, cá nhân được cải tạo mặt đất trồng lúa trong phạm vi thửa đất của mình, nếu trường hợp cải tạo mặt đất trồng lúa có nhu cầu chuyển đất ra ngoài phạm vi thửa đất đề làm vật liệu xây dựng thông thường phải có giải pháp cải tạo giữ được tầng đất canh tác và phải làm thủ tục xin phép khai thác khoáng sản theo quy định. Đối với các tổ chức, cá nhân khi lập các dự án đầu tư xây dựng công trình, dự án nạo vét, cải tạo kênh mương thủy lợi, đào ao nuôi trồng thủy sản, đào ao trữ nước ứng phó với biến đổi khí hậu và các dự án khác do cơ quan nhà nước phê duyệt hoặc chủ đầu tư tự phê duyệt, nếu có nhu cầu sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường bên ngoài dự án thì trong dự án cần thể hiện rõ nhu cầu khối lượng đất dôi dư đem ra ngoài phạm vi của dự án để sử dụng làm vật liệu xây dựng thông thường.

Đồng thời, phải thực hiện đúng các quy định pháp luật về khoáng sản và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Còn đối với các cơ quan chủ trì tiếp nhận, thẩm định hồ sơ các dự án đầu tư xây dựng công trình có trách nhiệm hướng dẫn các chủ đầu tư lập dự án nếu có nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu xây dựng thông thường phải tính toán cụ thể khối lượng đất dôi dư mang ra ngoài phạm vi dự án; đồng thời, hướng dẫn các chủ đầu tư liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường để lập thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của Luật khoáng sản.

Tài nguyên đất đang bị khai thác vô tội vạ tại Sóc Trăng! - 5
Xe tải chở đất chạy rầm rập ở nhiều địa phương trong tỉnh Sóc Trăng.
Xe tải chở đất chạy rầm rập ở nhiều địa phương trong tỉnh Sóc Trăng.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Hoàng Dân cho biết: “Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu triển khai thực hiện tốt Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh; đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật về khoáng sản đến cán bộ, người dân, doanh nghiệp nhằm hạn chế các vi phạm về khai thác đất mặt làm vật liệu xây dựng thông thường. Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, nâng cao trách nhiệm bảo vệ nguồn tài nguyên đất đai ở các địa phương”.

B.Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm