Sóc Trăng: Gia đình 6 liệt sĩ kêu cứu khi bị tòa tuyên mất đất!
(Dân trí) - “Ông Đẹt lấn đất gia đình tôi khoảng 1.000 m2 nhưng tòa chỉ tuyên buộc trả cho chúng tôi 334,3 m2 là không thuyết phục. Hiện tại gia đình tôi đã gửi đơn tới Tòa án nhân dân cấp cao đề nghị giám đốc thẩm bản án”, ông Phan Hoàng Diệp (ngụ thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) bức xúc.
Theo trình bày của ông Phan Hoàng Diệp (SN 1970, ngụ xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng): Gia đình ông Diệp và ông Phan Văn Thơm (SN 1940, bác ông Diệp) có diện tích đất trên 10.000 m2 tọa lạc tại ấp Kinh Mới. Đây là đất gốc của tổ tiên để lại, gia đình các ông quản lý, sử dụng liên tục.
Thế nhưng, gia đình ông Trần Văn Đẹt (ngụ cùng địa phương) đã lấn chiếm khoảng 1.000 m2. Năm 1992, khi Nhà nước làm đường, ông Đẹt lại đặt ống cống thoát nước qua đất của ông Diệp và ông Thơm, cách đường ranh giới đất của 2 hộ là 6 m. Sau đó, gia đình ông Đẹt đăng ký quyền sử dụng đất và được UBND huyện (nay là thị xã) Vĩnh Châu cấp mà không đo đạc thực tế, không xác minh, không có chữ ký của các hộ kế cận. Vì vậy, phía ông Diệp và ông Thơm khiếu nại đến chính quyền địa phương nhưng hòa giải không thành.
Phía ông Diệp ủy quyền cho ông Thơm khởi kiện ra TAND thị xã Vĩnh Châu. Ngày 10/3/2017, TAND thị xã Vĩnh Châu xét xử sơ thẩm và tuyên: Buộc phía ông Đẹt phải giao trả cho ông Diệp 334,3 m2; về cống thoát nước đang tồn tại trên phần đất (264,3 m2 trong tổng số 334,3 m2), tòa cho gia đình ông Đẹt được tiếp tục sử dụng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Hết thời hạn, ông Đẹt phải dời cống trả đất cho ông Diệp.
Không đồng ý với phán quyết của tòa sơ thẩm, ông Diệp kháng cáo toàn bộ bản án đến TAND tỉnh Sóc Trăng. Ngày 5/2/2018, TAND tỉnh Sóc Trăng xử phúc thẩm.
Dù cơ quan chức năng có văn bản gửi tòa xác định sổ đỏ cấp cho gia đình ông Đẹt là cấp đại trà, không tiến hành đo đạc, cắm mốc và xác định ranh giới giữa các hộ liền kề nên không thể căn cứ vào sổ đỏ để xác định hiện trạng ranh giới đất giữa 2 bên. Tòa cũng ghi nhận “cống thoát nước hiện nay có dịch chuyển về phía bên đất ông Diệp không ngay với đầu đường mương thoát nước cũ như trước đây”. Qua xác minh, người dân địa phương cũng khẳng định giữa đất của nguyên đơn và bị đơn có một đường mương thoát nước chạy dài từ đầu đất ở hướng Tây về hướng Đông là của ông Đẹt sử dụng và cũng là ranh đất của 2 gia đình, trong quá trình sử dụng thì gia đình ông Đẹt có dời cống thoát nước về phía đất của gia đình ông Diệp.
Thế nhưng, cuối cùng tòa phúc thẩm lại tuyên: Buộc phía ông Đẹt phải có nghĩa vụ lấp cống thoát nước và giao trả cho ông Diệp 334,3 m2.
Ông Phan Hoàng Diệp bức xúc: “Ranh giới đất giữa gia đình tôi với gia đình ông Đẹt là một đường mương thoát nước chạy thẳng, người dân địa phương đã xác nhận bằng văn bản với tòa. Nhưng phía ông Đẹt đã lấp mương cũ để cất chái nhà, rồi mở đường mương mới lấn qua đất gia đình tôi nên hiện trạng con mương bị bẻ cong chứ không thẳng như trong các bản đồ của địa chính cũng như xác nhận của chính quyền địa phương và của người dân địa phương. Ông Đẹt lấn đất gia đình tôi khoảng 1.000 m2 nhưng tòa chỉ tuyên buộc trả cho chúng tôi 334,3 m2 là không thuyết phục. Hiện tại gia đình tôi đã gửi đơn tới Tòa án nhân dân cấp cao đề nghị giám đốc thẩm bản án”.
Qua xem xét hồ sơ, chúng tôi ghi nhận, từ biên bản hòa giải của UBND xã Vĩnh Hiệp đến xác nhận của nhân chứng là cán bộ địa phương, người dân cố cựu cũng như sơ đồ địa chính đều thể hiện mương thoát nước thẳng chứ không cong sang phía đất nhà ông Diệp, phía ông Đẹt lấn sang đất của gia đình ông Diệp là 6 m chiều ngang.
Ông Trần Hoàng Be (SN 1952, nguyên Xã đội trưởng xã đội Vĩnh Hiệp, nguyên Trưởng ban Nhân dân ấp Kinh Mới) xác nhận: “Tôi biết rất rõ về nguồn gốc đất và thực trạng đất đai của địa phương, đường ranh các lô đất là thẳng tắp và song song từ đầu này đến đầu kia, chiều ngang đầu trên bao nhiêu mét thì ở đầu dưới cũng bấy nhiêu mét. Gia đình ông Đẹt đặt cống thoát nước lấn sâu vào đất của gia đình ông Thơm và ông Diệp là không thể chấp nhận được”.
Không chỉ ông Be, các nhân chứng như ông Nguyễn Văn Sáu, ông Nguyễn Văn Xuân, Phan Văn Cò (là người địa phương) cũng xác nhận với nội dung đúng như của ông Be.
Được biết, gia đình ông Phan Hoàng Diệp là một gia đình có truyền thống cách mạng, khi có 1 người là Anh hùng lực lượng vũ trang, 6 liệt sĩ, 2 Mẹ Việt Nam anh hùng.
Bạch Dương