Sóc Trăng: Con liệt sĩ chính thức mất đất sau bản án khó hiểu của tòa!

(Dân trí) - Liên quan vụ “Con liệt sĩ có nguy cơ mất đất vì giấy mua bán và di chúc bất hợp pháp?”, ông Phan Thành Trung (ngụ huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, TAND huyện Kế Sách đã tuyên án một cách vô lý khiến chị em ông mất đất mà cha mẹ để lại.

Theo hồ sơ vụ việc, cha mẹ bà Phan Thị Thu Thủy và ông Phan Thành Trung là ông Phan Công Khanh và bà Nguyễn Thị Ba tạo lập được thửa đất diện tích 10.865m2 tọa lạc tại ấp Phụng An, xã An Mỹ, huyện Kế Sách (nay thuộc ấp Trường Thọ, xã An Mỹ). Năm 1962, ông Phan Công Khanh hy sinh trong chiến đấu. Bà Nguyễn Thị Ba ở vậy nuôi con và quản lý, sử dụng diện tích đất trên, được UBND huyện Kế Sách cấp GCNQSDĐ ngày 23/5/1994.

Sau khi miền Nam giải phóng, bà Nguyễn Thị Ba và ông Dương Minh Hảo (SN 1926, ngụ cùng địa phương, là cán bộ UBND huyện Kế Sách, ông này mất ngày 18/2/2014) gá nghĩa với nhau, không đăng ký kết hôn, không có con chung. Đến tháng 4/1996, ông Hảo nhập hộ khẩu vào hộ gia đình bà Ba. Trên thửa đất đó, bà Nguyễn Thị Ba có cho người em ruột là ông Nguyễn Phước Nhơn (SN 1943) mượn một phần làm trại mộc.

Ngày 20/8/2007, bà Nguyễn Thị Ba chết không để lại di chúc, diện tích đất nói trên do ông Phan Thành Trung quản lý, sử dụng. Lúc đó, thấy ông Nhơn bơm cát vào đất của gia đình mình, ông Trung hỏi thì ông Nhơn cho biết phần đất này ông đã mua của bà Nguyễn Thị Ba và ông Dương Minh Hảo ngày 20/4/2007, có làm giấy mua bán viết tay, không có xác nhận của chính quyền địa phương. Ngày 20/5/20107, ông Dương Minh Hảo lại viết giấy tay cho ông Nhơn thêm 3m chiều ngang, dài 20,5m. Vì vậy, bà Thủy, ông Trung yêu cầu UBND xã An Mỹ tiến hành hòa giải.

Tại buổi hòa giải ngày 24/12/2010, ông Dương Minh Hảo thừa nhận: “Diện tích đất bà Nguyễn Thị Ba đứng tên là 10.865m2 có từ năm 1952, là có trước khi bà Ba chung sống với ông nên thuộc quyền sở hữu của bà Ba, còn đất sang cho ông Nhơn thì ông không quan tâm vì đất này không phải của ông”.

Kết luận của Ban hòa giải xã An Mỹ như sau: Diện tích đất nơi có trại mộc của ông Nhơn có số đo dài 25m, rộng 10,5m không phù hợp với giấy thỏa thuận mua bán; phần đất 10.865m2 của bà Nguyễn Thị Ba đứng tên chủ sở hữu; còn về phần nhà xây dựng sau khi ông Hảo về chung sống với bà Ba là tài sản chung của 2 người. Bà Ba qua đời thì ông Hảo có quyền sở hữu căn nhà đó; nếu ông Hảo sống trên mảnh đất và nhà đó thì thừa hưởng tài sản nhà cho đến khi qua đời, còn ông Hảo không về trực tiếp quản lý canh tác thì tạm thời để ông Phan Thành Trung quản lý, canh tác trên phần đất đó. Về việc ông Nguyễn Phước Nhơn bơm cát trên phần đất của bà Ba thì ông Nhơn phải dọn dẹp, trả lại mặt bằng”.

Hòa giải không thành, bà Thủy và ông Trung khởi kiện ra tòa yêu cầu ông Nguyễn Phước Nhơn trả lại quyền sử dụng đất có diện tích 1.116,3m2 và yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Nguyễn Thị Ba, ông Dương Minh Hảo với ông Nguyễn Phước Nhơn, thì cả 2 cấp tòa sơ thẩm (ngày 3/8/2012) và phúc thẩm (ngày 19/12/2012) xử bác yêu cầu khởi kiện.

Qua nghiên cứu hồ sơ vụ kiện cho thấy có nhiều khuất tất chưa được làm sáng tỏ khiến cho bà Thủy, ông Trung và dư luận nghi ngờ. Cụ thể, theo kết luận của tòa án cấp sơ thẩm, trước năm 1962, bà Nguyễn Thị Ba có chồng là ông Phan Công Khanh, có hai người con là Phan Thị Thu Thủy và Phan Thành Trung. Năm 1962, ông Khanh hy sinh. Đến năm 1964, bà Ba có chồng sau là ông Dương Minh Hảo, lúc bấy giờ là cán bộ cách mạng. Năm 1965, bà Ba được cha mẹ ruột cho đất diện tích 10.865m2. Năm 1994, bà Ba đăng ký và được cấp GCNQSDĐ. Ngày 20/4/2007, bà Ba và ông Hảo có làm giấy tay thỏa thuận sang cho ông Nhơn diện tích đất có chiều ngang 10,5m, dài gồm hai phần, một bên 25m, một bên 120m. Sau đó vợ chồng ông Hảo cho thêm một phần ngang 3m, dài 20m. Trong tờ giấy tay chuyển nhượng đất có ký tên ông Hảo, bà Ba, ông Nhơn và người làm chứng là ông Hồ Văn Sơn và Nguyễn Văn Vinh. Đồng thời, tòa án cũng cho rằng diện tích đất của bà Ba và ông Hảo là “đồng sở hữu từ năm 1965 đến nay. Năm 2007, bà Ba chết mà không để lại di chúc, phần tài sản của bà thì ông Hảo là chồng của bà Ba là người được thừa kế hợp pháp số tài tài sản bà Ba chết để lại. Việc bà Thủy, ông Trung yêu cầu xin hủy hợp đồng là không có cơ sở bởi không phải là người trực tiếp giao dịch”.

Trong khi đó, tòa cấp phúc thẩm nhận định: “Đến năm 1964, bà Ba kết hôn với ông Hảo. Sau khi kết hôn, mặc dù đất này là của ông Khanh và bà Ba nhưng ông Hảo và bà Ba trực tiếp sản xuất trên phần đất này cho đến khi bà Ba qua đời ngày 20/7/2007. Căn cứ khoản 1, Điều 247 Bộ luật Dân sự thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó”.

Còn những cán bộ, người dân xã An Mỹ cho biết: Năm 1967, ông Hảo bị địch bắt giam ở Côn Đảo. Sau 30/4/1975, ông Hảo mới trở về công tác tại huyện Kế Sách, nên việc tòa cho rằng ông Hảo kết hôn với bà Ba năm 1964 là không thuyết phục, bởi lúc đó ông Hảo hoạt động cách mạng, bà Ba cũng hoạt động cách mạng. Hơn nữa, vào thời điểm 1964, bà Nguyên (vợ ông Hảo) vẫn còn sống thì ai cho phép kết hôn. Nếu ông Hảo ở với bà Ba từ năm 1964 thì tại sao năm 1996 ông mới nhập hộ khẩu vào hộ khẩu gia đình bà Ba? Thậm chí, hòa giải tại UBND xã An Mỹ, ông Hảo thừa nhận “Diện tích đất bà Nguyễn Thị Ba đứng tên là 10.865m2 có từ năm 1952, là có trước khi bà Ba chung sống với ông nên thuộc quyền sở hữu của bà Ba, còn đất sang cho ông Nhơn thì ông không quan tâm vì đất này không phải của ông”.

Biên bản xác minh ngày 21/11/2015 và ngày 15/2/2016, ông Huỳnh Phú Danh- Phó Chủ tịch UBND xã An Mỹ, xác nhận bằng văn bản: “Ông Dương Minh Hảo về chung sống như vợ chồng với bà Nguyễn Thị Ba vào khoảng năm 1975 nhưng không có đăng ký kết hôn; về phần đất tranh chấp là của cha mẹ bà Ba tặng cho chung vợ chồng bà Ba với ông Khanh. Sau khi ông Khanh chết, bà Ba tiếp tục quản lý, sử dụng cho đến nay. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 23/5/1994 là cấp riêng cho cá nhân bà Nguyễn Thị Ba. Khi còn sống, chính ông Dương Minh Hảo đã thừa nhận việc này (là tài sản của riêng bà Ba-PV)”.

Ngoài ra, trong tờ giấy thỏa thuận chuyển nhượng đất có ký tên ông Hảo, bà Ba, ông Nhơn và người làm chứng là ông Hồ Văn Sơn và Nguyễn Văn Vinh, thì chữ ký của bà Nguyễn Thị Ba bị bà Thủy và ông Trung khẳng định chữ ký giả mạo. Chứng cứ đưa ra là bà Ba vốn là một cán bộ hoạt động cách mạng nhiều năm, Hội trưởng Hội Phụ nữ xã An Mỹ, là thương binh, trong hồ sơ còn lưu tại cơ quan chức năng như Biên bản giao nhận hiện vật cho nhà truyền thống của huyện (lập năm 1981), Biên bản đề nghị xác nhận thương binh lập năm 1979, lời khai của người bị thương năm 1979 do bà Ba ký đều có chữ ký giống nhau, nhưng trong tờ thỏa thuận chuyển nhượng đất cho ông Nhơn chỉ ghi mỗi một chữ “Ba”. Còn ông Hồ Văn Sơn (Tổ phó công an ấp Trường Thọ) xác nhận bằng văn bản có đóng dấu của UBND xã An Mỹ gửi tòa án với nội dung: “Ông không có mặt chứng kiến việc thỏa thuận chuyển nhượng đất giữa bà Ba, ông Hảo với ông Nhơn; chữ ký trong tờ giấy đó không phải là chữ ký của ông mà là chữ ký ngụy tạo”.

Chứng cứ là như thế nhưng tòa sơ thẩm và phúc thẩm vẫn xử chị em bà Thủy, ông Trung thua kiện. Hiện nay, gia đình ông Trung đã gửi đơn đến TAND Tối cao xin xét xử giám đốc thẩm và được cơ quan này thụ lý hồ sơ từ cuối tháng 6/2016.

Ông Trung với phần đất được tòa giao cho ông Nhơn.
Ông Trung với phần đất được tòa giao cho ông Nhơn.

Trao đổi với PV, ông Phan Thành Trung nói trong nước mắt: “Cha mẹ tôi đổ mồ hôi, nước mắt và máu cho độc lập tự do của dân tộc. Chúng tôi chưa được Nhà nước ưu ái gì như cấp đất, làm nhà. Phần đất mồ hôi nước mắt của cha mẹ tôi tạo lập từ thời Pháp thuộc cho đến tận hôm nay, được nhà nước cấp sổ đỏ, vẫn do chúng tôi quản lý, sử dụng hợp pháp. Ông Dương Minh Hảo không có một ngày nào quản lý, sử dụng đất cả, có bà con nhân dân địa phương làm chứng. Vậy mà, chỉ với tờ giấy viết tay ghi mấy chữ không rõ diện tích đất, vị trí thửa đất, không có xác nhận của chính quyền địa phương, mà tòa xử cho các con ông Hảo và ông Nhơn thắng kiện, khiến chị em chúng tôi mất hết tài sản của cha mẹ để lại. Ngày 28/4/2017, trong khi nhân dân cả nước chào mừng 42 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, thì chị em chúng tôi lại rơi nước mắt khi nghe tòa tuyên án buộc phải giao tài sản của cha mẹ đã đổ mồ hôi, nước mắt và máu cho người khác một cách vô lý, trái pháp luật”.

Ông Nguyễn Văn Quến (ngụ thị trấn Kế Sách) nói: “Vẫn biết tòa xử không công tâm nhưng dư luận người dân rất bất bình khi 2 người con ruột của bà Ba chỉ được tòa chia mỗi người hơn 848m2; còn con riêng của ông Hảo lại được chia 3.395,13m2 dù ông Hảo không quản lý, sử dụng đất này ngày nào. Chúng tôi rất phẫn nộ với phán quyết của tòa sơ thẩm”.

Hiện tại, bà Phan Thị Thu Thủy và ông Phan Thành Trung đã chuẩn bị hồ sơ kháng cáo đến TAND tỉnh Sóc Trăng.

Bạch Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm