Giáo viên đăng ký dạy học thêm như thế nào?
(Dân trí) - Theo Thông tư 29, giáo viên cần đăng ký kinh doanh, niêm yết thông tin và báo cáo lãnh đạo nhà trường về các nội dung đăng ký dạy học thêm để được dạy học thêm ngoài nhà trường.
Theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, giáo viên cần phải đăng ký kinh doanh để có thể tổ chức dạy thêm học thêm. Vậy tôi cần đáp ứng những điều kiện và chuẩn bị những hồ sơ, tài liệu nào để được tiếp tục hoạt động dạy học thêm?
Độc giả H.T.T. (quận Ba Đình, Hà Nội).

Để đăng ký hộ kinh doanh dạy học thêm, giáo viên cần chuẩn bị các hồ sơ theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP và nộp hồ sơ tại Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện (Ảnh minh họa: Uy Nguyễn).
Trả lời
Luật sư Trần Hoàng Linh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Điều 6 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, tổ chức, cá nhân dạy học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật và công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Về giáo viên, người dạy thêm ngoài nhà trường phải đảm bảo về đạo đức, năng lực chuyên môn và phải báo cáo Hiệu trưởng, Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
Như vậy, để được đăng ký dạy học thêm, giáo viên cần thực hiện đăng ký kinh doanh, công khai, niêm yết thông tin và báo cáo với người đứng đầu nhà trường về nội dung đăng ký dạy thêm, học thêm. Về việc đăng ký kinh doanh, có thể đăng ký dưới hình thức hộ kinh doanh hoặc các loại hình doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020.
Tuy nhiên, để tránh bị ràng buộc bởi các điều kiện nghiêm ngặt như khi thành lập doanh nghiệp và hạn chế phát sinh các thủ tục, chi phí, giáo viên nên lựa chọn hình thức đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm, học thêm. Về trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định như sau:
Về cơ quan tiếp nhận, việc đăng ký được thực hiện tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh;
Về hồ sơ, hồ sơ đăng ký kinh doanh bao gồm các tài liệu sau: (i) Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh; (ii) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; (iii) Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; (iv) Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Về thời hạn, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).
Theo Điều 14 Nghị định này, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện là Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện.
Như vậy, để đăng ký hộ kinh doanh dạy học thêm, giáo viên cần chuẩn bị các hồ sơ theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP và nộp hồ sơ tại Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện. Thời hạn phản hồi hồ sơ là 3 ngày làm việc, từ ngày nhận hồ sơ.