Học 2 buổi/ngày có phải "lách luật" để dạy thêm, học thêm?
(Dân trí) - Hiện nhiều địa phương thí điểm dạy 2 buổi/ngày, nghỉ thứ 7. Liệu đây có phải cách lách quy định của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT để dạy thêm, học thêm?
Trả lời báo chí, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng vụ giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, nếu các trường làm đúng quy định Bộ GD&ĐT đã ban hành, hướng dẫn trước đây, sẽ không có khái niệm "lách luật" để dạy thêm, học thêm.
Không phải lách luật nếu trường làm đúng quy định
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, hướng dẫn về dạy học 2 buổi/ngày được thể hiện tại Công văn 7291/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ năm 2010.
Trong đó, Bộ GD&ĐT quy định rất nhiều hoạt động như: Đoàn đội, hoạt động trải nghiệm, đọc sách tại thư viện, hoạt động tự học... Ngoài ra còn có các hoạt động tại sân chơi, bãi tập, nhà đa năng với các trang thiết bị được đầu tư xây lắp.

Không phải dạy học 2 buổi/ngày là buổi chiều xếp học sinh vào lớp để dạy môn văn hóa (Ảnh: Mỹ Hà).
Như vậy, có rất nhiều hoạt động mà nhà trường có thể chưa xây dựng kế hoạch đầy đủ để khai thác có hiệu quả các cơ sở vật chất, thiết bị đã được xây lắp, chứ không phải dạy học 2 buổi/ngày, buổi thứ hai vẫn xếp học sinh vào lớp để dạy các môn văn hóa.
"Việc học cũng được quy định ngay trong Điều 19, Khoản 2, Điều lệ trường học, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường như học lý thuyết, làm bài tập, thí nghiệm, thực hành, câu lạc bộ, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng….
Các trường phải xây dựng kế hoạch như vậy, không phải tổ chức dạy 2 buổi/ngày nhưng buổi chiều vẫn "lấp" học sinh vào lớp, như thế là vi phạm quy định dạy thêm, học thêm.
Nếu các nhà trường tổ chức đúng, học 2 buổi/ngày như tôi đã nói, không thể vi phạm quy định về dạy thêm học thêm", ông Thành khẳng định.
Thống kê sơ bộ, cả nước hiện có khoảng 10 địa phương áp dụng thí điểm cho học sinh THCS, THPT học 5 ngày/tuần và nghỉ thứ 7, chủ nhật gồm: Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ (14 trường THPT và 22 trường THCS), thành phố Hà Tĩnh, thành phố Vinh (Nghệ An), thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa), thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh)…
Nhiều địa phương thí điểm dạy 2 buổi/ngày
Được biết sau khi không được tổ chức dạy thêm trong trường học, một số địa phương như Ninh Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc…, thí điểm mô hình dạy học 2 buổi/ngày trước khi nhân rộng đại trà.
Ngày 19/2, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị đồng ý chủ trương thí điểm dạy học 5 ngày/tuần.
Đối tượng áp dụng là các trường THCS, THPT và cơ sở giáo dục thực hiện chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Thời gian đề xuất thực hiện thí điểm từ ngày 1/3 đến hết năm học 2024-2025.
Theo đó, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục 2 buổi/ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Học sinh sẽ được nghỉ học ngày thứ 7 và chủ nhật. Mỗi ngày dạy không quá 7 tiết, mỗi tuần dạy không quá 35 tiết.

Nhiều địa phương thí điểm dạy 2 buổi/ngày (Ảnh: Sơn Nguyễn).
Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học 5 ngày/tuần phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, không ảnh hưởng đến tiến độ học tập và chất lượng giáo dục; không gây quá tải cho học sinh.
Bố trí hợp lý tiết dạy của giáo viên theo định mức quy định. Đối với các lớp cuối cấp (lớp 9, lớp 12): bố trí đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy, bồi dưỡng, ôn tập cho học sinh.
Trước mắt, địa phương này được phép sử dụng nguồn ngân sách chi thường xuyên đã phân khai cho nhà trường để hỗ trợ cho các giờ học tăng cường vượt định mức giờ dạy của giáo viên.
Khuyến khích tổ chức thực hiện dạy học đủ 35 tiết/tuần cho học sinh các khối lớp 6, 7, 8 và khối lớp 10, 11 trên cơ sở tự nguyện của giáo viên và học sinh.
Trước đó, Sở GD&ĐT Phú Thọ ban hành văn bản số 1918/SGD&ĐT-GDTrH về việc thí điểm dạy học 5 ngày/tuần và cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, nghỉ học ngày thứ 7.
Việc thí điểm được thực hiện đối với khối 6, 7, 8 cấp trung học cơ sở; khối 10, 11 cấp trung học phổ thông ở một số trường đại diện cho các vùng, miền từ học kỳ 2 năm học 2024-2025.
Ninh Bình đang triển khai thí điểm mô hình học hai buổi/ngày, 5 ngày/tuần. Thời gian thí điểm từ ngày 3/2 đến hết ngày 28/2. Sau thời gian thí điểm, địa phương sẽ tổ chức tổng kết để rút kinh nghiệm trước khi triển khai đại trà ở tất cả các cấp học trên toàn tỉnh.
Tỉnh Yên Bái thực hiện thí điểm dạy học theo mô hình này từ đầu tháng 1/2025 đối với học sinh cấp trung học cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh.
Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa cũng đã có đề xuất với Ủy ban Nhân dân thành phố Thanh Hóa về việc được thực hiện học 2 buổi/ngày.