Bài 3:
Sai phạm tại Trung tâm HL&TĐTDTT Bạc Liêu: Nhiều “bất thường” chưa được làm rõ!
(Dân trí) - Trong quá trình thanh tra tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Bạc Liêu (Trung tâm HL&TĐTDTT Bạc Liêu), ít nhất vẫn còn 6 vấn đề mà người tố cáo “tố” Trung tâm này có dấu hiệu sai phạm, nhưng đoàn thanh tra của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu chưa làm rõ, với số tiền lên đến cả tỷ đồng.
Cả tỷ đồng đang ở đâu ?
Theo người tố cáo, hàng loạt vấn đề về tài chính mà người tố cáo “tố” ông Nguyễn Văn Hà và một số cán bộ cấp dưới tại Trung tâm HL&TĐTDTT Bạc Liêu (thời điểm 2011-2014) không minh bạch, rõ ràng, nhưng Đoàn thanh tra của Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu (Đoàn 156, do ông Trần Minh Huấn làm Trưởng đoàn) lại không tiến hành làm rõ, khiến dư luận rất bức xúc.
Đơn cử, tại giải Quần vợt ĐBSCL năm 2011 tại tỉnh Kiên Giang, số tiền thanh toán sai nguyên tắc (đi 4 người nhưng thanh toán đến 10 người), được ông Lê Văn Tới (cán bộ Trung tâm) giải trình là chi mua sắm dụng cụ tập luyện cho vận động viên (VĐV) năng khiếu quần vợt, được ông Nguyễn Văn Hà phê duyệt. Tuy nhiên, những VĐV năng khiếu quần vợt nào nhận được số dụng cụ này thì chưa được làm rõ.
“Các vận động viên năng khiếu quần vợt do Trung tâm quản lý, chưa bao giờ được trang bị dụng cụ tập luyện, thậm chí đến bóng tập, phụ huynh các em cũng tự bỏ tiền ra mua”, người tố cáo cho biết.
Với giải Đua thuyền truyền thống, về kinh phí tập luyện và tiền công VĐV, chứng từ thanh toán thực tế cho 2 Huấn luyện viên (HLV) và 16 VĐV năm 2013 gần 1 tỷ đồng. Số tiền này có đến được tận tay của HLV và VĐV hay không, vẫn không được làm rõ. “Từ khi tách tỉnh Bạc Liêu vào năm 1997 đến nay, chưa bao giờ môn đua thuyền truyền thống có được khoản kinh phí khổng lồ như nói trên”, người tố cáo thông tin.
Theo người tố cáo, kinh phí dành cho đội tuyển bóng chuyền nữ và bóng chuyền bãi biển không chỉ có 148 triệu đồng thanh toán “khống” mà cần làm rõ hơn, nhất là bóng chuyền bãi biển. Bởi, khoảng năm 2011-2013, tỉnh Bạc Liêu chưa có đội này. Vào năm 2013, tỉnh Bạc Liêu chỉ có 1 VĐV nữ được triệu tập vào đội tuyển trẻ quốc gia tại Vĩnh Long (do Trung tâm HLTTQG Cần Thơ lo kinh phí).
Với các nguồn thu từ sân bãi, theo người tố cáo, tại sân quần vợt Trần Huỳnh có 2 nguồn thu là hội phí và khoán căn-tin cùng bãi giữ xe. Trong đó, hội phí từ năm 2008 đến nay, thu bao nhiêu vẫn không ai biết. “Mỗi tháng, mỗi người tham gia tập luyện trên sân quần vợt Trần Huỳnh đóng lệ phí là 200.000 đồng. Tuy nhiên, số tiền thu được vẫn không được công khai và cũng chẳng biết ai quản lý”, đơn tố cáo nêu.
Tại sân bóng đá trong khu liên hợp TDTT Bạc Liêu, mỗi năm thu trung bình trên 100 triệu đồng, nhưng nộp về Trung tâm chỉ có 10 triệu đồng tiền hóa đơn sửa chữa. Từ năm 2008 đến nay, số tiền thu được bao nhiêu và chi như thế nào vẫn còn là một “ẩn số”.
Từ năm 2011-2013, tại sân vận động tỉnh Bạc Liêu tổ chức 5 lần Hội chợ, nhưng Trung tâm chỉ đưa vào sổ sách hợp đồng 2 lần với Công ty Cổ phần Xúc tiến TM&QC Quốc tế thuê mặt bằng. Như vậy, 3 lần còn lại tiền cho thuê mặt bằng tổ chức hội chợ vẫn không biết đang nằm ở đâu, trong túi của ai.
Hàng loạt những vấn đề mà người tố cáo nêu ra như nói trên, trong Báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn 156, đoàn thanh tra nêu rất ngắn gọn là chưa tiến hành xác minh vì… hết thời gian làm việc. “Số tiền không được ông Hà công khai rõ ràng lên đến cả tỷ đồng chứ không phải nhỏ, nhưng đoàn thanh tra lại không tiến hành xác minh làm rõ, phải chăng có gì đó bất thường”, người tố cáo đặt nghi vấn.
“Ưu ái” em vợ
Theo người tố cáo, từ năm 1997 đến năm 2011, sân vận động Bạc Liêu có 2, 3 hộ kinh doanh nước giải khát. Đến năm 2012, ông Nguyễn Văn Hà muốn “thâu tóm” cho em vợ kinh doanh, lấy lý do đảm bảo mỹ quan sân vận động nên tự ra quy định là chỉ cho một người kinh doanh.
Sau đó, Trung tâm HL&TĐTDTT cho tổ chức đấu thầu và người trúng thầu là em vợ ông Hà. Điều đáng nói, số tiền trúng thầu là 5,5 triệu đồng/tháng, nhưng em vợ ông Hà chỉ nộp 2 triệu đồng/tháng.
Theo Đoàn 156, ngày 1/11/2012, ông Phan Văn Nhân (Phó Giám đốc Trung tâm HL&TĐTDTT) ký hợp đồng cho thuê mặt bằng với bà Nguyễn Thị Hường (em vợ ông Hà), thời gian là 8 tháng, với giá 2 triệu đồng/tháng. “Hợp đồng này không đúng với giá mà bà Hường đã trúng thầu. Ông Nhân nói: Theo kế toán, đã có ý kiến chỉ đạo, đồng ý giảm giá tiền thuê mặt bằng của ông Nguyễn Văn Hà”, báo cáo của Đoàn 156 nêu rõ.
Đến ngày 10/1/2013 (tức 2 tháng sau), bà Hường mới có đơn xin điều chỉnh lại giá tiền là 2 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Hà đã đồng ý giải quyết theo đơn của bà Hường. “Trung tâm tự ý giảm giá cho thuê mặt bằng sau khi có kết quả trúng thầu là không đúng quy định, làm sai lệch kết quả đấu thầu, gây thất thoát 3,5 triệu đồng/tháng”, Đoàn 156 xác định.
Một trong những chuyện “động trời” xảy ra tại Trung tâm HL&TĐTDTT Bạc Liêu thời ông Nguyễn Văn Hà làm Giám đốc là bị “tố” sử dụng con dấu giả.
Theo đó, ngày 15/3/2012, Trung tâm HL&TĐTDTT Bạc Liêu báo mất con dấu. Đến ngày 21/3/2012, Trung tâm được Công an tỉnh Bạc Liêu cấp lại con dấu mới. Tuy nhiên, điều bất thường là bảng công khai tài chính năm 2011 (ký ngày 1/2/2012), Trung tâm này lại sử dụng con dấu được cấp mới vào tháng 3/2012. Bên cạnh đó, một số chứng từ thanh toán khác của Trung tâm ký trong năm 2012 lại đóng dấu mới được cấp để hợp thức hóa các chứng từ tháng 3/2012 trở về trước.
Đoàn 156 xác định, cụ thể con dấu cũ tên Trung tâm được sắp xếp thành 4 hàng, con dấu mới tên Trung tâm sắp xếp thành 3 hàng. Tuy nhiên, hành vi “sử dụng con dấu giả” của lãnh đạo Trung tâm, mà người đứng đầu là ông Nguyễn Văn Hà lại không được xử lý.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.
G.H.Y