Rút chìa khóa xe máy của người vi phạm, cảnh sát giao thông có sai luật?
(Dân trí) - Quy định của pháp luật hiện nay có cho phép cảnh sát giao thông khi xử lý vi phạm hành chính về giao thông được thực hiện hành động rút, giữ chìa khóa của người vi phạm hay không?
Thông tư 65/2020/TT-BCA tại điều 3 có nêu yêu cầu đối với Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ như sau: Thực hiện đúng quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, xử lý vi phạm hành chính, Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Với quy định này có thể hiểu rằng cảnh sát giao thông khi xử lý vi phạm hành chính về giao thông chỉ được làm những điều pháp luật cho phép.
Cảnh sát giao thông thực hiện những hành động không trong phạm vi quyền hay điều pháp luật cho phép mà xâm phạm đến quyền lợi ích hợp pháp của người dân đều có thể được xác định là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị khiếu nại khởi kiện. Chúng ta cũng cần phân biệt quyền và hành động trong phạm vi quyền. Hành động trong phạm vi quyền giúp chủ thể thực hiện quyền.
Quy định pháp luật hiện nay có cho phép cảnh sát giao thông khi xử lý vi phạm hành chính về giao thông được thực hiện hành động rút, giữ chìa khóa của người vi phạm hay không?
Để có cách hiểu thấu đáo, nhận định đầy đủ về tính hợp pháp của hành động này, theo Luật sư Quách Thành Lực - Công ty Luật Pháp trị cho rằng chúng ta cần xem xét quy định tại Điều 8 Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định về Quyền hạn của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát:
Được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là phương tiện giao thông) theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Thông tư này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.
Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
Với các quyền nêu tại khoản 1, điều 8 Thông tư 65/2020/TT-BCA đối chiếu với quy định tại điều 119 Luật xử lý vi phạm hành chính thì hành động rút, giữ chìa khóa xe không thuộc các biện pháp ngăn chặn. Do vậy cảnh sát giao thông không có quyền này.
Tuy nhiên trường hợp nêu tại khoản 1, điều 8 Thông tư 65/2020/TT-BCA với các quyền dừng, kiểm soát người, kiểm soát phương tiện của Cảnh sát giao thông thì có thể hành động rút, giữ chìa khóa xe trong một số tính huống lại là hợp pháp.
Bởi lẽ với các quyền dừng, kiểm soát người, kiểm soát phương tiện có thể được thực hiện thông qua nhiều loại hoạt động. Những hoạt động trong phạm vi quyền có thể được liệt kê nhưng không thể liệt kê hết trong phạm vi điều luật cụ thể. Rút, giữ chìa khóa xe là hành động thực hiện quyền kiểm soát người, phương tiện vi phạm.
Luật sư Quách Thành Lực cho rằng, sẽ là vội vàng khi nói rằng cảnh sát giao thông đã thực hiện một hành động không được quy định cụ thể, chính xác trong pháp luật nên đó là hoạt động sai trái. Mà cần phải xem xét hành động đó có giá trị thực hiện quyền hay không, có cần thiết, phù hợp với tình huống thực hiện quyền hay không, có xâm phạm trái pháp luật vào quyền của người vi phạm hay không?
Ví dụ 1: Cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng xe, người dân tiến vào vị trí dừng nhưng có thái độ thách thức, nhấn ga để đâm vào người thi hành công vụ, bỏ chạy gây nguy hiểm cho người ngồi sau, người tham gia giao thông trên đường. Xét trong tình huống cụ thể này, hành động rút chìa khóa là cần thiết để thực hiện được quyền kiểm soát phương tiện. Do đó hành động rút chìa khóa của cảnh sát giao thông là hợp pháp.
Ví dụ 2: Cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng xe, người dân tiến vào vị trí dừng, tắt máy, xuống xe hợp tác nhưng cảnh sát giao thông lại rút và thu giữ chìa khóa xe. Xét trong tình huống này hành động rút, thu giữ chìa khóa xe không góp phần để cảnh sát thực hiện quyền kiểm soát người, phương tiện. Hành động này xâm phạm quyền về tài sản, gây tâm lý hoang mang, lo sợ, cho người vi phạm. Do vậy hành động rút chìa khóa là không hợp pháp.
Qua hai ví dụ trên chúng ta có thể thấy rằng, để đánh giá hành động rút chìa khóa xe là hợp pháp hay không cần xem xét ở nhiều góc độ với các căn cứ pháp lý, thực tế khác nhau. Do đó khoản 3, điều 3, Thông tư 65/2020/TT-BCA có yêu cầu cảnh sát giao thông: "Khi tiếp xúc với Nhân dân và người có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, phải có tác phong, thái độ, văn hóa ứng xử đúng mực và phù hợp".
Theo luật sư Lực, sự đúng mực, phù hợp trong hành động rút, giữ chìa khóa xe của cảnh sát giao thông là mấu chốt để đánh giá hành động có hợp pháp hay không.