Vụ nhân viên karaoke 15 tuổi bị hiếp dâm: Nghi phạm đối diện án phạt nào?

Hải Hà

(Dân trí) - Trẻ em luôn là đối tượng được bảo vệ, quan tâm đặc biệt trong xã hội bởi với độ tuổi còn nhỏ, khả năng nhận thức, xử sự trước các tác động của thế giới bên ngoài của trẻ chưa được hoàn thiện đầy đủ.

Trẻ em luôn là đối tượng được bảo vệ, quan tâm đặc biệt trong xã hội bởi với độ tuổi còn nhỏ, khả năng nhận thức, xử sự của các em trước các tác động của thế giới bên ngoài của trẻ chưa được hoàn thiện đầy đủ.

Gần đây tại Bình Thuận xuất hiện video ghi lại cảnh tại quán karaoke ở Xã Bình Thạch, huyện Tuy Phong, một bé gái tên T. 15 tuổi (không phải 16 tuổi như thông tin ban đầu) bị một nhóm 5 người đàn ông khống chế, bắt ép vào ô tô, chở đến một nhà nghỉ tại thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong. Trong đó một người trong nhóm này tên Lê Anh Tuấn đã ép em T. vào phòng để thực hiện hành vi giao cấu.

Vụ nhân viên karaoke 15 tuổi bị hiếp dâm: Nghi phạm đối diện án phạt nào? - 1

Lê Anh Tuấn tại cơ quan công an (Ảnh: Như Ý).

Hiện Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Phong đang điều tra vụ việc và đã bắt tạm giam Lê Anh Tuấn (40 tuổi, phó giám đốc một doanh nghiệp khai thác than, khoáng sản vật liệu xây dựng tại Bình Thuận) cùng 4 nghi phạm còn lại trong nhóm.

Như chúng ta đều biết, hành vi của Tuấn và các đồng phạm là trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, trái lương tâm con người và đặc biệt là để lại những hậu quả tiêu cực có thể ám ảnh suốt cuộc đời thiếu nữ 15 tuổi trong video. Vậy pháp luật Việt Nam đã có những quy định nào để có thể áp dụng xử lý những hành vi trong vụ việc trên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ nhỏ trong một xã hội luôn tiềm ẩn những nguy cơ tội phạm? 

Theo Luật gia Nguyễn Văn Nghĩa, Công ty Luật TNHH LSX, tại Việt Nam, trẻ em là người dưới 16 tuổi theo quy định tại điều 1 Luật Trẻ em 2016.

Trong vụ việc trên, T. 15 tuổi, thuộc đối tượng được coi là trẻ em tại Việt Nam. Các quyền và lợi ích hợp pháp của bé được đặc biệt bảo vệ, quan tâm theo Luật Trẻ em 2016 và các luật, văn bản pháp luật liên quan.

Nhóm các tội phạm tình dục theo luật hình sự Việt Nam

Các quyền về sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người luôn được Nhà nước quan tâm và bảo vệ. Việc quấy rối, thực hiện các hành vi tình dục với người khác khi không được sự cho phép của họ, tùy theo mức độ nguy hiểm, sẽ được phân loại, xác định là hành vi vi phạm hay tội phạm về tình dục. Các tội phạm liên quan đến tình dục hiện đang được quy định từ điều 141 đến điều 147 , thuộc chương XIV: Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người BLHS 2015. Cụ thể bao gồm các tội danh:

- Tội hiếp dâm

- Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi

- Tội cưỡng dâm

- Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

- Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi

- Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi

- Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm

Thông qua việc phân loại trên trong BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, có thể thấy được sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước tới trẻ em khi việc phân loại tội phạm một phần được dựa trên độ tuổi của người bị xâm phạm. Điều này là cực kì cần thiết và vô cùng quan trọng để nâng cao nhận thức của người dân về tính dễ bị tổn thương, bị lợi dụng của trẻ nhỏ và phản ánh được mức độ nguy hiểm của các tội phạm tình dục có đối tượng tác động trực tiếp hướng đến là trẻ em. 

Thống nhất với quy định trong BLHS, khoản 8, điều 4, Luật trẻ em 2016 định nghĩa: "Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào Mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức."

Vụ nhân viên karaoke 15 tuổi bị hiếp dâm: Nghi phạm đối diện án phạt nào? - 2

Các đối tượng khác liên quan đến vụ án (Ảnh: Như Ý).

Những hành vi trong vụ việc tại Bình Thuận đã đủ cấu thành tội phạm hay chưa? 

Về mặt chủ thể

5 nghi phạm này đều đã đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) theo điều 12 BLHS 2015; bên cạnh đó nếu không có thêm tình tiết mới thì có thể nhận định các đối tượng này không thuộc trường hợp ở trong tình trạng không có năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi tại điều 21 BLHS 2015. Do đó, 5 nghi phạm này đều là những người có năng lực chịu TNHS.

Mặt khách quan

* Hành vi khách quan

Các hành vi của nhóm nghi phạm trên có thể được xếp vào các hành vi khách quan trong Tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi "Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;" (điểm a, khoản 1, điều 142 BLHS).

Trong video ghi lại vụ việc, có thể thấy rõ sự trái ý muốn của em T. qua hành động vùng ra, kháng cự, chạy đi của em; nhưng vẫn bị nhóm đàn ông đuổi theo, bắt lại, ghì cổ đưa vào trong xe. Đây có thể coi là thủ đoạn dùng vũ lực, tức là dùng sức mạnh vật chất đè bẹp sự kháng cự của nạn nhân chống lại hành vi của người phạm tội.

Bên cạnh đó cũng có thể coi đây là sự lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân - một bé gái 15 tuổi, cả về giới tính nữ, luôn thường có sức yếu hơn nam giới, cả về độ tuổi 15 còn là trẻ em chưa phát triển hoàn thiện về mặt thể chất sinh học, và xét cả về số lượng một cô gái chống cự lại 5 người đàn ông trưởng thành ở độ tuổi thanh niên, trung niên.

Trong nhóm 5 người đàn ông khống chế T. đến nhà nghỉ thì chỉ có nghi phạm Lê Anh Tuấn thực hiện hành vi quan hệ tình dục, cụ thể là hành vi giao cấu. Tuy 4 người còn lại không trực tiếp thực hiện hành vi quan hệ tình dục với em T. nhưng các hành vi dùng vũ lực không chế, bắt giữ em T. của 4 người này có thể coi là các hành vi giúp sức, tạo điều kiện cho nghi phạm Lê Anh Tuấn trực tiếp thực hiện tội phạm, do đó có thể coi đây là những hành vi trong trường hợp đồng phạm.

* Hậu quả thiệt hại

Các hành vi khách quan trên của nhóm nghi phạm đã gây ra thiệt hại trực tiếp về thể chất và tinh thần cho em T. T. đã được giám định là có sự xâm hại tình dục, bên cạnh đó thiệt hại về tinh thần là những tổn thương tâm lý, sự tổn hại quyền về nhân phẩm, danh dự của em; đặc biệt là trong độ tuổi còn nhỏ, với tính dễ bị tổn thương thì những thiệt hại tinh thần gây ra với em T. lại càng sâu sắc và có thể là những ám ảnh tâm lý suốt đời.

Mặt chủ quan

Mặt khách quan là những biểu hiện ra bên ngoài của tội phạm, tuy nhiên đằng sau những biểu hiện bên ngoài này luôn có mối quan hệ với những mặt tâm lý diễn ra bên trong của chủ thể khi thực hiện các hành vi khách quan. Để có thể xác định được tội phạm, không thể chỉ nhìn vào biểu hiện bên ngoài mà còn phải đánh giá và thấy được mối liên hệ của những diễn biến tâm lý bên trong của con người, đó là các yếu tố lỗi, động cơ, mục đích của chủ thể thực hiện tội phạm. Trong vụ việc kể trên, cơ quan công an mới chỉ đang điều tra bước đầu, các tình tiết vụ việc để tiếp cận chưa có nhiều, các thông tin về vụ việc mới chỉ có ở trên báo chí, do đó các phân tích mặt chủ quan của tội phạm trong vụ việc trên sẽ chỉ tập trung chủ yếu vào yếu tố lỗi. 

Qua phân tích một số yếu tố trên, với những thông tin ban đầu của vụ việc, tiếp cận từ báo chí chính thống, có thể kết luận hành vi của 5 nghi phạm trên đã đủ yếu tố cấu thành tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi quy định tại điều 142 BLHS 2015.

Cần lưu ý thêm, vụ việc trên là tội phạm có tình tiết tăng nặng: Có tổ chức (theo điểm a, khoản 3 điều 142 BLHS 2015). Cụ thể khoản 2 điều 17 BLHS 2015 định nghĩa: "Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm". Khoản 1 điều 17 BLHS 2015 quy định: "Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm".

Hình phạt có thể được đặt ra cho các nghi phạm

Xác định tội danh, phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm là bước đầu, là cơ sở quan trọng để dựa vào đó quyết định hình phạt thích đáng, đúng người, đúng tội, đúng mức độ nguy hiểm của tội phạm. Sau khi đã xác định tội danh có thể định cho nhóm nghi phạm trên là Tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi có tình tiết tăng nặng là tính có tổ chức, căn cứ vào khoản 3 điều 142 BLHS 2015, khung hình phạt các nghi phạm có thể phải gánh chịu là: "bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình". Ngoài ra, khung hình phạt bổ sung có thể áp dụng được quy định là: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Cần lưu ý đây là tội phạm thuộc trường hợp đồng phạm. Do đó theo điều 58 BLHS 2015 thì khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.