Bình Định:

Quốc lộ nghìn tỷ “chặn” dòng thoát lũ, dân bỏ ruộng hoang?

(Dân trí) - Nhiều hộ dân vùng “rốn lũ” xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định) bức xúc việc thi công dự án QL 19 (nối từ cảng Quy Nhơn lên QL 1A, Bình Định) quá cao vô tình tạo lũ “tàn phá” nhiều hecta ruộng lúa của dân, dẫn đến 3 năm liền canh tác thất thu, phải bỏ ruộng.

Nhiều hộ dân vùng “rốn lũ” xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định) bức xúc việc thi công dự án QL 19 (nối từ cảng Quy Nhơn lên QL 1A, Bình Định) quá cao vô tình tạo lũ “tàn phá” nhiều hecta ruộng lúa của dân, dẫn đến 3 năm liền canh tác thất thu, phải bỏ ruộng.

Người dân cho rằng việc thi công QL19 quá cao, không tính toán đến lợi ích của dân đã vô tình tạo lũ lớn tàn phá.
Người dân cho rằng việc thi công QL19 quá cao, không tính toán đến lợi ích của dân đã vô tình tạo lũ lớn tàn phá.

Theo quy hoạch do UBND tỉnh Bình Định phê duyệt, dự án Quốc lộ 19 (đoạn từ cảng Quy Nhơn đến giao Quốc lộ 1A) có chiều dài 17,8 được khởi công từ tháng 12/2012 với tổng mức đầu tư xây dựng hơn 5.279 tỷ đồng. Tuy nhiên, người dân khu vực xung quanh dự án cho rằng việc đầu tư xây dựng QL này không tính đến lợi ích của dân, khiến họ phải gồng mình gánh chịu hậu quả mỗi mùa lũ về.

Ghi nhận của PV Dân trí tại khu vực ruộng thôn Quảng Vân (xã Phước Thuận), nhiều diện tích đất bị sa bồi, thủy phá không thể sản xuất. Bà Nguyễn Thị Phước (55 tuổi, thôn Quảng Vân), bức xúc: “Trước đây, lũ có lớn mấy thì ruộng đồng chúng tôi cũng không hề hấn gì cả, nước lũ ngập rút rồi lại canh tác bình thường. Từ khi thi công QL 19, ruộng của gia đình tôi và nhiều hộ dân khác bị sa bồi, thủy phá tan hoang. 3 năm liên tiếp như thế, lũ đã phá nát 2 sào ruộng của gia đình tôi”.

Trước đây, khi nước lũ về thì rải đều ra các cánh đồng, nước chảy êm. Bây giờ lũ tập trung về những cầu khiến nước lũ chảy xiết nên mức độ tàn phá cao hơn.
Trước đây, khi nước lũ về thì rải đều ra các cánh đồng, nước chảy êm. Bây giờ lũ tập trung về những cầu khiến nước lũ chảy xiết nên mức độ tàn phá cao hơn.

Theo bà Phước, trước kia vùng ruộng của 2 thôn Quảng Vân, Phổ Quang (xã Phước Thuận) trồng lúa rất tốt. Nhưng từ năm 2016 đến nay, lũ liên tiếp hoành hành dữ dội, nhiều diện tích sản xuất lúa phải bỏ hoang vì bị cát, đá bồi lấp. “Nhân dân phải nhờ đến sự giúp đỡ của lực lượng quân đội, dân quân đắp đê tạm, ngăn lũ. Nhưng lũ cứ lặp đi lặp lại thành thử bộ đội cũng nản, thôi đành bỏ ruộng. Giờ thì chỗ nào chưa bị bồi cát chúng tôi khoanh lại để gieo sạ, chứ ngồi nhà biết lấy gì mà ăn”, bà Phước than.

Ông Lê Công Minh (65 tuổi, thôn Quảng Vân) cho rằng việc thi công QL 19, mở 1 tuyến đường lớn qua vùng lũ là rất ý nghĩa đối với nhân dân địa phương, đặc biệt của tỉnh. Tuy nhiên, trước khi thi công, các đơn vị cần tính toán đến lợi ích trước mắt của người dân vùng lũ. Bởi, không chỉ ruộng đồng bị sa bồi mà các công trình giao thông cũng bị lũ cuốn phá.

Người dân khắc phục sa bồi để sản xuất lúa.
Người dân khắc phục sa bồi để sản xuất lúa.

“Thực tế đã 3 năm rồi, chúng tôi và người dân các thôn khác đều rất bức xúc vì QL 19 làm quá cao, chưa tính toán đến dòng chảy của lũ, vô tình đã làm tăng sức lũ tàn phá. Trước đây, khi lũ tràn về đổ sang xóm Chợ Mới (xã Phước Sơn), rồi từ từ rải đều khắp cả đồng theo quy luật. Vì vậy, dòng chảy êm hơn, ruộng đồng nằm dưới không bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí còn được bồi đắp bởi phù sa màu mỡ. Bây giờ bị cản bởi QL 19, lũ bị ép, bao nhiều nước lũ đổ ào về đây toàn bộ, chảy xiết nên gây sa bồi, thủy phá nặng nề”, ông Minh lý giải.

Theo UBND xã Phước Thuận cho biết, từ năm 2016 đến nay có 51.282 m2 đất sản xuất nông nghiệp của 115 người dân ở 2 thôn Quảng Vân, Phổ Quang bị sa bồi thủy phá, không thể khắc phục, bỏ hoang không canh tác được. Từ năm 2016, địa phương đã trích, xin kinh phí trên 500 triệu để khắc phục cho người dân, nhưng chỉ ứng phó tạm thời. Về lâu dài, địa phương đề xuất cần phải xây đê, kè kiên cố mới ngăn chặn được sức tàn phá của lũ.

Mặt đường QL 19 rất cao so với nhà dân.
Mặt đường QL 19 rất cao so với nhà dân.
Nhiều diện tích bỏ hoang vì sa bồi.
Nhiều diện tích bỏ hoang vì sa bồi.
Địa phương xin hỗ trợ gạo cho những hộ dân có đất không thể sản xuất.
Địa phương xin hỗ trợ gạo cho những hộ dân có đất không thể sản xuất.

Mới đây, UBND xã Phước Thuận cũng vừa có văn bản trình UBND huyện Tuy Phước xem xét tạo điều kiện hỗ trợ gạo đối với số nhân khẩu bị ảnh hưởng sa bồi, thủy phá để bà con nông sớm ổn định đời sống.

Trước nỗi lo của người dân, ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: “Dự án QL 19 do UBND tỉnh phê duyệt, nguồn ngân sách Trung ương, không phải thẩm quyền của huyện. Trước mắt, hiện huyện đã xin ý kiến của tỉnh để xin cơ chế sẽ hỗ trợ cho bà con có đất nông nghiệp bị sa bồi thủy phá, không sản xuất được. Còn về lâu dài thì phải tìm phương án hoặc sẽ thu hồi để hoán đổi lại diện tích sản xuất khác cho người dân”.

Doãn Công