3 phút cùng luật sư:

Phát hiện trộm đột nhập vào nhà, phải làm sao để khỏi "tiền mất tật mang"?

(Dân trí) - Khi phát hiện kẻ trộm, nếu phản ứng không đúng có thể khiến chúng lâm vào đường cùng và liều mạng. Ngoài ra, gia chủ cũng có thể vướng vào lao lý nếu chống trả vượt quá phòng vệ chính đáng.

Khoảng tháng 11/2018, TAND Hà Nội đã tuyên phạt ông Lê Minh Phương (51 tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) 9 năm tù về tội giết người vì dùng kiếm chém tên trộm đột nhập vào tiệm tạp hóa nhà mình trộm đồ, tổn hại sức khỏe hơn 90%.

Qua đó cho thấy, những tên trộm hung hãn có thể gây hậu quả thảm khốc nếu chúng bị phát hiện và thấy nguy hiểm. Trong trường hợp người nhà tự vệ, chống trả thì lại có thể vướng vào lao lý nếu gây thương tích cho kẻ trộm vượt quá phòng vệ chính đáng.

Vậy khi phát hiện kẻ trộm đột nhập nhà mình, gia chủ phải làm sao để vừa đảm bảo an toàn tính mạng cho mình, vừa bảo vệ tài sản một cách hợp pháp? Trong chương trình 3 phút cùng luật sư kỳ này, anh Quốc Dũng - luật gia, chuyên viên tư vấn luật của văn phòng luật sư Li và Đồng sự sẽ trao đổi cùng bạn đọc về vấn đề này.

Trộm đột nhập vào nhà nên xử lý thế nào cho an toàn

Thưa luật sư, trong trường hợp như của ông Lê Minh Phương trong vụ án mà TAND Hà Nội vừa xét xử, tại sao đánh trộm đột nhập vào nhà trọng thương lại bị khởi tố tội danh giết người?

Luật gia Quốc Dũng: Trong vụ án vừa nêu, việc ông Phương đánh trộm đột nhập vào nhà trọng thương lại bị khởi tố về tội danh giết người bởi lẽ hành vi của ông đã vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo qui định của Bộ Luật Hình sự và theo đó người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tùy vào hành vi cụ thể vượt quá như thế nào.

Cụ thể hơn, tôi được biết khi ông Phương phát hiện có trộm đột nhập vào nhà thì ngay sau đó ông đi xuống tầng một, lấy thanh kiếm rồi nấp vào chỗ kín quan sát. Chờ tên trộm tiến lại gần, ông Phương xông tới dùng kiếm chém liên tiếp hai nhát vào đầu và tay đối phương. Bị chém tên trộm vụt chạy ra phía cửa và cầu xin chủ nhà đừng đánh nữa, ông Phương nhận ra tên trộm ở gần nhà mình nên ông không đánh nữa và cất hung khí đi.

Xét hành vi của ông Phương vào thời điểm tên trộm vào tiệm tạp hóa nhà ông, ông có hành vi chống trả là dùng kiếm (đây được xem là hung khí nguy hiểm) chém liên tiếp vào đầu và tay của tên trộm mà đầu là vị trí rất dễ gây nguy hiểm chết người, mà không phải dùng các vật khác hay chuôi kiếm (tính chất nguy hiểm ít hơn) đánh vào các bộ phận khác của tên trộm nhằm chỉ để ngăn chặn tức thời hành vi trộm.

Như vậy có thể thấy, hành vi dùng hung khi nguy hiểm chém là quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại và đủ yếu tố cấu thành tội Giết người theo qui định của pháp luật hình sự.

Phát hiện trộm đột nhập vào nhà, phải làm sao để khỏi tiền mất tật mang? - 1

Ranh giới nào giữa phòng vệ chính đáng và vượt quá phòng vệ chính đáng.

Thưa luật sư, vậy đâu là phòng vệ chính đáng và vượt quá phòng vệ chính đáng? Ranh giới để xác định 2 trường hợp này như thế nào?

Luật gia Quốc Dũng: Về việc phân biệt hai khái niệm này thì không dễ để một người không am hiểu về pháp luật có thể nêu được. Do đó tôi sẽ nêu cơ sở pháp lý của 02 khái niệm này tại Điều 22 BLHS hiện hành, các bạn đọc giả có thể tìm hiểu kĩ hơn.

Ở đây tôi xin được tóm lược lại, phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích cho mình hoặc các chủ thể khác mà chống trả lại một cách cần thiết đối với hành vi xâm phạm, (tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại) nhằm gạt bỏ sự đe doạn hay xâm hại.

Tuy nhiên, nếu người phòng vệ đã sử dụng những phương tiện, phương pháp rõ ràng quá đáng và đã gây thiệt hại rõ ràng quá mức đối với hành vi xâm hại thì coi hành vi chống trả là không cần thiết và là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Vì vậy, nếu các yếu tố cấu thành khác xem như đủ thì ranh giới phân biệt 02 trường hợp trên là sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.

Chủ nhà lỡ tay làm chết trộm đột nhập vào nhà bị xử lý thế nào?

Khi phát hiện trộm, nếu chủ nhà giả vờ làm ngơ thì tên trộm lấy tài sản của mình, nếu chủ nhà hô hoán mà tên trộm bột phát tấn công mình để trốn chạy thì nguy hiểm tính mạng của mình, nếu mình tấn công lại thì dễ vào tù vì vượt quá phòng vệ chính đáng. Vậy theo luật sư, chủ nhà phải làm thế nào để bảo toàn tính mạng lẫn tài sản một cách hợp pháp? Có cách nào để dự phòng trước các rủi ro cho trường hợp này không?

Luật gia Quốc Dũng: Theo tôi, mọi công dân cần hiểu biết pháp luật cho phép được làm gì và không được làm gì để hành xử đúng khi rơi vào tình trạng trên. Các cá nhân có quyền sử dụng các biện pháp để tự vệ, bảo vệ tài sản của mình nhưng cần lưu ý nếu dùng vũ lực để bắt giữ thì phải trong giới hạn cần thiết đủ để bắt giữ kẻ trộm thì mới hợp pháp.

Ngược lại, việc sử vũ lực quá mức cần thiết (như bắt giữ, khống chế được kẻ trộm mà còn tiếp tục đánh, hay sử dụng hung khí hoặc các vật khác thực hiện hành vi gây thương tích, thậm chí muốn tước đoạt tính mạng kẻ trộm thì rõ ràng vượt quá mức cần thiết, lúc này chủ nhà phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, công dân cần thực các biện pháp phòng chống trộm để hạn chế việc trộm vào nhà như luôn có số điện thoại của cơ quan công an, gắn các thiết bị chống trộm, chuông báo và nếu không máy bị trộm vào nhà phải thật bình tĩnh để thực hiện có các biện pháp phòng vệ cho chính bản thân chủ nhà.

Việt Khuê

Bài, clip: Như Quỳnh - Nguyễn Quang