3 phút cùng luật sư:
Cứ thích là live stream, coi chừng dính lao lý lúc nào không hay!
(Dân trí) - Không ít nội dung live stream xuyên tạc, chửi bới, xúc phạm... đối với người khác và để lại những hậu quả nặng nề. Vậy live stream như thế nào để đúng đắn và không vi phạm pháp luật?
Live stream hay phát sóng trực tiếp là ứng dụng để truyền tải nội dung trực tiếp qua Internet để mọi người ở khắp mọi nơi có thể nhìn thấy những gì bạn đang muốn cho người khác thấy (gương mặt bạn, cảnh vật, sự kiện, …) nếu vào đúng luồng trực tiếp của bạn. Hiện nay công cụ live stream đang được người dùng mạng xã hội sử dụng ngày càng nhiều, sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Tuy nhiên, không ít nội dung live stream xuyên tạc, chửi bới, xúc phạm... đối với người khác và để lại những hậu quả nặng nề. Vậy live stream như thế nào để đúng đắn và không vi phạm pháp luật? Mời bạn đọc cùng gặp gỡ Luật sư Lam Điền.
Thưa luật sư, Live stream thế nào là xâm phạm bản quyền? Các biện pháp xử lý hành vi live stream trái phép là gì?
L.s Lam Điền: Đầu tiên, phải thấy live stream có tác dụng tốt, có thể dùng để tuyên truyền hoặc để bán hàng. Tuy nhiên, live stream cũng có một mặt dễ dẫn đến hành vi vi phạm bản quyền (live stream một buổi hoà nhạc, buổi chiếu phim…).
Việc có phải xâm phạm bản quyền không thì cần phải xem xét nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, việc đầu tiên là đã làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị tổ chức biểu diễn hoặc những người nghệ sĩ tổ chức biểu diễn ở đó.
Khi live stream đưa ra vấn đề chúng ta chưa chắc chắn là đúng hoặc đưa lên những thông tin làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì được xem là live stream trái pháp luật.
Hành vi live stream trái pháp luật có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 31/2013 sửa đổi bởi Nghị định 28/2017.
Cụ thể theo quy định tại Điều 28, mức phạt tiền cao nhất là 30 triệu đồng, ngoài ra nếu có mục đích thương mại thì có thể chịu thêm phí phạt cao nhất là 25 triệu đồng; người có hành vi vi phạm phải gỡ bỏ các ghi âm, ghi hình, bản phát trực tiếp trước đó.
Nghiêm trọng hơn, chủ thể thực hiện hành vi có thể bị truy tố, xét xử theo qui định pháp luật hình sự về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan với mức hình phạt tùy vào tính chất mức độ của hành vi (phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn). Đồng thời chủ thể có hành vi có thể phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự.
Những trường hơp người thực hiện live stream vô tình để phát tán hình ảnh của người khác khi chưa được cho phép, dẫn đến làm lộ lọt thông tin cá nhân của người khác thì có bị xem là vi phạm quyền riêng tư của người khác hay không thưa luật sư?
L.s Lam Điền: Đầu tiên, chúng ta phải xem xét rằng người chủ động thực hiện live stream đó họ vô tình hay cố ý hay vô tình để lọt hình ảnh của những người xung quanh.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 21 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.
Vì vậy việc thực hiện live stream vô tình để phát tán hình ảnh của người khác khi chưa được cho phép, dẫn đến làm lộ lọt thông tin cá nhân của người khác thì có thể được xem là vi phạm quyền riêng tư của người khác.
Tuy nhiên, để xem xét toàn diện vấn đề, chúng ta cần đánh giá về mức độ vô tình hay vô ý của chủ thể thực hiện và mức độ nghiêm trọng của hậu quả để lại để kết luận tính vi phạm của hành vi trên.
Dựa vào những quy định pháp luật, luật sư có lời khuyên gì dành cho người sử dụng công cụ live stream để live stream hợp pháp?
L.s Lam Điền: Việc live stream ngày nay trở nên rất phổ biến và thông dụng với mọi người. Chúng ta phải thừa nhận rằng kết quả tích cực mang lại từ việc live stream là không nhỏ. Tuy nhiên, người sử dụng công cụ live stream cần phải chú ý đến nội dung sự việc/hình ảnh/ sản phẩm v..v.. mà mình phát trực tiếp.
Tùy vào từng nội dung khác nhau hay tính pháp lý của từng nội dung này để quyết đinh thực hiện hành vi phát trực tiếp. Nhìn chung, nội dung live stream không được là những điều pháp luật cấm; và cần đặc biệt lưu ý đến việc phát trực tiếp những nội dung không phải chính người phát trực tiếp là tác giả hay người sáng tạo ra.
Người thực hiện live stream cần quan tâm đến quyền tác giả, bản quyền, tính xác thực của nội dung mà mình chuẩn bị phát sóng.
Việt Khuê
Bài, clip: Như Quỳnh - Nguyễn Quang