Phạt 100 triệu đồng nếu chọn giới tính thai nhi: Cần nhưng chưa đủ!
(Dân trí) - Mức phạt càng cao, càng có tính răn đe mạnh. Việc để mức xử phạt thấp hoặc chỉ dừng ở nhắc nhở, cảnh cáo như trước đây đã không đủ sức ngăn chặn.
Bộ Y tế đề xuất tăng mức phạt hành chính với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi từ 30 triệu lên tối đa 100 triệu, nhằm ngăn chặn tình trạng sinh trai nhiều hơn gái. Đề xuất này đưa vào dự thảo Luật Dân số, đang được lấy ý kiến đến ngày 12/6. Đề xuất này, dù đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều, song theo tôi là hoàn toàn cần thiết và đáng được ủng hộ mạnh mẽ, nếu chúng ta thực sự muốn xây dựng một xã hội văn minh, công bằng và nhân đạo.
Là một công dân quan tâm đến vấn đề dân số và bình đẳng giới, tôi cho rằng đây là một bước đi cần thiết, nhưng chưa thể giải quyết tận gốc vấn nạn lựa chọn giới tính thai nhi nếu không có những biện pháp bổ trợ toàn diện và thực tiễn hơn.
Thực tế đau lòng là tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi vẫn đang diễn ra âm thầm nhưng phổ biến ở nhiều địa phương, do nặng nề tư tưởng trọng nam khinh nữ. Hệ quả là mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng trầm trọng. Năm 2024, tỷ lệ giới tính khi sinh là 111,4 bé trai trên 100 bé gái, vượt xa ngưỡng tự nhiên (khoảng 106 bé trai trên 100 bé gái).
Việc xử phạt mạnh tay là cần thiết để răn đe và giảm bớt sự tiếp tay của các cơ sở y tế, bác sĩ và cá nhân trong việc công khai tiết lộ giới tính thai nhi với mục đích lựa chọn. Mức phạt cao lên tới 100 triệu đồng không chỉ dừng lại ở mặt tài chính mà còn mang ý nghĩa xã hội, thể hiện rõ lập trường của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền được sinh ra một cách công bằng của mọi đứa trẻ, bất kể giới tính.

Năm 2024, tỷ lệ giới tính khi sinh là 111,4 bé trai trên 100 bé gái, vượt xa ngưỡng tự nhiên, khoảng 106 bé trai trên 100 bé gái (Ảnh minh họa: DT).
Phạt tiền cao mới đủ sức răn đe
Nhiều người lo ngại rằng mức phạt 100 triệu đồng là quá cao, trong khi thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam vẫn còn thấp. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, đây không phải là hành vi dân sự thông thường, mà là một hành vi vi phạm pháp luật có chủ đích, có tổ chức và được thực hiện qua các hình thức lén lút, tinh vi như: siêu âm chẩn đoán giới tính sớm, thỏa thuận ngầm giữa bác sĩ và gia đình, phá thai chọn lọc giới tính…
Mức phạt càng cao, càng có tính răn đe mạnh. Việc để mức xử phạt thấp hoặc chỉ dừng ở nhắc nhở, cảnh cáo như trước đây đã không đủ sức ngăn chặn. Không thể đòi hỏi thay đổi hành vi nếu pháp luật không có chế tài nghiêm khắc.
Một xã hội tiến bộ là nơi phụ nữ không bị đánh giá dựa trên khả năng sinh con trai hay con gái. Việc lựa chọn giới tính thai nhi thường là kết quả của áp lực gia đình, định kiến dòng tộc và sự thiếu hiểu biết. Người mẹ mang thai lẽ ra cần được yêu thương và bảo vệ lại bị coi như một “công cụ sinh con trai”, thậm chí bị ép phá thai nếu “không đúng giới”.
Xử phạt hành vi lựa chọn giới tính thai nhi là một cách gián tiếp để bảo vệ quyền của phụ nữ, của thai nhi gái, những người dễ bị tổn thương nhất. Đó cũng là lời khẳng định rằng: bé gái sinh ra không kém giá trị so với bé trai và mỗi sinh mạng đều đáng quý như nhau.
Không thể trông chờ vào tuyên truyền suông
Nhiều năm qua, các chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới đã được tổ chức liên tục, từ trung ương đến địa phương. Nhưng thực tế cho thấy, tuyên truyền nếu không đi kèm với chế tài đủ mạnh thì hiệu quả rất hạn chế. Pháp luật cần trở thành “hàng rào” bảo vệ điều đúng đắn, không chỉ là công cụ khuyến khích.
Tuy nhiên, chỉ phạt thôi là chưa đủ
Dù mức phạt cao mang tính cảnh báo mạnh mẽ, nhưng việc phát hiện và xử lý hành vi lựa chọn giới tính thai nhi trên thực tế không hề dễ dàng. Rất nhiều cơ sở siêu âm, khám thai hiện nay có thể “gợi ý” giới tính thai nhi bằng những ám hiệu kín đáo, thậm chí thông qua các kênh trung gian không chính thức.
Nếu không có hệ thống giám sát chặt chẽ, quy trình kiểm tra minh bạch và chế tài đi kèm với trách nhiệm giải trình rõ ràng từ phía các cơ sở y tế, thì mức phạt này dễ trở thành hình thức “trên giấy”.
Để nâng cao hiệu quả của quy định, tôi xin đề xuất một số giải pháp đi kèm như sau:
Tăng cường giám sát tại các cơ sở siêu âm, phòng khám sản khoa: Cần trang bị camera giám sát có âm thanh tại các phòng siêu âm, đồng thời tổ chức kiểm tra đột xuất và ẩn danh từ phía cơ quan chức năng để phát hiện hành vi vi phạm.
Trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ sở y tế: Không chỉ xử phạt bác sĩ vi phạm, mà cần quy trách nhiệm liên đới cho Giám đốc bệnh viện, phòng khám nếu để xảy ra tình trạng tiết lộ giới tính thai nhi trái quy định.
Phổ biến giáo dục tại cộng đồng: Song song với biện pháp hành chính, cần triển khai các chiến dịch tuyên truyền sâu rộng, đặc biệt tại vùng nông thôn, miền núi, nơi tình trạng chọn giới tính thai nhi thường diễn ra phổ biến. Cần làm thay đổi nhận thức của người dân về giá trị bình đẳng giới, quyền của trẻ em và trách nhiệm nuôi dạy, chứ không phải lựa chọn ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
Đưa nội dung phòng chống lựa chọn giới tính thai nhi vào trường học: Học sinh trung học phổ thông nên được tiếp cận kiến thức về bình đẳng giới, sinh sản, và hệ lụy của việc lựa chọn giới tính thai nhi từ sớm để hình thành tư duy đúng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào đối với giới tính ngay từ khi còn là thai nhi đều là biểu hiện của sự tụt lùi văn minh. Nếu chúng ta chần chừ không hành động, tương lai không xa, xã hội sẽ đối mặt với hệ lụy dân số mất cân bằng nghiêm trọng: nam giới khó lấy vợ, gia tăng tệ nạn, buôn bán phụ nữ, bất ổn xã hội…
Vì vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất xử phạt tới 100 triệu đồng đối với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, coi đây là bước tiến rõ ràng trong chính sách dân số và bình đẳng giới. Tuy nhiên, để quy định này thực sự đi vào đời sống, cần một hệ sinh thái đồng bộ từ kiểm tra, giám sát đến giáo dục và tuyên truyền. Chỉ khi nào người dân tự thay đổi nhận thức, xã hội xóa bỏ tâm lý trọng nam - khinh nữ, thì khi ấy mới có thể giải quyết triệt để gốc rễ của vấn đề.
Độc giả Vũ Thị Minh Huyền