Phải làm gì khi thông tin cá nhân bị lấy cắp để vay tiền qua ứng dụng?

Ngọc Hân

(Dân trí) - Nhiều người không vay tiền nhưng bị Công ty tài chính gọi đòi nợ kiểu đe dọa. Nguyên nhân là bởi những nạn nhân này đã bị kẻ gian "ăn cắp" thông tin cá nhân rồi đăng ký để vay tiền qua ứng dụng.

Đơn cử như trường hợp chị Hồ Thị X. (SN 1995, ngụ xã Tà Rụt, huyện Đắkrông, Quảng Trị) đến Công an phường Khuê Trung (Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) trình báo, cầu cứu vì liên tục bị khủng bố đòi nợ 40 triệu đồng.

Cụ thể, nhiều người tự xưng là nhân viên của một ứng dụng vay tiền qua tải App (qua ứng dụng) trên điện thoại di động yêu cầu chị X. phải trả món nợ đã vay theo cam kết, nếu không sẽ bị "xử lý".

Bản thân chị X. không vay mượn số tiền trên của cá nhân, đơn vị nào. Qua xác minh, Công an phường Khuê Trung làm rõ, chị X. không vay số tiền trên nhưng lại bị đòi nợ kiểu dồn dập, đe dọa, khủng bố nên nhận định có thể nạn nhân bị đánh cắp thông tin cá nhân để làm thủ tục vay tiền qua App.

Tiếp tục xác minh, Công an phường Khuê Trung xác định, trong thời gian ở trọ cùng phòng, bạn của chị X. là Hồ Thị Hạnh đã trộm cắp CMND của chị sau đó dùng giấy tờ này và thông tin của chị X. để vay tiền qua App tải từ điện thoại.

Hiện nay, việc vay tiền qua app đang diễn ra rất phổ biến với nhiều lời quảng cáo "có cánh" như thủ tục giải ngân nhanh, không cần hồ sơ gốc, không cần thẩm định, chỉ cần cung cấp số CMND/CCCD…

Kéo theo đó, nhiều kẻ xấu đã đánh cắp thông tin hoặc lợi dụng thông tin của người khác để thực hiện việc vay tiền nhưng không trả.

Do đó, mỗi cá nhân phải hết sức cảnh giác khi để lộ số CMND/CCCD của mình. Bởi rất có thể, bản thân sẽ trở thành "nạn nhân" bị lấy cắp thông tin để vay tiền và bị đòi nợ số tiền mà bản thân không vay.

Hạnh khai nhận, do túng tiền và áp lực trả nợ, biết thủ tục vay qua App rất đơn giản, không cần xác minh nhiều, thời gian chỉ 5 - 6 phút nên làm theo hướng dẫn của ứng dụng và vay tiền. Hạnh đã 13 lần vay tiền qua App V.T.M. được hơn 40 triệu đồng nhưng thực tế chỉ nhận 29,5 triệu đồng, nhận qua tài khoản ngân hàng của mình.

Hay như trường hợp của chị Sầm Thị Bích Thảo (SN 1994, ngụ Q.Thanh Khê) được một người tự xưng là nhân viên của một công ty dịch vụ tài chính điện thoại thông báo về việc được vay tiền và yêu cầu chị Thảo gửi thông tin cá nhân. Mặc dù không có nhu cầu vay nhưng sau đó, tài khoản của chị Thảo được cộng thêm 19.550.000 đồng.

Chị Thảo gọi điện lại cho nhân viên này thì được trả lời sau 15 ngày, hệ thống sẽ tự động hủy số tiền vừa chuyển vào tài khoản của chị. 12 ngày sau, nhân viên trên gọi điện yêu cầu chị Thảo gửi số tiền trên vào tài khoản ngân hàng có tên "Duong Anh Tai".

Sau đó nhân viên của công ty dịch vụ tài chính gọi điện cho chị Thảo thông báo chị đã vay 23 triệu đồng và yêu cầu phải trả góp trong 12 tháng.

Bị đánh cắp thông tin để vay tiền, nạn nhân có phải trả nợ?

Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX) cho biết, hiện nay việc vay tiền đang càng ngày càng trở nên dễ dàng thậm chí người vay chỉ cần có số Chứng minh nhân dân (CMND) hoặc Căn cước công dân (CCCD), số điện thoại...

Phải làm gì khi thông tin cá nhân bị lấy cắp để vay tiền qua ứng dụng? - 1
Luật sư Quách Thành Lực

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo đó, chỉ hình thành quan hệ vay tiền khi có sự thỏa thuận giữa các bên - bên cho vay và bên vay về việc vay tiền, giao tiền cho vay, hạn trả nợ, lãi suất (nếu có).

Đồng thời, khoản 1 Điều 466 Bộ luật Dân sự cũng quy định cụ thể về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:

Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, theo quy định này, việc trả nợ chỉ xảy ra khi hai bên có thỏa thuận về việc vay nợ và người vay phải có nghĩa vụ trả nợ. Bởi vậy, nếu một người bị lấy cắp thông tin như số CMND, CCCD, số điện thoại… nhưng trên thực tế không hề vay tiền thì không có nghĩa vụ phải trả nợ.

Tuy nhiên, người bị lấy cắp thông tin trong trường hợp này phải chứng minh được bản thân không phải là người thực hiện việc vay tiền.

Phải làm gì khi không vay tiền mà bị đòi nợ?

Thực tế cho thấy, khi bị lấy cắp thông tin về số CMND/CCCD để vay vốn, nhiều người có thể bị các app vay tiền hoặc người cho vay gọi điện, đe dọa, khủng bố… bắt trả món nợ bản thân không vay.

Tuy nhiên, theo phân tích ở trên, trong trường hợp người bị lấy cắp thông tin không vay thì không có nghĩa vụ trả nợ nên khi bị đòi nợ dù không vay tiền thì người này có thể yêu cầu bên cho vay xuất trình các chứng từ liên quan đến việc vay mượn như thời gian vay, số tiền vay, lãi suất…

Đồng thời, có thể trình báo sự việc trên cho các cơ quan công an cấp tỉnh/thành phố, huyện, xã, phường, thị trấn theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 28/2020 của Bộ Công an và Điều 163 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 để cơ quan này tiến hành điều tra, xác minh sự việc cũng như có phương án xử lý với người lấy cắp thông tin:

Ngoài ra, để đề phòng việc không vay tiền nhưng vẫn phải trả nợ, mỗi người cần phải hết sức cảnh giác trước những chiêu lừa đảo, tuyệt đối không cung cấp bất cứ thông tin cá nhân nào của mình cho người lạ.

Riêng trường hợp giấy tờ  cá nhân bị rơi, mất thì phải nhanh chóng thông báo với cơ quan có thẩm quyền về việc này.

Xin cảm ơn Luật sư!