Tránh bị lừa mua nhà đất trong quy hoạch: Cần thẩm định những dữ liệu gì?

(Dân trí) - Có trong tay dữ liệu đất đai với bất động sản là một thông tin vô cùng quý giá giúp người mua đánh giá đúng giá trị bất động sản, loại trừ những rủi ro đất nằm trong quy hoạch.

Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bày tỏ: Hiện nay Thông tư 34/2014/TT-BTNMT quy định tương đối rõ về việc cung cấp dữ liệu đất đai. Cụ thể như sau:

1. Danh mục và nội dung dữ liệu cần cung cấp của thửa đất gồm các thông tin sau:

Thửa đất: Số hiệu thửa đất, số tờ bản đồ địa chính, diện tích, địa chỉ; Người sử dụng đất: Họ tên vợ chồng, năm sinh, chứng minh nhân dân, địa chỉ; Quyền sử dụng đất; Tài sản gắn liền với đất (có tài sản gì gắn liền với đất như: Nhà ở, công trình xây dựng, rừng sản xuất là rừng trồng, cây lâu năm).

Tình trạng pháp lý; Lịch sử biến động (đã từng chuyển nhượng cho ai…); Quy hoạch sử dụng đất; Trích lục bản đồ; Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giao dịch đảm bảo; Hạn chế về quyền; Giá đất.

Tránh bị lừa mua nhà đất trong quy hoạch: Cần thẩm định những dữ liệu gì? - 1

Luật sư Quách Thành Lực bày cách để tránh bị lừa mua nhà dính quy hoạch.

2. Trình tự thực hiện:

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác dữ liệu đất đai nộp phiếu yêu cầu hoặc gửi văn bản yêu cầu đến Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã (sau đây gọi chung là cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai).

Khi nhận được phiếu yêu cầu, văn bản yêu cầu hợp lệ của tổ chức, cá nhân, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện việc cung cấp dữ liệu cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu khai thác dữ liệu. Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai tiếp nhận, xử lý và thông báo nghĩa vụ tài chính (trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính) cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp từ chối cung cấp dữ liệu thì phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do;

Sau khi tổ chức, cá nhân thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện cung cấp dữ liệu đất đai theo yêu cầu. Đối với các trường hợp khai thác dữ liệu cần phải tổng hợp, xử lý trước khi cung cấp cho tổ chức, cá nhân thì phải thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự giữa cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai và tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác dữ liệu.

3. Cách thức thực hiện: Nộp trực tiếp tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc gửi qua đường công văn, fax, bưu điện, thư điện tử.

4. Thành phần, số lượng hồ sơ: Văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu đất đai

5. Thời hạn giải quyết: Trường hợp tra cứu thông tin nếu nhận được yêu cầu trước 15h thì phải cung cấp ngay trong ngày; trường hợp nhận được yêu cầu sau 15h thì cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo.

Trường hợp trích lục, trích sao hồ sơ địa chính, trích sao các thông tin tư liệu TN&MT khác hoặc sao thông tin vào thiết bị nhớ thì thực hiện không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phiếu yêu cầu hoặc văn bản đề nghị.

Trường hợp cung cấp thông tin dưới hình thức tổng hợp thông tin đất đai thì thời gian thực hiện theo thỏa thuận của các bên.

6. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

7. Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm cung cấp dữ liệu đất đai từ hồ sơ địa chính theo phân cấp quản lý cho các đối tượng là hộ gia đình, cá nhân.

 Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm cung cấp dữ liệu đất đai từ hồ sơ địa chính theo phân cấp quản lý hồ sơ địa chính.

8. Phí,lệ phí (nếu có): Phí khai thác, sử dụng hồ sơ tài liệu đất đai: 300.000đồng/hồ sơ/lần (không bao gồm chi phí in ấn, sao chụp hồ sơ tài liệu, chi phí gửi tài liệu).

Phí cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm (bao gồm cả trường hợp cung cấp văn bản chứng nhận hoặc bản sao văn bản chứng nhận về giao dịch bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản thi hành án): 30.000 đồng/trường hợp (không bao gồm chi phí in ấn, sao chụp hồ sơ tài liệu, chi phí gửi tài liệu).

Lệ phí địa chính: Trích lục Bản đồ địa chính, văn bản, tài liệu, số liệu hồ sơ địa chính: đối với hộ gia đình, cá nhân tại phường 15.000 đồng/01 lần/hồ sơ; tại xã, thị trấn 7.500 đồng/01 lần/hồ sơ; đối với tổchức 30.000 đồng/01 lần/hồ sơ (không bao gồm chi phí in ấn, sao chụp hồ sơ tài liệu, chi phí gửi tài liệu).

9. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Phiếu đề nghị cung cấp dữ liệu đất đai Mẫu số 01/PYC.

Trên đây là những kiến thức pháp lý cơ bản để người dân cần biết để tiếp cận được thông tin địa chính thửa đất. Tuy nhiên trong quá trình áp dụng thực tế thời hạn thực hiện có thể kéo dài hơn hoặc thông tin được cung cấp không đầy đủ. Người dân khi yêu cầu cung cấp thông tin mà bị từ chối hoặc cung cấp không đầy đủ thì có quyền yêu cầu cung cấp bổ sung, khiếu nại, khởi kiện.

Xin cảm ơn luật sư!