Điều tra viên có được phép gọi điện triệu tập người dân đến làm việc?

Khả Vân

(Dân trí) - Nhiều kẻ xấu lấy danh nghĩa công an để gọi điện triệu tập, yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản. Thực tế luật có cho phép công an mời người dân làm việc qua điện thoại?

Hiện nay các đối tượng lừa đảo thường hay sử dụng cuộc gọi, tin nhắn tự xưng là cán bộ điều tra, cán bộ viện kiểm sát để thông báo, triệu tập người dân do liên quan đến vụ án hình sự.

Sau đó, lợi dụng tâm lý sợ hãi của người dân, các đối tượng sẽ yêu cầu người dân cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản. Nhiều trường hợp người dân bị đã lừa mất hàng tỷ đồng trước thủ đoạn đó. Táo tợn hơn, có những kẻ còn mặc sắc phục ngành, sử dụng phương tiện biển số xanh giả, đến tận nhà người dân đọc lệnh bắt người, uy hiếp nhằm chiếm đoạt tài sản.

Điều tra viên có được phép gọi điện triệu tập người dân đến làm việc? - 1
Bộ Công an cảnh báo, các đối tượng lừa đảo qua điện thoại thường yêu cầu bị hại không được kể câu chuyện "đang bị điều tra" vừa trao đổi cho bất kỳ ai. Ảnh: baochinhphu.vn

Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội - Giám đốc Công ty luật TNHH LSX) cho rằng, việc tìm hiểu các quy định pháp luật về trách nhiệm của cán bộ điều tra trong giao tiếp, ứng xử với người dân trong các vụ án hình sự để có đủ kiến thức tránh được những trò lừa đảo trên là hết sức cần thiết.

Điều tra viên là ai?

Điều tra viên là người được thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án hình sự. Do vậy nếu là chiến sỹ công an nhưng không được người có thẩm quyền phân công giải quyết vụ án thì họ cũng không có quyền điều tra vụ án hình sự. Vậy không phải ai tự xưng là công an là có quyền hỏi người dân về vụ án hình sự.

Giấy triệu tập là gì?

Giấy triệu tập là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự, nên chỉ Cơ quan điều tra hoặc Cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới được sử dụng. Thông tư 01/2006/TT-BCA(C11).

Điều tra viên có được phép gọi điện thoại để làm việc và triệu tập người dân có liên quan đến hoạt động điều tra?

Đây là một việc làm nghiêm cấm. Thông tư 01/2006/TT-BCA(C11) cũng quy định như sau: Nghiêm cấm điều tra viên gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để yêu cầu người được triệu tập đến làm việc mà không có giấy triệu tập hoặc giấy mời.

Trên thực tế vẫn có những cuộc điện thoại của cán bộ điều tra gọi để thông báo cho đương sự, người dân lịch làm việc với lý do địa bàn xa, công việc bận rộn. Nếu người dân chấp thuận lối làm việc đó thì khi đến làm việc người dân vẫn có quyền yêu cầu điều tra viên cung cấp giấy triệu tập. Tuy nhiên, việc chấp thuận làm việc như vậy vừa không đúng luật mà còn tạo ra nhiều rủi ro cho người bị triệu tập.

Cán bộ điều tra có được quyền dọa nạp, uy hiếp người dân hay không?

Không được phép! khi tiếp xúc, giải quyết công việc với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải thể hiện thái độ ứng xử có văn hóa, tôn trọng, khiêm tốn, bình tĩnh, tận tình, chu đáo; thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, của Ngành; Nêu cao tinh thần trách nhiệm, không gây khó khăn, phiền hà với nhân dân. Khi tiếp xúc với các đối tượng vi phạm pháp luật, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; có thái độ ứng xử đúng mực; không có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối xử với người vi phạm. (Điều 40, 41 Thông tư số 17/2012/TT-BCA quy định về Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân)

Việc triệu tập, gửi giấy triệu tập được thực hiện thế nào là đúng pháp luật?

Khi triệu tập bị can, điều tra viên phải gửi giấy triệu tập. Giấy triệu tập bị can ghi rõ họ tên, chỗ ở của bị can; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm có mặt, thời gian làm việc, gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

Giấy triệu tập bị can được gửi cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi bị can làm việc, học tập. Cơ quan, tổ chức nhận được giấy triệu tập có trách nhiệm chuyển ngay giấy triệu tập cho bị can. (Điều 182 Bộ luật tố tụng hình sự).

Trường hợp thực hiện việc bắt, giữ người, người có thẩm quyền đều phải lập biên bản, có người chứng kiến là cán bộ xã, phường tổ dân phố nơi người đó cư trú.

Các đối tượng lừa đảo hoạt động hết sức tinh vi, xảo quyệt. Nhóm phạm tội thường theo dõi thời gian dài để tìm hiểu nạn nhân, nguồn tài sản. Chúng dùng các phương thức như hack tài khoản mạng xã hội, giám sát tài khoản ngân hàng, theo dõi đời tư....

Từ những thông tin thu thập được bọn chúng nắm được điểm yếu của nạn nhân sau đó sử dụng phần mềm truyền tải giọng nói qua mạng internet, giả danh số điện thoại cơ quan chức năng để gọi cho nạn nhân.

Các nạn nhân thường là từng bị triệu tập trong một vụ án nào đó hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nhiều bị hại không có điểm yếu nhưng trước lời đe dọa, thúc giục của kẻ xấu đã lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết hành vi lừa đảo.

"Mỗi người dân cần bình tĩnh, nắm được quy định pháp luật, hiểu được thủ đoạn gọi điện thoại tự xưng cán bộ điều tra, cán bộ viện kiểm sát cho người dân uy hiếp, đe dọa cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, buộc chuyển tiền đều là thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản", Luật sư Lực chia sẻ.

Xin cảm ơn luật sư!