Bài 8:
“Om” tài sản trúng đấu giá 10 năm: Tại sao chưa khởi tố vụ án huỷ hoại tài sản?
(Dân trí) - Trong khi tài sản trúng đấu gí của bà Lê Thị Hồng Hạnh (Đông Anh - Hà Nội) bị “om” suốt hơn 10 năm qua, một cá nhân là ông Đào Xuân Mai không chỉ ngăn cản không cho Đội thi hành án huyện Đông Anh bàn giao nhà cho bà Hạnh mà còn tổ chức phá dỡ nhà và xây dựng nhà 04 tầng khang trang trên diện tích đất này và sinh sống ổn định từ đó cho tới nay.
Liệu việc phá dỡ và xây dựng nhà mới của ông Mai có phải là hành vi vi phạm pháp luật hay không? Chúng tôi đã trao đổi với Luật sư Nhâm Mạnh Hà - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội để làm rõ hơn về vấn đề này.
Thưa luật sư, cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa làm rõ được việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông Dương cho ông Mai có đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật hay không. Vậy theo quan điểm của Luật sư thì việc phá dỡ nhà ở của ông Mai có trái pháp luật hay không?
Luật sư Nhâm Mạnh Hà: Hiện tại vẫn chưa có hồ sơ, tài liệu để xác định việc mua bán nhà ở trước khi tài sản bị kê biên và bán đấu giá có hợp pháp hay không. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì để gia đình ông Mai được công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở thì các bên phải làm thủ tục đăng ký trước bạ.
Thực tế, ngày 24/9/2004, Đội thi hành án dân sự huyện Đông Anh cũng đã tiến hành họp với đại diện các cơ quan bao gồm: Cục thi hành án dân sự - Bộ tư pháp, Vụ 10 Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự huyện Đông Anh…. Các cơ quan này đều thống nhất phải bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá là bà Hạnh.
Bên cạnh đó, ngày 10/11/2004, khi Đội thi hành án dân sự huyện Đông Anh phối hợp cùng với ban ngành và chính quyền địa phương để tổ chức cưỡng chế thi hành án đối với ông Dương và bà Xuân thì ông Mai đã tổ chức ngăn cản nhưng cũng không có bất cứ tài liệu nào chứng minh quyền sở hữu của mình. Vì vậy, dựa trên những cơ sở này có thể suy đoán rằng việc chuyển nhượng giữa vợ chồng ông Dương và ông Mai không đúng thủ tục theo quy định của pháp luật. Điều này có nghĩa là tài sản khi kê biên, bán đấu giá vẫn đứng tên vợ chồng ông Dương.
Trong trường hợp này thì hành vi của ông Mai đó là tiến hành phá dỡ căn nhà của vợ chồng ông Dương đã có dấu hiệu của tội hủy hoại tài sản được quy định tại Điều 143 BLHS, cụ thể:
“Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản1.Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”
Xem xét cấu thành của tội này đối với các hành vi của ông Mai có thể thấy rằng:
Một là, về mặt khách quan: Hành vi đập phá, phá dỡ toàn bộ nhà ở cũ trước đó thuộc sở hữu của vợ chồng ông Dương để xây dựng mới của ông Mai đã thỏa mãn hành vi khách quan của tội hủy hoại tài sản đó là hành vi làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng; không thể khôi phục lại được nữa.
Hậu quả của hành vi này đó là nhà ở cũ đã bị hủy hoại hoàn toàn (mất hẳn giá trị sử dụng và không thể khôi phục lại được nữa). Tài sản bị hủy hoại bởi chính hành vi của ông Mai và các thành viên trong gia đình gây ra. Giá trị tài sản bị hủy hoại trong trường hợp này là rất lớn (trên hai triệu đồng – đủ mức để truy cứu TNHS về tội này).
Hai là, về mặt chủ quan: Ông Mai thực hiện hành vi phá dỡ với lỗi cố ý thể hiện qua việc trước đó ông Mai đã ngăn cản không cho cơ quan thi hành án vào cưỡng chế (10/11/2004) và sau đó tự ý phá dỡ tất cả nhà, công trình cũ để xây dựng lại.
Ba là, về khách thể: Hành vi của ông Mai xâm phạm tới khách thể đó là quan hệ sở hữu của cá nhân, tổ chức. Ở đây, theo quy định tại quy chế đấu giá đã phân tích ở trên thì nếu tài sản chưa được Trung tâm dịch vụ bán đấu giá đăng ký quyền sở hữu cho bà Hạnh thì tài sản này đang thuộc quyền quản lý của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá. Lúc này, ông Mai xâm phạm đến quan hệ sở hữu của tổ chức. Trường hợp tài sản đã được đăng ký quyền sở hữu cho bà Hạnh thì ông Mai đã xâm phạm đến quan hệ sở hữu của cá nhân ở đây là bà Hạnh.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, hành vi phá dỡ nhà trái pháp luật của ông Mai đã thỏa mãn cấu thành của tội hủy hoại tài sản. Các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét và truy cứu TNHS đối với ông Mai về các hành vi đã thực hiện.
Vậy còn đối với việc xây dựng nhà tầng trên đất tại địa chỉ số 14B, tổ 1, Khối 3C, thị trấn Đông Anh sau khi thực hiện xong việc phá dỡ, đây có phải hành vi vi phạm quy định của pháp luật không thưa luật sư?
Luật sư Nhâm Mạnh Hà: Nếu ông Mai chưa được công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở thì việc xây dựng của gia đình ông Mai là trái quy định của pháp luật bởi căn cứ theo khoản 2 và khoản 3 Điều 62 Luật xây dựng 2003 thì:
“Điều 62. Giấy phép xây dựng
2. Đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn, các quy định về giấy phép xây dựng phải phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Uỷ ban nhân dân cấp huyện quy định cụ thể các điểm dân cư tập trung thuộc địa bàn phải cấp giấy phép xây dựng.
3 .Việc xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trong vùng đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố nhưng chưa thực hiện thì chỉ được cấp giấy phép xây dựng tạm có thời hạn theo thời hạn thực hiện quy hoạch.”
Cụ thể hơn, việc cấp Giấy phép xây dựng trên địa bàn Hà Nội được hướng dẫn tại Quy định ban hành kèm Quyết định số 109/2001/QĐ-UB ngày 08/11/2001 như sau:
Tất cả nhà ở riêng lẻ của nhân dân không thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng thì đều phải xin cấp Giấy phép xây dựng. Trường hợp miễn giấy phép xây dựng được quy định tại mục 2.9 Điều 2 của bản Quy định đó là nhà ở xây dựng trên đất thổ cư từ 3 tầng trở xuống có tổng diện tích sàn nhỏ hơn 200m2 ở các vùng nông thôn, miền núi hoặc nằm ngoài ranh giới quy hoạch thị trấn, Trung tâm xã, theo đồ án quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt trừ các nhà ở xây dựng ven các quốc lộ, đường đô thị, huyện lộ.
Hiện trạng ngôi nhà 4 tầng "thách thức" tất cả các cơ quan chức năng huyện Đông Anh.
Đề nghị khởi tố vụ án liên quan đến sự việc bị phớt lờ!
Bên cạnh đó, tại Quyết định 109/2001/QĐ-UB cũng quy định để được cấp Giấy phép xây dựng thì chủ đầu tư phải nộp hồ sơ trong đó có: Bản sao có thị thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất, kèm theo trích lục bản đồ hoặc trích đo trên thực địa hoặc sơ đồ ranh giới lô đất.Trong trường hợp hộ gia đình không có các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng được UBND cấp phường, xã, thị trấn thẩm tra là đất đó đang sử dụng không có tranh chấp (thời gian thẩm tra không quá 10 ngày) và được UBND quận, huyện xác nhận kết quả thẩm tra của UBND phường, xã, thị trấn (Thời gian xác nhận không quá 7 ngày), thì cũng được xét cấp giấy phép xây dựng.
Như vậy, soi chiếu với các quy định trên thì việc ông Mai xây dựng bắt buộc phải được cấp Giấy phép xây dựng từ phía các cơ quan có thẩm quyền. Vì quyền sử dụng đất và nhà ở trên thửa đất mà ông Mai xây dựng đã được bán đấu giá và bà Hạnh là người trúng đấu giá. Theo hồ sơ hiện nay cũng không có bất cứ giấy tờ nào thể hiện việc chuyển nhượng nhà đất từ vợ chồng ông Dương và ông Mai là hợp pháp do đó ông Mai không thể có đủ điều kiện để được cấp phép xây dựng. Vì vậy, hành vi xây dựng của ông Mai là hành vi trái pháp luật và phải bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 121/2013/NĐ-CP mới là đúng quy định của pháp luật.
Việc ông Mai vẫn xây dựng và cho đến nay đã hoàn thiện căn nhà 04 tầng mà không có bất cứ sự can thiệp nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đình chỉ xây dựng, cưỡng chế phá dỡ … cho thấy UBND huyện Đông Anh, UBND thị trấn Đông Anh và các cá nhân thuộc các cơ quan này đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình được quy định tại Luật xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Ngoài ra, nếu trước đó, ông Mai đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm dụng chỗ ở hoặc hành vi xây dựng nhà ở trái phép (có thể là ở một công trình khác) thì hành vi phá dỡ nhà trái pháp luật và xây dựng không có giấy phép của gia đình ông Mai tại thửa đất đã có quyết định kê biên cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở quy định tại Điều 270 Bộ luật hình sự.
Như vậy có thể thấy rằng việc xác định gia đình ông Dương đã chuyển nhượng nhà ở hợp pháp cho gia đình ông Mai hay chưa là vấn đề mấu chốt để xác định việc phá dỡ và xây dựng của gia đình ông Mai có vi phạm pháp luật hay không. Chỉ khi nhà - đất thuộc quyền sở hữu, sử dụng của gia đình ông Mai thì ông Mai mới có quyền phá dỡ, xây dựng. Ngược lại nếu chưa thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp theo đúng các trình tự mà pháp luật đã quy định thì hành vi của ông Mai khi tự ý phá dỡ ngôi nhà là tài sản bán đấu giá mà bà Hạnh đã mua một cách hợp pháp sẽ là hành vi vi phạm pháp luật hình sự và sẽ bị chế tài theo các quy định của Bộ luật này.
Và câu hỏi nhức nhối đặt ra cho công luận: vì sao suốt hơn 10 năm qua vấn đề này vẫn chưa được các cơ quan làm rõ để đảm bảo quyền lợi cho gia đình bà Hạnh là người đã mua nhà đất thông qua việc tham gia đấu giá một cách hợp pháp? Người dân vẫn đang chờ câu trả lời rõ ràng từ phía các cơ quan có thẩm quyền để củng cố niềm tin rằng pháp luật đang được thực thi một cách nghiêm minh, kịp thời.
Liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật này, Đội thi hành án dân sự huyện Đông Anh và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản đều đã có văn bản đề nghị Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Anh, Công an huyện Đông Anh xác định hành vi vi phạm của các cá nhân, khởi tố vụ án đồng thời đề nghị UBND có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ thi công. Tuy nhiên, không hiểu các cơ quan có thẩm quyền đã có biện pháp xử lý như thế nào mà ngay sau thời điểm này, ông Mai đã xây dựng xong ngôi nhà 4 tầng và hiện vợ chồng người em là ông Sỹ đang sinh sống trong ngôi nhà này.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế (thực hiện)