Bài 6:

“Om” tài sản trúng đấu giá 10 năm: Xác định trách nhiệm 2 cấp chính quyền huyện Đông Anh

(Dân trí) - UBND huyện Đông Anh và UBND thị trấn Đông Anh giữ vai trò rất quan trọng trong việc thi hành án và bàn giao tài sản trúng đấu giá cho gia đình bà Hạnh. Tuy nhiên, do sự quản lý lỏng lẻo, các cơ quan này đã không thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình dẫn tới việc cưỡng chế thi hành án dang dở, tài sản bà Hạnh đã mua bị hủy hoại và bị gia đình ông Mai ngang nhiên sử dụng suốt hơn 10 năm qua.

Như Dân trí đã đưa tin, bà Lê Thị Hồng Hạnh (huyện Đông Anh, TP Hà Nội) trúng đấu giá hơn 10 năm nhưng vẫn chưa được bàn giao tài sản do xuất hiện thêm chủ thể là ông Đào Xuân Mai khẳng định thửa đất được kê biên và bán đấu giá đã được chuyển nhượng cho mình trước đó. Cho đến nay, Chi cục thi hành án dân sự đã “bó tay”, việc bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá “dậm chân tại chỗ” đồng thời ông Mai – chưa được xác định rõ có phải chủ sở hữu hợp pháp nhà đất đã được bán đấu giá cho bà Hạnh - cũng đã tự ý phá dỡ nhà ở cũ và xây dựng nhà ở mới trên đất.

Vậy trong vụ việc này, vai trò và trách nhiệm của UBND các cấp là những cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương được xác định ra sao? Trách nhiệm của các cơ quan này đối với việc chậm bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá suốt hơn 10 năm qua được pháp luật quy định cụ thể ra sao?

Chúng tôi đã có buổi trao đổi dưới góc độ pháp lý với Luật sư Nhâm Mạnh Hà -Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội để làm rõ hơn về vấn đề vai trò và trách nhiệm như thế nào trong vụ việc thi hành án kéo dài hơn 10 năm này.


Luật sư Nhâm Mạnh Hà: UBND huyện Đông Anh và UBND TT Đông Anh tắc trách trong vụ om tài sản trúng đấu giá của người dân suốt 10 năm.

Luật sư Nhâm Mạnh Hà: UBND huyện Đông Anh và UBND TT Đông Anh tắc trách trong vụ om tài sản trúng đấu giá của người dân suốt 10 năm.

Luật sư Nhâm Mạnh Hà cho biết: UBND huyện Đông Anh và UBND thị trấn Đông Anh là những cơ quan Nhà nước quản lý về nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đất đai, xây dựng ở địa phương, đồng thời cũng là những cơ quan có nhiệm vụ và trách nhiệm trong việc chỉ đạo, phối hợp trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn quản lý. Do đó, với góc độ là Ban chỉ đạo thi hành án, vai trò và trách nhiệm của UBND các cấp trong vụ việc này được pháp luật quy định cụ thể như sau:

Về vai trò và trách nhiệm của UBND huyện Đông Anh: Tại Khoản 1 Điều 7 - Pháp lệnh Thi hành án dân sự 1993, sau đó được quy định lại tại khoản 2 Điều 8 - Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 đã quy định rất rõ về trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp “Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan hữu quan trong việc thi hành án ở địa phương mình”.

Tiếp theo, tại khoản 1 Điều 174 Luật Thi hành án dân sự 2008 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự cũng đều quy định rất rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp huyện trong thi hành án dân sự “Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn; giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong việc phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự.”

Tại Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg ngày 11/9/2001 về việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh: “Để tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác thi hành án dân sự, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo thi hành án cấp tỉnh, cấp huyện, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cùng cấp làm Trưởng ban để chỉ đạo công tác thi hành án tại địa phương”.

 

 


Với cách làm việc cẩu thả, tắc trách của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản; Đội thi hành án dân sự huyện Đông Anh và chính quyền huyện Đông Anh, tài sản trúng đấu giá của bà Hạnh đã bị chiếm dụng và xây dựng lên ngôi nhà 4 tầng suốt 10 qua.

Với cách làm việc cẩu thả, tắc trách của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản; Đội thi hành án dân sự huyện Đông Anh và chính quyền huyện Đông Anh, tài sản trúng đấu giá của bà Hạnh đã bị chiếm dụng và xây dựng lên ngôi nhà 4 tầng suốt 10 qua.

Như vậy, theo những quy định này thì trên địa bàn huyện Đông Anh có Ban chỉ đạo thi hành án huyện (do Chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban). Bên cạnh đó, ngày 22/3/2002, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 96/2002/QĐ-BTP ban hành “Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác thi hành án dân sự cấp tỉnh, huyện”, theo đó, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự có chức năng “tham mưu và giúp Chủ tịch UBND cùng cấp trong việc chỉ đạo công tác thi hành án dân sự; tổ chức phối hợp các cơ quan, đơn vị hữu quan với cơ quan thi hành án tại địa phương”. Chi tiết hơn nữa, sau này, tại Thông tư liên tịch số 14/2011/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 11/7/2011 cũng đã nhấn mạnh nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, đó là:

+ Giúp UBND tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch và ý kiến chỉ đạo của UBND về chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự đối với những trường hợp quy định tại Điều 1 của Thông tư liên tịch.

+ Đề xuất với UBND cùng cấp các biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự đối với những trường hợp quy định tại Điều 1 của Thông tư liên tịch.

+ Tham mưu giúp UBND cùng cấp chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan, tổ chức hữu quan với cơ quan thi hành án dân sự trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự.

+ Tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, ý kiến của UBND về chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự và chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự.

+ Kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp xử lý kịp thời đối với những vi phạm pháp luật về thi hành án dân sự.

Chiếu theo các quy định trên thì Ban chỉ đạo thi hành án dân sự huyện Đông Anh đã chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, không tổ chức kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời đối với các vi phạm dẫn đến việc thi hành án kéo dài suốt hơn 10 năm qua. Trước hết để xảy ra vụ việc trên, theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự 1993 và Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004 thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự 2008 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự thì thuộc trách nhiệm của UBND huyện Đông Anh. Đây đồng thời cũng là sai phạm của UBND huyện Đông Anh bởi để thực hiện các nhiệm vụ đã được pháp luật quy định, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự chịu sự điều hành, chỉ đạo và kiểm tra của Trưởng Ban chỉ đạo.


Tổng cục Thi hành án ra “tối hậu thư” xử lý vụ “om” tài sản trúng đấu giá suốt 10 năm của người dân.

Tổng cục Thi hành án ra “tối hậu thư” xử lý vụ “om” tài sản trúng đấu giá suốt 10 năm của người dân.

Trong khi đó, trưởng ban chỉ đạo thi hành án là Chủ tịch UBND hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện. Mặt khác, xét về quan hệ công tác thì Ban chỉ đạo thi hành án dân sự huyện chịu sự chỉ đạo trực tiếp của UBND huyện trong việc chỉ đạo, điều hành hoạt động, phối hợp các cơ quan, tổ chức hữu quan với cơ quan thi hành án dân sự trong công tác thi hành án dân sự. Việc UBND huyện Đông Anh không kiểm tra, theo dõi sát sao đối với việc thi hành án và bàn giao tài sản thi hành án sau khi xử lý là đã không thực hiện đúng nhiệm vụ của mình quy định của pháp luật. Sai phạm này của UBND huyện Đông Anh cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới việc chậm bàn giao tài sản cho gia đình bà Hạnh cho tới bây giờ.

Về vai trò và trách nhiệm của UBND thị trấn Đông Anh: theo các quy định của pháp luật thì chủ tịch UBND cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự trong việc thông báo thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án và các nhiệm vụ khác về thi hành án dân sự trên địa bàn.

Ngoài ra, để giúp cơ quan thi hành án dân sự hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, UBND cấp xã còn có thể có các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm khác như: tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự; nhận các văn bản, quyết định liên quan đến việc thi hành án;giúp cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc thông báo, niêm yết công khai các văn bản, giấy tờ về thi hành án; xác nhận vào biên bản xác minh điều kiện thi hành án; ký xác nhận vào biên bản kê biên tài sản thi hành án; tham gia vào quá trình Chấp hành viên tổ chức giao diện tích đất cho người được thi hành án…

Xét trong vụ việc này, khi cơ quan thi hành án và trung tâm bán đấu giá tài sản tổ chức bàn giao tài sản cho gia đình bà Hạnh, gia đình ông Mai có hành vi ngăn cản nhưng là cơ quan quản lý ở địa phương, phía UBND xã chưa có biện pháp xử lý, cũng không chủ động có ý kiến đề xuất về hướng giải quyết … dẫn tới việc cưỡng chế bàn giao tài sản phải hoãn với lý do “không bố trí đủ lực lượng bảo vệ cưỡng chế thi hành án” cho thấy UBND xã cũng chưa làm tròn trách nhiệm của mình.

Như vậy, có thể thấy rằng, UBND huyện  Đông Anh và UBND thị trấn Đông Anh giữ vai trò rất quan trọng trong việc thi hành án và bàn giao tài sản trúng đấu giá cho gia đình bà Hạnh. Tuy nhiên, do sự quản lý lỏng lẻo, các cơ quan này đã không thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình dẫn tới việc cưỡng chế thi hành án dang dở, tài sản bà Hạnh đã mua bị hủy hoại nghiêm trọng và bị gia đình ông Mai ngang nhiên sử dụng suốt hơn 10 năm qua. Đây là các sai phạm cần được các cơ quan chức năng làm rõ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật để làm trong sạch bộ máy nhà nước, tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác thi hành án dân sự ở địa phương đồng thời đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho gia đình bà Hạnh.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!

Anh Thế (thực hiện)