Nhịp cầu bạn đọc số 28: Đề nghị giải quyết khiếu nại về việc thu hồi đất tại Nghệ An; Thừa Thiên Huế

(Dân trí) - Tuần qua, báo Dân trí đã nhận được một số đơn thư kêu cứu, khiếu nại của bạn đọc, đồng thời chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của ông Nguyễn Ngọc Sơn (SN 1966), trú tại số 26/3, xã Tân Thắng - Quỳnh Lưu - Nghệ An có nội dung: “Ngày 22/01/1995, gia đình tôi được Nhà nước giao khoán tổng diện tích là 145 ha đất theo “Khế ước giao khoán đất rừng tự nhiên, có thảm thực vật cần bảo vệ thuộc rừng phòng hộ” số 49 KU/UB với thời hạn giao đất là 50 năm để xử dụng vào mục đích xây dựng rừng phòng hộ. Gia đình tôi đã tiến hành trồng rừng trên thửa đất được giao trong suốt mười năm trời.

Tuy nhiên, cuối năm 2003, UBND xã Tân Thắng đã lấy toàn bộ diện tích đất rừng thuộc trong phạm vi chuyển đổi của gia đình tôi đang quản lý, sử dụng (khoảng 20ha) để giao cho 2 xóm (xóm 26/3 và xóm 2/9) thầu khai hoang sản xuất với thời hạn là 05 năm. Đây là việc làm trái với quy định của pháp luật cũng như trái với điều khoản của Hợp đồng khi ngang nhiên lấy đất của gia đình tôi mà không có bất cứ một quyết định thu hồi đất nào cũng như không hề bồi thường cho chúng tôi.

 


Đơn thư bạn đọc gửi đến báo Dân trí.

Đơn thư bạn đọc gửi đến báo Dân trí.

Thế nhưng mãi sau khi bị lấy đất, tôi tìm hiểu thì mới biết UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định 1805 và được biết nội dung quyết định là cho chuyển đổi từ đất rừng kém hiệu quả sang đất sản xuất nông nghiệp chứ không phải thu hồi lại đất của gia đình tôi để cho các hộ khác sản xuất nông nghiệp như cách làm của UBND xã Tân Thắng.

Năm 2009, khi đã hết thời gian thầu sử dụng đất của các hộ được giao đất trái quy định nói trên, gia đình tôi được nhận lại đất để tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên, ngày 06/9/2013, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quỳnh Lưu đã ra Quyết định số 57/QĐ-CT theo đó quyết định thanh lý Khế ước giao khoán đất cho gia đình tôi năm 1995 và đề nghị gia đình hoàn trả lại đất. Tuy nhiên, gia đình tôi không đồng ý và vẫn tiếp tục quản lý, sử dụng đất.

Ngày 25/11/2013, UBND huyện Quỳnh Lưu đã ban hành Quyết định số  3946/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án đầu tư xây dựng công trình bố trí sắp xếp dân cư vùng đặc biệt khó khăn tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu. Điều bất ngờ nhất là trong Phương án đính kèm quyết định này, gia đình tôi chỉ được bồi thường về hoa màu trên đất.

Tôi nhận thấy rằng việc UBND xã Tân Thắng lấy một phần diện tích đất rừng gia đình tôi đang quản lý, sử dụng để giao cho cá nhân khác sản xuất nông nghiệp và việc UBND huyện Quỳnh Lưu quyết định thu hồi đất của gia đình tôi nhưng không bồi thường về đất là trái với quy định của pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình tôi”.

Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn thư đến UBND tỉnh Nghệ An; UBND huyện Quỳnh Lưu xem xét, giải quyết, trả lời đơn thư công dân theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, trú tại số 68 Nguyễn Sinh Cung, phường Vỹ Dạ - TP Huế cho biết: UBND tỉnh Thừa Thiên Huế  ban hành Quyết định số 999/QĐ-UBND, ngày 17/5/2011 để xác lập quyền sở hữu toàn dân khu nhà đất tại 66, 68 Nguyễn Sinh Cung, phường Vĩ Dạ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó có tài sản của bà Hằng và đặc biệt là có công trình mồ mả của họ tộc.

Đơn khiếu nại cho rằng: “Quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế là trái pháp luật do cụ Ưng Thông là chủ sở hữu hợp pháp toàn bộ nhà đất tại số 66, 68 Nguyễn Sinh Cung, Vĩ Dạ, thành phố Huế. Căn cứ sở hữu theo Địa bộ số A349 do Sở Địa chính tỉnh cấp 15/10/1935, với diện tích 2.840m2, nay thuộc thửa số 21, tờ bản đồ số 35, diện tích 2.539,6m2. Sau khi cụ Ưng Thông qua đời đã để lại thừa kế cho cụ Bửu Hoằng và Lê Thị Đa. Cụ Bửu Hoằng và Lê Thị Đa có 7 người con. Sau khi cụ Bửu Hoằng và Lê Thị Đa qua đời, các con đã xác lập quyền thừa kế đối với nhà đất nêu trên.

Sự thật vẫn hiển nhiên là cho đến nay, tôi vẫn đang thực hiện việc quản lý sử dụng theo uỷ quyền đối với toàn bộ thửa đất, không có tranh chấp với các bất động sản liền kề.

Quá trình sử dụng tôi đã đầu tư xây dựng nhà ở 2 tầng và các công trình phụ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Việc tôi tạo lập tài sản trên đất, những người thừa kế không có phản đối gì. Hơn nữa, năm 2004, thực hiện, chủ trương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chính quyền, gia đình tôi đã làm thủ tục kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày 03/3/2006, Trung tâm nghiệp vụ hành chính công thuộc UBND thành phố Huế có văn bản số 663/TTNVHCC khẳng định trường hợp sử dụng đất của gia đình tôi là đủ điều kiện để xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật.

Do vậy, Quyết định số 999/QĐ-UBND, ngày 17/5/2011 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc xác lập quyền sở hữu toàn dân khu nhà đất tại 66, 68 Nguyễn Sinh Cung, phường Vĩ Dạ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó có tài sản của tôi và đặc biệt là có công trình mồ mả của chủ sở hữu là quyết định trái pháp luật”.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn thư khiếu nại của công dân đến UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

Đơn kêu cứu của ông Huỳnh Quang Toàn, thường trú Tân Mỹ, Phổ Minh, Đức Phổ, Quảng Ngãi về những khuất tất trong việc thu hồi đất.

Theo đơn, con trai của ông Toàn là Huỳnh Minh Cường đi bộ đội từ năm 1992 và xuất ngũ năm 1994, sau đó được giao đất làm nhà ở theo quyết định 346. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình ông Huỳnh Minh Cường chưa có điều kiện xây dựng nhà. Không rõ vì lý do gì, ngày 15/8/2008, UBND huyện Đức Phổ ký quyết định thu hồi lại lô đất nói trên của anh Huỳnh Minh Cường.

Cùng đó, anh Huỳnh Minh Cường phát hiện lô đất trên đã được giao cho vợ chồng ông Lê Văn Cường và bà Đỗ Thị Trường, họ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ ngày 8/11/2006.

Tìm hiểu sự việc, anh Huỳnh Minh Cường phát hiện tồn tại đơn xin trả lại quyết định cấp đất ngày 3/10/2006 đứng tên Huỳnh Minh Cường nhưng chữ ký là chữ ký giả. Gia đình ông Huỳnh Minh Toàn, Huỳnh Minh Cường còn phát hiện một số điểm bất hợp lý như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho vợ chồng ông Lê Văn Cường và bà Đỗ Thị Trường cấp ngày 8/11/2006 nhưng mãi đến 2 năm sau ngày 15/8/2008 UBND huyện Đức Phổ mới có quyết định thu hồi quyết định cấp đất cho anh Huỳnh Minh Cường.

Gia đình ông Huỳnh Minh Toàn, Huỳnh Minh Cường đã nhiều lần làm đơn khiếu nại, phản ánh sự việc trong các đợt tiếp xúc cử tri cấp tỉnh, huyện nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Báo Dân trí trân trọng chuyển đơn kêu cứu của ông Huỳnh Minh Toàn đến UBND huyện Đức Phổ, UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét, giải quyết, trả lời công dân theo quy định pháp luật.

Đơn kêu cứu của bà Bùi Thị Mai Thủy thường trú xã Hưng Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương về chính sách bồi thường giải tỏa.

Theo đơn của bà Thủy, gia đình bà có một căn nhà ở chợ cũ xã Hưng Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Gia đình bà Thủy mua căn nhà này trước khi chợ cũ được thành lập năm 1989. Nguồn gốc căn nhà là do Ngân hàng Nông nghiệp huyện Bến Cát phát mãi với giá 4.050.000 đồng, tương đương 5-7 ha cao su.

Năm 2004, chính quyền địa phương nâng cấp chợ, các hộ gia đình xung quanh chợ cũ được gọi lên để thương lượng giải tỏa, di dời.  Chính quyền địa phương chỉ hỗ trợ di dời cho gia đình bà Thủy với số tiền 5.000.000 đồng/100m2 thổ cư, chứ không đền bù.

Suốt 10 năm sau đó, gia đình bà Thủy đi khiếu nại khắp nơi, hồ sơ gửi lên UBND tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh lại chuyển xuống huyện, sự việc cứ nhùng nhằng đến nay chưa được giải quyết rốt ráo. Ngoài gia đình bà Thủy còn có khoảng 20 gia đình khác rơi vào tình cảnh tương tự.

Do tính chất phức tạp của vụ việc, chúng tôi sẽ cử phóng viên xác minh sự việc và sẽ thông tin kết quả trong thời gian đến.

Ngọc Huân (thực hiện)