Nhịp cầu bạn đọc số 10: Người dân mòn mỏi kêu cứu sau khi bị thu hồi đất tại TP Hải Phòng!

(Dân trí) - Báo Dân trí nhận được đơn thư của bạn đọc trên khắp mọi miền tổ quốc phản ánh những vấn đề như: nguy cơ mất nhà, đất lần thứ 2 của bạn đọc ở TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; quán karaoke ở quận Long Biên bị đình chỉ vì nguy cơ cháy nổ vẫn ngang nhiên hoạt động; huyện Phú Quốc từ chối cấp bìa đỏ cho người dân; 6 hộ dân ở Hải Phòng kêu cứu vì không được đền bù đất thu hồi cho dự án...

Báo Dân trí nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Chúng, trú tại tổ 6, khu vực 7, phường Nhơn Phú, Tp.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định phản ánh việc UBND TP.Quy Nhơn ra thông báo thu hồi đất không đúng tên chủ sử dụng đất

Đơn có nội dung: “Vợ chồng tôi trước đây có ngôi nhà xây trên diện tích đất thổ mộ tại khu vực 8, phường Nhơn Phú, Quy Nhơn. Năm 1997 xí nghiệp may thêu xuất khẩu Bình Định cưỡng chế để xây dựng xí nghiệp nhưng không cấp đất tái định cư cho gia đình tôi như các hộ dân khác, rồi sau đó để người khác lấn chiếm cất nhà trên nền nhà đất của tôi bị cưỡng chế, làm cho gia đình tôi điêu đứng không có chỗ ở thời gian dài và phải về ở nhờ nhà bố mẹ đẻ (sau đó bố mẹ tôi viết giấy cho đất cất nhà và ký tên).

Tôi cất nhà ở từ đó đến nay và đã nộp thuế nhà đất đầy đủ. Ngày 3/5/2018 UBND TP.Quy NHơn ban hành thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng cấp bách kè sạt lở và cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước lũ chống ngập úng hạ lưu sông Hà Thanh và TP.Quy Nhơn của các hộ dân. Thông báo trên không gửi cho tôi mà lại gửi cho cha tôi (người đã mất và đã sang tên nhà đất cho tôi) không hiểu vì mục đích gì?

Nhà đất 18 năm của tôi tại tổ 4, khu vực 8, phường Nhơn Phú bị người khác cướp trắng, báo Dân trí 2 lần phản ánh, tỉnh Bình Định yêu cầu nhiều lần nhưng UBND TP.Quy Nhơn không giải quyết cho gia đình tôi, nay lại ban hành thông báo trên đẩy gia đình tôi đến nguy cơ mất nhà đất 1 lần nữa”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến UBND tỉnh Bình Định, Sở Tài nguyên môi trường tỉnh, UBND TP.Quy Nhơn xem xét và giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của ông Lương Đình Chiểu, trú tại phường Long Biên, Quận Long Biên, TP.Hà Nội phản ánh việc các cơ quan chức năng của phường chưa sát sao trong việc quản lý hoạt động Karaoke trái phép tại địa bàn quận.

Nội dung đơn như sau: “Nhà số 28 phố Đàm Quang Trung kinh doanh Karaoke từ năm 2012 nhưng không đủ điều kiện phòng chống cháy nổ nên đã bị đình chỉ hoạt động từ năm 2018. Tuy nhiên mấy tháng qua chủ quán này vẫn công khai và ngang nhiên hoạt động từ 19-24h hàng ngày.

Tôi đã gửi nhiều đơn đến các cơ quan chức năng của quận và thành phố nhưng không được giải quyết triệt để, các cơ quan này chỉ tiến hành kiểm tra đối với cơ sở trên vào 16h và kết luận là cơ sở không hoạt động kinh doanh – nhưng quán karaoke chỉ hoạt động về đêm mà ban ngành đi kiểm tra vào buổi chiều thì làm sao bắt được?

Việc quán hát hoạt động gây mất an ninh trật tự, hệ thống loa làm ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của các hộ gia đình xung quanh và nguy cơ cháy nổ luôn hiện hữu khiến chúng tôi rất hoang mang”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến Sở Văn hóa thể thao và du lịch HN, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, UBND quận Long Biên, Công an quận Long Biên xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Nguyễn Thị Hiền, trú tại địa chỉ 385 ấp Cản Đất, xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang phản ánh việc chính quyền tỉnh không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình bà là không đúng với quy định của pháp luật.

Đơn có nội dung như sau: “Năm 2006 tôi mua của ông Nguyễn Văn Dũng 422.902,15m2 đất tại Mũi ông Đội, khu phố 6, thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc với giá 31 tỷ đồng. Khi mua có giấy viết tay, lăn tay chỉ điểm của ông Dũng có xác nhận của chính quyền địa phương, sau đó trên đường đi tôi bị cướp giật và mất hết các giấy tờ trong đó có giấy tờ mua bán mảnh đất trên (tôi có trình báo công an nhưng không tìm được giấy tờ).

Ngày 24/6/2016 tôi gặp ông Dũng và hai bên đã đồng ý làm lại văn bản mua đất, có lăn tay và xác nhận của công an xã Mỹ Thuận. Tại sơ đồ địa chính phòng TNMT huyện Phú Quốc thì diện tích đất trên đứng tên tôi, UBND thị trấn An Thới cũng ban hành tờ trình số 05 gửi UBND huyện Phú Quốc cấp bìa đỏ cho tôi nhưng đến nay tôi vẫn chưa được cấp và UBND huyện cho rằng việc xin cấp bìa đỏ của tôi không đủ điều kiện.

Gia đình tôi là gia đình liệt sĩ có công với cách mạng, việc mua bán đất phải gom góp tiền của cả dòng họ, là sự vất vả cố gắng tuy nhiên việc chính quyền huyện không cấp bìa đỏ cho tôi là không đúng với quy định của pháp luật”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến UBND tỉnh Kiên Giang, Sở TNMT tỉnh Kiên Giang, UBND huyện Phú Quốc xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của ông Giáp Văn Tải, trú quán tại thôn Kép 2B, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang kiến nghị việc UBND xã không giải quyết việc cấp đất chế độ cho ông.

Nội dung đơn như sau: “Năm 1987 UBND huyện Lục Ngạn cùng xã Hồng Giang tổ chức lễ hội, tôi được giao nhiệm vụ chấp kích đốt pháo lệnh nhưng chẳng may xảy ra tai nạn cụt mất bàn tay trái.

UBND xã sau đó đã cấp cho tôi 1 suất đất quán trên nền cổng phụ đi vào chợ Kép với chiều rộng 4,50m, dài 20m. Sau đó tôi đã trình tường làm nhà nhưng bị mưa bão làm đổ, do hoàn cảnh quá khó khăn, vợ chết, các con còn nhỏ tôi phải đi làm thuê kiếm sống để nuôi con. Đến năm 1989 trở về thì xã đã giao mảnh đất cho người khác làm nhà.

Gần 20 năm qua tôi nhiều lần đề nghị UBND huyện và xã Hồng Giang xem xét cấp trả lại cho tôi mảnh đất đó nhưng chưa được giải quyết. Hiện nay tôi tuổi cao sức yếu, lại mất 1 bàn tay không có chế độ gì nên cuộc sống rất khó khăn”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND huyện Lục Ngạn, UBND xã Hồng Giang xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc.

Báo Dân trí nhận được đơn của bạn đọc Đỗ Xuân Trúc, trú tại số 36 Thiên Lôi, Nghĩa Xá, Lê Chân, Hải Phòng, đại diện cho 6 hộ dân thuộc lô 10 phường Đằng Hải, Quận Hải An-Hải Phòng, phản ánh nỗi thống khổ của 6 hộ dân khi không được đền bù đất thu hồi cho dự án Khu đô thị mới Ngã 5 sân bay Cát Bi.

Nội dung đơn như sau: “năm 1995 chúng tôi mua đất để làm nhà ở của BQL Đình Lũng BẮc, việc mua bán được UBND xã Hải Đằng chấp thuận và đã trích đo, cắm mốc giới cho chúng tôi làm nhà ở. Chúng tôi đã nộp lệ phí trước bạ và hàng năm đóng thuế sử dụng đất và dựng nhà ở ổn định từ năm 2000.

Đến năm 2006 quận Hải An (trước là huyện An Hải) thông báo là đất của chúng tôi nằm trong quy hoạch Dự án Khu đô thị mới Ngã 5-Sân bay Cát Bi và đề nghị các hộ dân giải phóng mặt bằng.

Là những Đảng viên gương mẫu nên chúng tôi tự nguyện tháo dỡ di dời và suy nghĩ hành động đó sẽ được lãnh đạo sở tại xem xét giải quyết nguyện vọng chính đáng là sớm bố trí đất tái định cư và đền bù thỏa đáng để sớm ổn định cuộc sống.

Đến nay đã 12 năm chúng tôi đi tìm công lý nhưng đều bước vào ngõ cụt. Báo cáo số 39 ngày 29/4/2009 của Liên Sở TC, TNMT và quận Hải an đã thừa nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho chúng tôi là không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật – nhưng không phải do lỗi của các hộ dân. ĐÃ xác định lỗi không phải do dân mà do cơ quan nhà nước gây ra – tại sao không sửa chữa mà để chúng tôi chịu khổ, oan ức suốt 12 năm trời mà chưa nhận được một đồng tiền đền bù nào”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến UBND TP.Hải Phòng, Sở Tài nguyên môi trường TP, UBND quận Hải An sớm xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Ngọc Hân