Nhịp cầu bạn đọc số 7: Quận Long Biên xây trạm trung chuyển rác cạnh trường tiểu học, người dân phản đối!

(Dân trí) - Báo Dân trí nhận được đơn thư khiếu nại của các hộ dân ở quận Long Biên phản đối việc xây trạm trung chuyển rác sát trường học và khu dân cư; 5 hộ dân tại thành phố Hải Dương kêu cứu vì 8 năm không được sở TNMT cho nộp hồ sơ làm bìa đỏ; người dân huyện Gia Viễn, Ninh Bình khiếu nại vì không nhận được tiền đền bù đất dự án...

Báo Dân trí nhận được đơn của hơn 100 hộ dân trú tại tổ dân phố số 11, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP.Hà Nội kiến nghị việc thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng trạm ép trung chuyển rác trên địa bàn các phường Đức Giang, Thượng Thanh, Thạch Bàn.

Đơn có nội dung: “ngày 29.3.2018, trên bảng tin của tổ dân phố số 11, phường Thượng Thanh có dán thông báo của UBND quận Long Biên về việc thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng trạm ép trung chuyển rác trên địa bàn các phường Đức Giang, Thượng Thanh, Thạch Bàn.

Thông báo trên của UBND quận Long Biên đã khiến dân cư phường Thượng Thanh phản ứng gay gắt và gây dư luận không tốt về năng lực quản lý điều hành của UBND quận Long Biên do địa điểm thực hiện dự án sát trường Tiểu học Thượng Thanh và trong khu vực đông dân cư sống.

Chúng tôi thấy việc tổ chức thực hiện dự án có một số vấn đề như sau:

Về quy trình: UBND quận chưa thực hiện quy trình khảo sát, đánh giá tác động của dự án, tham khảo, lấy ý kiến của nhân dân và ý kiến của UBND phường Thượng Thanh, và trước khi thực hiện Dự án phải ban hành quyết định thu hồi đất thực hiện dự án theo thẩm quyền, thông báo cho các tổ chức cá nhân có liên quan biết và tổ chức thực hiện;

Về thể thức văn bản: Thông báo của UBND quận Long Biên không có số Thông báo là sai quy định theo Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19/01/2011 của Bộ Nội vụ. Việc này dễ khiến người dân hiểu sai đây là văn bản mang tính cá nhân của người ký (Phó Chủ tịch Quận – ông Đỗ Huy Chiến) chứ không phải là văn bản của UBND quận Long Biên.

Mặt khác, ngày ký thông báo là ngày 29/12/2017, tuy nhiên đến tận ngày 29/3/2018 mới thực hiện niêm yết thông báo. Việc chậm thông báo đến nhân dân và các tổ chức có liên quan như trên của quận Long Biên là thiếu minh bạch, hạn chế sự tham gia của nhân dân, gây hiểu nhầm trong nhân dân là giải quyết theo hướng sự việc đã rồi, trái với chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Về việc lựa chọn điểm thực hiện dự án, theo như Thông báo thì dự án được bố trí ngay sát trường Tiểu học Thượng Thanh, cạnh nhà giáo dục thể chất và bếp ăn của trường; trong khu vực đông dân cư sinh sống và có nhiều trường học (Trung học cơ sở Thượng Thanh. PTTH Lý Thường Kiệt và Mầm non Thượng Thanh – đều là các trường đạt chuẩn quốc gia).

Theo quy định tại Khoản 13, Điều 6, Luật Trẻ em về các hành vi bị cấm thì việc lựa chọn địa điểm xây dựng trạm ép trung chuyển rác tại ngay sát trường Tiểu học Thượng Thanh là vi phạm Luật trẻ em, thể hiện sự vô cảm của một số người làm cán bộ của UBND quận Long Biên.

Trên địa bàn quận Long Biên, việc thực hiện dự án tại các phường Thạch Bàn, Gia Quất, Việt Hưng cũng vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân do thực hiện sát trường học và khu vực tập trung nhiều dân cư sinh sống, dẫn đến việc thực hiện dự án bị chậm, có dự án phải dừng dẫn đến máy móc mua sắm rồi không sử dụng, bị hỏng gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Qua các vấn đề đã nêu trên, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết đảm bảo quyền học tập của trẻ em, đảm bảo môi trường an toàn, thân thiện với trẻ em”.

Báo Dân trí kính chuyển nội dung đơn của tập thể bạn đọc đến UBND thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên môi trường thành phố, UBND quận Long Biên, UBND phường Thượng Thanh xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của ông Lưu Phi Long (SN 1955), thương binh hạng 4/4 đang nuôi mẹ liệt sỹ 80 tuổi, địa chỉ liên lạc tại số nhà 9/131, khu phố Bình Đức 3, phường Bình Hòa, Thị xã Thuận An, Bình Dương.

Đơn thư cho biết: “Vụ án gia đình tôi đã kéo dài 11 năm nay. Ngày 18.09.2012 có quyết định Giám đốc thẩm. TAND tối cao huỷ toàn bộ 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Dương. Sau đó xét xử lại theo bản án sơ thẩm ngày 10.10.2016 của TAND thị xã Thuận An và bản án phúc thẩm TAND tỉnh Bình Dương ngày 11.12.2017 nhưng vẫn thiếu khách quan, cố tình vi phạm pháp luật trong quá trình thụ lý và xét xử gây hậu quả nghiêm trọng cho gia đình chúng tôi mất 3 mảnh đất hợp pháp cho Nguyễn Hữu Hùng là cháu gọi tôi là cậu ruột, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tôi đã nhiều lần đề nghị Toà truy cứu làm rõ các câu hỏi sau nhưng vẫn không được xem xét và bỏ qua.

Thứ nhất: Nguyễn Hữu Hùng gửi tiền về cho ông Lưu Phi Long nhờ giữ hộ hay nhờ mua đất?

Thứ hai: Vụ cưỡng chế thi hành án ngày 25/8/2009 để thu hồi nhà ở và đất đai của ông Lưu Phi Long, đẩy gia đình ông Long trong đó có mẹ liệt sĩ 80 tuổi ra đường, phải sống trong cảnh màn trời, chiếu đất và cũng từ vụ cưỡng chế làm cho gia đình ông Long lâm vào cảnh tán gia bại sản, suy sụp về tư tưởng và tinh thần. 11 năm nay đi ở phòng trọ, đi kêu cứu oan sai gây bức xúc trong dư luận xã hội, vậy ai là người chịu trách nhiệm?

Thứ ba: Cần làm rõ hành vi cố tình ép ông Lưu Phi Long ký “Giấy sang nhượng đất” cho Hùng trong bối cảnh ông Long cần nhập Hộ khẩu để cho 2 con vào học trường công lập, nếu không có Hộ khẩu thường trú các con ông phải chuyển sang trường dân lập. Vì tương lai học hành của các con, ông Long phải “cắn răng” ký vào “giấy sang nhượng đất” do Hùng và Cường đặt điều kiện nếu ông Long ký vào “Giấy sang nhượng đất” thì Hùng sẽ rút đơn kiện ông Long ra chính quyền để ông Long nhập hộ khẩu (Nội dung có trong bản ghi âm ngày 16/2/2008).

Thứ tư: Cần làm rõ những hàng vi làm giả các văn bản giấy tờ đất của Nguyễn Hữu Hùng và Nguyễn Hữu Cường?”.

Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn thư của ông Lưu Phi Long đến VKSND Tối cao, TAND Tối cao, VKSND tỉnh Bình Dương, TAND tỉnh Bình Dương xem xét giải quyết, hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của 05 hộ dân gồm các ông,bà: Nguyễn Đức Thuận, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Văn Hồng, Lê Thị Kim Oanh, Nguyễn Thanh Tảo thường trú tại tỉnh Hải Dương, khiếu nại việc Phòng Tài nguyên môi trường TP.Hải Dương từ chối nhận hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ của 5 hộ dân trên.

Nội dung đơn như sau: “Năm 2010 chúng tôi nhận chuyển nhượng QSDĐ thuộc lô đất số 2.08 của Công ty CP Tập đoàn Nam Cường (tại TP.Hải Dương). Việc này hoàn toàn hợp pháp vì đất có đầy đủ quyền chuyển nhượng theo quy định của pháp luật và thủ tục được phòng công chứng số 1 tỉnh Hải Dương công chứng. Sau đó chúng tôi đã nộp tiền cho công ty Nam Cường đầy đủ và hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Sau hơn 2 năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ đến phòng TNMT TP.Hải Dương (do Công ty Nam Cường nộp) nhưng hồ sơ của chúng tôi không được xem xét giải quyết, cũng không được trả lời lý do vì sao không được xem xét giải quyết.

Sau khi Công ty Nam Cường rút hồ sơ để chúng tôi tự nộp, thì cán bộ phòng TNMT thành phố Hải Dương đã từ chối không nhận mà không cho chúng tôi biết lý do.

Tháng 11/2012 chúng tôi đã có đơn đề nghị đến Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị xem xét, đến ngày 14/12/2012 UBND tỉnh chuyển đơn của chúng tôi đến Chủ tịch UBND TP.Hải Dương, Sở TNMT – Sở Xây dựng để kiểm tra, xem xét tham mưu cho UBND tỉnh trước ngày 31/01/2013.

Ngày 24/12/2012, Phó Chánh văn phòng UBND thành phố cho biết đã có phiếu chuyển đơn yêu cầu trưởng phòng TNMT TP chủ trì phối hợp với Công ty Nam Cường xem xét kiểm tra giải quyết. Nhưng phía Công ty Nam Cường cho biết: Trong quá trình làm việc với lãnh đạo phòng TNMT (ông Dương) thì ông Dương cho biết đó là Thông báo của văn phòng UBND TP Hải Dương cho cấc hộ dân chứ không thấy lãnh đạo TP chỉ đạo phòng TNMT.

Từ khi nhận chuyển nhượng QSDĐ đến nay đã 8 năm nhưng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của chúng tôi không được đảm bảo, gây thiệt hại cho chúng tôi về vật chất và tinh thần rất nhiều. Không hiểu lý do tại sao các cơ quan chức năng lại né tránh việc giải quyết quyền lợi hợp pháp của chúng tôi”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn của bạn đọc đến thanh tra Bộ Tài nguyên môi trường, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương, Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Hải Dương, UBND thành phố Hải Dương, xem xét, giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Thông, thôn trưởng thôn An Thái, xã Gia Trung và ông Nguyễn Minh Châu, thôn trưởng thôn Hoàng Long, xã Gia Trung, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đại diện cho các hộ dân trong 2 thôn kiến nghị việc nhân dân ở 2 thôn chưa được nhận bồi thường đất màu đồi xâm canh nhằm phục vụ cho việc mở rộng khu du lịch Tâm linh chùa Bái Đính.

Nội dung đơn cho biết, “HTX Hoàng Long thuộc xã Gia Trung có 4 thôn với tổng diện tích đất màu đồi xâm canh là 18,95ha, năm 2010 có quyết định thu hồi nhằm phục vụ cho việc mở rộng khu du lịch tâm linh, đến nay đã có 2/4 thôn trong HTX đã nhận được tiền bồi thường, còn 2 thôn chúng tôi vẫn trắng tay.

Nguồn gốc đất của chúng tôi đã có từ nhiều chục năm, chúng tôi còn lưu giữ những văn bản, bản đồ, những chứng cứ không thể phủ nhận. Thật vô lý và bất công khi hcir 2/4 thôn được bồi thường.

Hơn 7 năm đấu tranh đòi lại công bằng, chúng tôi đã nhận được những lời giải thích, lời hứa nhưng không làm nguội đi những bức xúc bất bình trước thái độ ngụy tạo trắng trợn thô thiển của những người có trách nhiệm.

Chúng tôi đề nghị huyện tổ chức đối thoại trước dân, kể cả những thôn đã và chưa được nhận bồi thường để huyện nghe dân hỏi, nói cho dân hiểu tạo sự đồng thuận; đề nghị cho thanh kiểm tra, giám định các tài liệu có đúng với bản gốc, với thực tế hay do ngụy tạo, giữ nghiêm kỷ cương phép nước, tạo sự công bằng trong nhân dân”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND tỉnh Ninh Bình, Sở TNMT tỉnh Ninh Bình, UBND huyện Gia Viễn xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bà Hoàng Thị Nhu, trú tại số 05 ngõ 442 đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, đại diện cho các hộ dân ngõ 442 đường Phạm Văn Đồng.

Đơn có nội dung như sau: “Đoạn đường ngõ 442 từ đường Phạm Văn Đồng đến cổng Liên đoàn địa chất từ trước tháng 6/2016 phía bên trái đường có vỉa hè rộng 3,5m được trồng hàng cau vua 10 cây, vừa là đường đi bộ, vừa là nơi để nhân dân tập thể dục, sinh hoạt cộng đồng. Tháng 6/2016 dự án cống thoát nước mương hóa Cổ nhuế thi công đã lập biên bản thỏa thuận với dân (để có mặt bằng ép cừ, đào đất, nhà thầu đã phải cắm tôn, dỡ vỉa hè, cam kết sau thi công sẽ hoàn trả lại như ban đầu). Nhưng đến nay cống thoát nước đã thi công xong nhưng BQL dự án không thi công hoàn trả lại mặt bằng vỉa hè như cũ.

Nhân dân ngõ 442 khẩn thiết đề nghị các cấp chính quyền quan tâm giải quyết, can thiệp với chủ dự án và nhà thầu thi công, hoàn trả lại mặt bằng vỉa hè như hiện trạng ban đầu – như đã ký kết với người dân”.

Báo Dân trí chuyển nội dung đơn bạn đọc đến UBND quận Bắc Từ Liêm xem xét giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Hồng Điệp (SN 1976), trú tại số 1, Ngõ 146 đường An Dương Vương, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội.

Nội dung đơn cho biết: “Gia đình chúng tôi có mảnh đất 351m2 tại số 1, tổ 1, cụm 1 phường Phú Thượng - Tây Hồ - Hà Nội . Mảnh đất được gia đình tôi khai hoang phục hóa từ những năm 1990 khi đó là đầm nước rất sâu, chúng tôi đã san lấp một phần để chăn nuôi, và làm nhà “tạm” sinh sống. Phần còn lại chúng tôi trồng cấy lúa, rồi trồng hoa cây cảnh, cây lâu năm, chăn nuôi gia súc gia cầm. Mấy chục năm qua chúng tôi vẫn sinh sống làm ăn ổn định trên mảnh đất này.

Từ năm 1992, trồng lúa không đem lại hiệu quả kinh tế cao và công tác thủy nông cấp nước của hợp tác xã Phú Thượng không thể cấp nước vào khu đầm này để trồng cấy lúa. Lúc này chúng tôi phải đi chở đất bãi đổ vào để tôn cao nền thành đất trồng hoa, cây cảnh, cây lâu năm và chúng tôi ăn ở trên đất để chăn nuôi gia súc, gia cầm …tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Năm 1994 tôi xây dựng gia đình với anh Phạm Chí Thành (quê ở xa). Vợ chồng tôi cùng làm nông nghiệp không có nghề phụ. Chúng tôi được bố mẹ giao cho mảnh đất kể trên để sinh sống. Con trai đầu của tôi, rồi con gái tôi đã sinh ra trên mảnh đất này, được khai sinh, nhập tịch tại đây có cơ quan công an hộ khẩu hộ tịch đến xác minh địa chỉ.

Năm 1997, tôi được UBND phường Phú Thượng cho đóng thuế nhà, đất (có biên lai thu thuế đất ở của các năm kèm theo) và được UBND quận Tây Hồ cấp cho chúng tôi hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh cho các con tôi tại địa chỉ của mảnh đất này. Mọi giao dịch của phường quận với gia đình tôi đều trên mảnh đất này.

Năm 2003, UBND quận Tây Hồ có quyết định thu hồi mảnh đất kể trên của chúng tôi với lý do là thu hồi đất lấn chiếm, đất mặt nước và chúng tôi là người định cư trái phép trên mảnh đất.

Cũng do gia đình chúng tôi không hiểu biết về luật pháp các quy định, quy trình khiếu nại nên khi gia đình chúng tôi làm đơn khiếu lại lên thanh tra quận Tây Hồ, thanh tra thành phố Hà Nội thì nhận được câu trả lời là gia đình chúng tôi đã hết thời hạn khiếu nại và không chấp nhận đơn từ của chúng tôi.

Gia đình chúng tôi cũng đã làm đơn khiếu kiện đến các nghành, các cấp, đến các cơ quan có chức năng nhưng đều không nhận được câu trả lời hoặc nhận được câu trả lời không thỏa đáng”.

Báo Dân trí trân trọng chuyển nội dung đơn thư của bạn đọc đến UBND TP Hà Nội, Sở TN&MT TP Hà Nội, UBND quận Tây Hồ xem xét, giải quyết và hồi âm bạn đọc theo quy định pháp luật.

Ngọc Hân