Bài 4:

Nguy cơ xảy ra thảm hoạ trên cây cầu “độc nhất vô nhị” tại Bắc Giang: "Hoá giải" ra sao?

(Dân trí) - “UBND tỉnh Bắc Giang đã báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính sớm bố trí kinh phí xây dựng cầu đường bộ mới tách khỏi cầu đường sắt với cây cầu Cẩm Lý. Cử tri và nhân dân tỉnh Bắc Giang rất mong mỏi công trình sẽ được triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất”, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn bày tỏ.

Từ lúc đưa vào sử dụng đến nay đã gần 50 năm, cầu Cẩm Lý còn được mệnh là cây cầu đau khổ bởi hàng ngày phải oằn mình, gánh chịu hàng nghìn lượt xe trọng tải lớn cầy xéo trên tuyến Quốc lộ 37. Hiểm họa luôn chực chờ nhưng việc duy tu, sửa chữa cây cầu lại được thực hiện theo kiểu “giật gấu, vá vai”. 

Tai hoạ khôn lường trực chờ trên cây cầu “độc nhất vô nhị” tại tỉnh Bắc Giang

Sau thời điểm xảy ra vụ tai nạn thảm khốc tại cầu Ghềnh, tỉnh Đồng Nai năm 2011, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ, bộ GTVT xin phép lập dự án đầu tư xây dựng 9 cầu mới để xóa bỏ tình trạng đi chung giữa đường sắt và đường bộ. Gần 10 năm thấm thoát trôi qua, lần lượt các cây cầu đều được đầu tư xây dựng nhưng chỉ còn duy nhất cầu Cẩm Lý tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang vẫn phải oằn mình, chịu đựng hàng nghìn lượt xe hạng nặng đi qua và chờ đợi… kinh phí để được đầu tư xây dựng.  

Để tìm phương án “hoá giải” nguy cơ xảy ra thảm hoạ giao thông trên cây cầu Cẩm Lý, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Lại Thanh Sơn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang.

Nguy cơ xảy ra thảm hoạ trên cây cầu “độc nhất vô nhị” tại Bắc Giang: Hoá giải ra sao? - 1

Ông Lại Thanh Sơn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang bày tỏ mong muốn Chính phủ, các Bộ ngành giúp cử tri tỉnh Bắc Giang sớm hoá giải nguy cơ tai nạn và những bất cập tại cây cầu Cẩm Lý.

PV:  Là 1 trong 3 cây cầu còn lại trên cả nước có đường bộ và đường sắt đi chung với nhau, tuy nhiên từ lúc đưa vào sử dụng đến nay đã gần 50 năm nhưng cầu Cẩm Lý chưa từng được kiểm định lần nào, trong khi đó hàng ngày phải oằn mình, gánh chịu hàng nghìn lượt xe trọng tải lớn đi qua, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Với vai trò ở địa phương trực tiếp quản lý, sử dụng cây cầu, UBND tỉnh Bắc Giang đánh giá hiện trạng thực tế của cây cầu Cẩm Lý này ra sao?

Ông Lại Thanh Sơn: Cầu Cẩm Lý nằm trên địa bàn xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, là cây cầu dùng chung cho tuyến đường bộ Quốc lộ 37 và đường sắt Quốc gia Kép - Hạ Long. Đây là 1 trong 3 cây cầu chung còn lại trên cả nước và là cây cầu chung duy nhất ở miền Bắc.

Cầu Cẩm lý được xây dựng từ năm 1979, với chiều dài 272,4m gồm 4 nhịp dàn thép, tải trọng thiết kế H13-X60 đối với đường bộ và T22 đối với đường sắt khổ đường 1435mm; mặt cắt ngang cầu gồm 01 làn xe cơ giới dùng chung với đường sắt và 02 làn cho phương tiện thô sơ hai bên, mỗi bên rộng 1,2m; mặt cầu cấu tạo bằng các tấm đan BTCT lắp ghép. Công trình hiện do ngành đường sắt, trực tiếp là Công ty cổ phần Đường sắt Hà Lạng quản lý và thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng.

Do cầu có quy mô nhỏ hẹp với chỉ 01 làn xe cơ giới nên các phương tiện ô tô khi qua cầu chỉ có thể lưu thông theo một chiều, chiều còn lại phải dừng chờ, đồng thời hằng ngày có 02 tuyến tàu khách chạy qua nên thường xuyên xảy tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực hai bên đầu cầu. Mặt khác, do đã được xây dựng từ lâu, lượng phương tiện lớn (trung bình khoảng 4.500 xe ô tô/ngày đêm), với nhiều xe tải trọng nặng nên các tấm đan BTCT mặt cầu thường xuyên hư hỏng, nền mặt đường hai đầu cầu bị lún vỡ, tà vẹt gỗ đường đầu cầu mục hỏng.

Với thực trạng như hiện nay, công trình cầu Cẩm Lý đang tạo ra nút thắt giao thông trên tuyến QL37, làm ảnh hưởng lớn đến lưu thông trên tuyến và gây nguy cơ mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông.

Nguy cơ xảy ra thảm hoạ trên cây cầu “độc nhất vô nhị” tại Bắc Giang: Hoá giải ra sao? - 2
Nguy cơ xảy ra thảm hoạ trên cây cầu “độc nhất vô nhị” tại Bắc Giang: Hoá giải ra sao? - 3

Cây cầu nửa thế kỷ đang oằn mình chịu đựng lượng tải trọng tàu, xe khổng lồ và có nguy cơ gây tai hoạ bất cứ lúc nào.

PV: Cầu Cẩm Lý là nút giao thông kết nối vùng kinh tế giữa thành phố cảng Hải Phòng, qua tỉnh Hải Dương, Bắc Giang để lên Lạng Sơn và Quảng Ninh sang biên giới với Trung Quốc, vậy tỉnh Bắc Giang đánh giá vai trò và tầm quan trọng của cây cầu này như thế nào?

Ông Lại Thanh Sơn: Tuyến Quốc lộ 37 đoạn từ QL18 (Sao Đỏ, Hải Dương) đến QL1 (Kép, Lạng Giang, Bắc Giang) là trục giao thông có vai trò hết sức quan trọng, kết nối khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương với tỉnh Bắc Giang để đi về Lạng Sơn và sang Trung Quốc.

Phương tiện đi theo hướng giao thông này sẽ rút ngắn đáng kể thời gian và tiết kiệm chi phí vận tải so với việc phải đi theo tuyến QL18 đến Bắc Ninh và QL1 (rút ngắn được khoảng 30km). Mặc dù có nhiều lợi thế và tiềm lực để phát triển nhưng tuyến đường hiện nay có quy mô nhỏ hẹp (mặt đường chỉ rộng khoảng 6m), nhiều đoạn nền mặt đường hư hỏng, xuống cấp do nhiều năm chưa được đầu tư cải tạo nâng cấp, ảnh hưởng lớn đến giao thông đi lại, vận tải trên tuyến.

Đặc biệt, lưu thông qua điểm nút thắt tại vị trí cầu chung Cẩm Lý hết sức khó khăn như đã đề cập bên trên. Việc sớm đầu tư cải tạo nâng cấp, mở rộng tuyến đường và xây dựng mới cầu đường bộ Cẩm Lý tách khỏi cầu đường sắt sẽ khắc phục được những bất cập hiện nay và mở ra được một hướng giao thông đáp ứng nhu cầu vận tải trong khu vực, nhất là vận tải hàng hoá xuất nhập khẩu sang Trung Quốc.

PV: Với vai trò như vậy và thực trạng tồn tại nhiều bất cập, thậm chí là ẩn hoạ tai nạn như hiện nay, UBND tỉnh Bắc Giang đã có kiến nghị gì tới Chính phủ, Bộ GTVT để nhanh chóng có phương án xử lý, khắc phục hay chưa? Những kiến nghị cụ thể của UBND tỉnh Bắc Giang là gì?

Ông Lại Thanh Sơn: Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng, cũng như việc cấp thiết phải xử lý, khắc phục những vấn đề tồn tại, bất cập về hạ tầng giao thông trên tuyến đường, từ năm 2013, UBND tỉnh Bắc Giang đã báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính sớm bố trí kinh phí xây dựng cầu đường bộ mới tách khỏi cầu đường sắt (tại Công văn số 1476/UBND-GT ngày 17/6/2013).

Tại Kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khoá XIII cử tri tỉnh Bắc Giang cũng đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm đầu tư cải tạo nâng cấp tuyến đường và xây dựng cầu đường bộ Cẩm Lý và được Bộ Giao thông vận tải trả lời tại Công văn số 1252/BGTVT-KHĐT ngày 29/01/2015. Tỉnh ủy Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 113-NQ/TU về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, trong đó xác định đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến QL37 đoạn Kép - Ngã tư Thân - cầu Cẩm Lý và xây dựng cầu đường bộ Cẩm Lý tách khỏi cầu đường sắt là một trong những nhiệm vụ trong tâm phải thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020.

Nguy cơ xảy ra thảm hoạ trên cây cầu “độc nhất vô nhị” tại Bắc Giang: Hoá giải ra sao? - 4
Nguy cơ xảy ra thảm hoạ trên cây cầu “độc nhất vô nhị” tại Bắc Giang: Hoá giải ra sao? - 5
Nguy cơ xảy ra thảm hoạ trên cây cầu “độc nhất vô nhị” tại Bắc Giang: Hoá giải ra sao? - 6

Các tấm biển cảnh báo dường như vô tác dụng với lượng xe container, xe trọng tải lớn.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ngày 18/7/2018, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng đã có ý kiến về vấn đề này. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên đến nay dự án chưa có kế hoạch triển khai thực hiện.

Để đảm bảo mục tiêu hoàn thành việc xây dựng cầu đường bộ tách khỏi cầu chung đường sắt trên phạm vi cả nước trong giai đoạn đến năm 2020 theo đúng Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ; đảm bảo giao thông, nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác của tuyến QL37 đoạn nối từ QL1 (Kép, Bắc Giang) đến QL18 (Sao Đỏ, Hải Dương), nhất là khắc phục những bất cập tại nút thắt cầu chung Cẩm Lý, cử tri và nhân dân tỉnh Bắc Giang rất mong mỏi công trình sẽ được triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất.

PV: Sở dĩ nhiều năm trôi qua hàng đoàn xe container, xe tải hạng nặng vẫn lưu thông qua cây cầu già nua này vì biển hạn chế tải trọng 9 tấn/1 trục được cắm ngay phía hai bên đầu cầu. Nghĩa là tất cả các phương tiện chở hàng hóa đi qua cầu không được phép chở quá trọng tải trên 9 tấn/1 trục và lực lượng chức năng căn cứ vào hệ thống biển báo này để xử lý các phương tiện về chở hàng quá tải, theo quy định của biển báo. Tuy nhiên, hiện cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, việc vẫn giữ quy định trọng tải như vậy dường như không còn phù hợp gây nguy cơ tai nạn, trong khi đó nhiều xe chở quá tải hơn cả quy định vẫn qua cầu, để giải quyết tạm thời tình trạng này, UBND tỉnh Bắc Giang sẽ có ý kiến, chỉ đạo như thế nào?

Ông Lại Thanh Sơn: Hiện nay, công trình cầu chung Cẩm lý thuộc quản lý của ngành đường sắt Việt Nam. Việc xác định khả năng chịu lực, khống chế tải trọng khai thác công trình do ngành đường sắt thực hiện theo quy định của pháp luật.

Về phía địa phương, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành đường sắt để kiểm soát phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình vận hành khai thác công trình.

Xin cảm ơn ông!

Theo tài liệu mà ông Đặng Sỹ Mạnh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nắm được thì từ lúc được xây dựng đến nay đã gần 50 năm, cầu Cẩm Lý chưa một lần được kiểm định. Cuối năm 2018 đơn vị này đã đưa cầu Cẩm Lý vào danh sách đề nghị Bộ GTVT bố trí nguồn vốn để kiểm định, tháng 5/2019 cũng đã làm công văn nhắc lại nhưng do nguồn kinh phí có hạn nên điệp khúc... chờ vẫn được nhắc đi nhắc lại.

Ông Chu Quang Anh, gác chắn tàu Cẩm Lý nhiều năm nay phân tích: “Cây cầu này bị dày xéo khá đau xót. Tàu thì đi trên thanh ray, mà thanh ray nằm trên dầm cầu. Nếu ô tô mà chở quá tải lại đi vào tấm đan ngoài rìa, không đi vào tim cầu thì ảnh hưởng trực tiếp đến tấm đan, ảnh hưởng đến độ rung lắc của cầu, dẫn đến tuổi thọ của cầu kém. Hàng chục năm nay bị thế rồi”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế - Ngọc Hân (thực hiện)