Bài 3:
Thông tin ngỡ ngàng về cây cầu luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra thảm hoạ tại Bắc Giang!
(Dân trí) - Là 1 trong 3 cây cầu còn lại trên cả nước có đường bộ và đường sắt đi chung với nhau, tuy nhiên từ lúc đưa vào sử dụng đến nay đã gần 50 năm nhưng cầu Cẩm Lý chưa từng được kiểm định lần nào, trong khi đó hàng ngày phải oằn mình, gánh chịu hàng nghìn lượt xe trọng tải lớn đi qua, tiềm ẩn những mối nguy hại khôn lường.
Ban hành cả một thông tư để phục vụ... một cây cầu
Sau thời điểm xảy ra vụ tai nạn thảm khốc tại cầu Ghềnh, tỉnh Đồng Nai năm 2011, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT xin phép lập dự án đầu tư xây dựng 9 cầu mới để xóa bỏ tình trạng đi chung giữa đường sắt và đường bộ. Hiện đã có 8 cây cầu được xây dựng và còn duy nhất cầu Cẩm Lý phải chờ đợi kinh phí để được đầu tư xây dựng, thậm chí phía Bộ GTVT đã phải xây dựng cả 1 thông tư quy định về cầu chung, giao thông trên khu vực cầu chung giữa đường sắt và đường bộ (Thông tư số 11/2018/TT-BGTVT ngày 28/3/2018).
Trong thời gian chờ đợi không biết đến bao giờ này, thì hàng ngày cây cầu “đau khổ” phải oằn mình gánh hơn 2.200 lượt xe mỗi ngày, trong đó có những lúc đoàn xe trọng tải lớn đi mười mấy chiếc, toàn xe tải hạng nặng, chở xi măng, chở vật liệu xây dựng đi qua khiến cả cây cầu lắc lư, ốc vít rung lắc… ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu của cầu và nguy cơ tai nạn khôn lường.
Đáng lo ngại hơn, theo tài liệu mà ông Đặng Sỹ Mạnh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nắm được thì từ lúc được xây dựng đến nay đã gần 50 năm, cầu Cẩm Lý chưa một lần được kiểm định. Cuối năm 2018 đơn vị này đã đưa cầu Cẩm Lý vào danh sách đề nghị Bộ GTVT bố trí nguồn vốn để kiểm định, tháng 5/2019 cũng đã làm công văn nhắc lại nhưng do nguồn kinh phí có hạn nên điệp khúc... chờ vẫn được nhắc đi nhắc lại.
Được xây dựng từ năm 1975 nhưng để phục vụ cho cả ngành đường sắt và đường bộ, với trên 2.200 lượt xe mỗi ngày, gồm cả những đoàn xe siêu trường siêu trọng khiến cả bề mặt lẫn kết cấu xuống cấp trầm trọng nhưng đến nay cây cầu Cẩm Lý vẫn chưa được kiểm định lần nào, tiềm ẩn những mối nguy hiểm khôn lường.
Năm 2014, Tổng công ty Đường sắt và Bộ GTVT cũng đã lập dự án xây mới cầu đường bộ song song với cầu Cẩm Lý, dự toán khoảng 350 tỷ đồng, nhưng do kinh phí có hạn nên dự án buộc phải dừng lại.
Giải pháp duy nhất và tối ưu nhất thì không biết đến bao giờ mới thực hiện được, do vậy nhằm đảm bảo an toàn cho tàu và phương tiện lưu thông, Công ty Đường sắt Hà Lạng, đơn vị quản lý cầu đường sắt Cẩm Lý đã liên tục phải sửa chữa, thay mới thanh nan, bảo dưỡng hệ thống thanh sắt và ốc vít nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, cầm chừng.
Mặt khác, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Giám đốc Công ty Đường sắt Hà Lạng cho biết: “Đây là tuyến đường sắt nhánh, được đầu tư rất ít. Công ty phải đầu tư gần như tất cả tiền của Nhà nước cho trên toàn bộ hệ cầu đường sắt vào cầu Cẩm Lý mà vẫn thiếu, nên phải lấy tiền của các tuyến khác như Hà Nội - Lạng Sơn đập vào để sửa chữa. Đành phải giật gấu vá vai, bởi vì không thể nào dừng ô tô, cũng chẳng thể dừng tàu được”.
Được biết, đến thời điểm hiện tại cả nước còn 3 cây cầu có đường bộ đi chung với đường sắt là Chung Lu (Lào Cai), Long Đại (Quảng Bình) và Cẩm Lý (Bắc Giang. Trong đó cầu Chung Lu và Long Đại đã có cầu đường bộ mới bên cạnh nên chỉ cần sửa chữa, gia cố và tổ chức lại giao thông hai đầu cầu để trở thành cầu đi riêng đường sắt; do đó còn lại duy nhất cầu Cẩm Lý- còn được mệnh danh là cây cầu đau khổ đang phải oằn mình, chịu đựng hàng nghìn lượt xe hạng nặng đi qua và chờ đợi… kinh phí để được đầu tư xây dựng.
Đừng để thảm hoạ đến mới rút kinh nghiệm!
Sở dĩ nhiều năm trôi qua hàng đoàn xe container, xe tải hạng nặng vẫn lưu thông qua cây cầu già nua này vì biển hạn chế tải trọng 9 tấn/1 trục được cắm ngay phía hai bên đầu cầu. Nghĩa là tất cả các phương tiện chở hàng hóa đi qua cầu không được phép chở quá trọng tải trên 9 tấn/1 trục và lực lượng chức năng căn cứ vào hệ thống biển báo này để xử lý các phương tiện về chở hàng quá tải, theo quy định của biển báo.
Các tấm biển cảnh báo dường như vô tác dụng với lượng xe container, xe trọng tải lớn.
Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Giám đốc Công ty Đường sắt Hà Lạng cũng tỏ ra lo lắng khi nhiều xe hạng nặng, xe chở xi măng đến 12 chân đi qua, cả cầu lắc lư nhưng vì không có chức năng kiểm tra, kiểm soát tải trọng nên không thể có ý kiến gì. Chỉ biết rằng nếu xe chở quá tải trọng cho phép thì chính là hành vi phá hoại và công ty Đường sắt Hà Lạng chỉ biết kiểm tra hỏng là sửa chữa, vận hành làm sao để không có vấn đề gì.
Quốc lộ 37 thuộc địa phận huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang có chiều dài 30km, mặt đường rất hẹp, chỉ khoảng 5m, đi qua nhiều khu dân cư. Xe tải, xe container còn bị coi là hung thần trên cung đường này vì hàng năm đều xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đây là dốc Núi Xẻ, lái xe bị khuất tầm nhìn của hướng đối diện nên chỉ một chút bất cẩn là xảy ra tai nạn ngay lập tức.
Nhận thấy những mối nguy luôn tiềm ẩn cho người dân, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang đã cắm biển cấm xe container đi qua ngã tư Thân - Lục Nam vào giờ cao điểm nhưng dường như không có tác dụng mà còn gây ra cảnh ùn tắc khi hàng đoàn xe container chờ qua giờ cấm để lưu thông, khiến người dân khổ sở.
Thực tế cho thấy rất nhiều vấn đề tồn tại xung quanh cây cầu Cẩm Lý đã được đưa vào sử dụng gần 50 năm nhưng chưa được các ngành quan tâm, tìm giải pháp tháo gỡ. Cơ quan nào dám đảm bảo chất lượng cầu Cẩm Lý có thể chịu được tải trọng khi không tổ chức đánh giá, kiểm định khả năng chịu tải của cây cầu có thiết kế cũ? Ai dám chắc chắn rằng cầu Cẩm Lý không bị rơi vào tình huống như cầu Tân Nghĩa, tỉnh Đồng Tháp vừa bị sập vì xe chở quá tải trọng gấp 3 lần tải trọng của cầu cho phép?
Chắc chắn chưa có ai trả lời được. Bởi, lâu rồi không có lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát tải trọng của xe container qua cầu Cẩm Lý. Mọi cảm nhận đủ tải hay quá tải chỉ bằng cảm quan, nhận định. Trong khi đó, người dân chỉ biết “kêu trời” để mong có được cây cầu đàng hoàng đường sắt và đường bộ tách riêng hoặc chí ít là trông chờ một biện pháp đảm bảo an toàn, tránh được những “hung thần” container ngày đêm quần xéo trên cây cầu “đau khổ”.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế - Ngọc Hân