Hoà Bình: Dân tố bị thu hồi đất mập mờ cho doanh nghiệp, chính quyền nói gì?

(Dân trí) - Trong khi người dân cho rằng trải qua nhiều năm sử dụng đã khai hoang, vỡ hóa đất đai để trồng lúa mà không có bất kỳ tranh chấp nào bỗng dưng bị thu hồi đất mập mờ chuyển cho doanh nghiệp, UBND huyện Lương Sơn (Hoà Bình) đã chính thức đưa ra nhiều thông tin về sự việc.

Báo Dân trí nhận được Đơn Kêu cứu của chị Quách Thị Thuỳ trú tại thôn Gò Mu cùng nhiều người dân tại xã Thanh Lương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình cho biết: “Từ trước năm 1970 đến 2000, xã Thanh Lương, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình (nay là xã Thanh Lương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) là một vùng đất còn hoang sơ, nhiều bãi sình lầy chưa có người sử dụng, canh tác. Người dân tại thôn Gò Mu đã khai hoang, vỡ hóa đất đai để trồng lúa. Trải qua nhiều năm sử dụng, nhân dân thôn Gò Mu đã cải tạo đất đai màu mỡ hơn, canh tác lâu dài mà không có bất kỳ tranh chấp nào.

Tuy nhiên, từ năm 2001 đến nay, phần lớn diện tích đất do nhân dân thôn Gò Mu khai hoang, vỡ hóa, sử dụng từ trước năm 1970 lại được UBND xã Thanh Lương, UBND huyện Kim Bôi (nay là huyện Lương Sơn), tỉnh Hòa Bình cho đấu thầu, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cá nhân, doanh nghiệp sử dụng làm nhà máy gạch.


PV Dân trí trao đổi với người dân xã Thanh Lương (Lương Sơn - Hoà Bình).

PV Dân trí trao đổi với người dân xã Thanh Lương (Lương Sơn - Hoà Bình).

Vào năm 2001, Ban quản lý thôn Gò Mu và UBND xã Thanh Lương giao đất cho UBND xã để cho Tổ hợp tác vôi đá Thanh Hùng (do ông Nguyễn Xuân Hùng làm chủ nhiệm) được thầu đất với diện tích là 2,6 ha để sản xuất gạch nhằm khai thác hiệu quả hơn tài nguyên đất, tạo công ăn việc làm cho nhiều người và phát triển kinh tế của địa phương. Khi lấy đất của chúng tôi, UBND xã Thanh Lương không hề có thông báo, quyết định gì, cũng không thực hiện bồi thường, hỗ trợ bất kỳ khoản tiền nào. Mọi người dân đều hiểu rằng hết thời hạn đấu thầu này thì thửa đất vẫn thuộc quyền sử dụng của mỗi người.

Từ năm 2005 đến năm 2010, Ban quản lý thôn Gò Mu và UBND xã Thanh Lương lại lấy thêm đất mà các hộ dân thôn Gò Mu đang canh tác để cho Tổ hợp tác vôi đá Thanh Hùng được thuê đất để làm tăm hương và trồng rau sạch. Đồng thời, cũng trong thời gian trên, Ban quản lý thôn Gò Mu đã đến vận động người dân ký đơn tự nguyện trả lại đất mà các hộ dân thôn Gò Mu đang canh tác để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho các cá nhân, tổ chức khác thuê đất để sản xuất, kinh doanh.

Trước sự vận động của Ban quản lý thôn Gò Mu và chính quyền nhân dân xã Thanh Lương cùng lời hứa hẹn là nếu ký đơn tự nguyện trả lại đất đã được soạn thảo sẵn nội dung thì sẽ được hỗ trợ tiền cho dân, còn nếu không ký đơn thì vẫn bị lấy đất mà không được nhận bất kỳ khoản tiền nào. Vì vậy, nhiều hộ dân trong thôn Gò Mu đã ký đơn tự nguyện trả lại diện tích đất đang canh tác cho chính quyền địa phương mà không hiểu vì sao phải ký. Tuy nhiên, có nhiều hộ dân không ký đơn tự nguyện trả lại đất, nhiều hộ dân trong xã không hề được cán bộ quản lý thôn cho ký đơn tự nguyện nhưng vẫn bị chính quyền địa phương lấy đất để giao cho các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gạch tuynel.

Để hợp thức hóa hồ sơ BQL thôn xã Thanh Lương đã hợp thức hóa hồ sơ, giả mạo chữ ký của các hộ dân để nhằm thu hồi đất. Sau đó, mặc dù diện tích đất của chúng tôi đang sử dụng bị thu hồi để cho các cá nhân, doanh nghiệp khác được thuê đất nhưng chúng tôi chưa bao giờ nhận được bất kỳ thông báo nào liên quan đến việc thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trái ngược với lời hứa hẹn được nhận tiền hỗ trợ về đất như ban đầu, sau khi ký đơn tự nguyện trả lại đất, người dân thôn Gò Mu chỉ nhận được một số tiền rất nhỏ từ Ban quản lý thôn Gò Mu so với số tiền được cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ. Số tiền còn lại do Ban quản lý thôn tự quản lý, sử dụng, chi tiêu như thế nào chúng tôi hoàn toàn không hay biết. Chỉ trong mấy năm gần đây, chúng tôi mới được biết Ban quản lý thôn đã tự lập danh sách các hộ dân nhận tiền hỗ trợ và tự ký giả chữ ký của người dân để hợp thức hóa những khoản tiền đã nhận được từ các cá nhân, doanh nghiệp này. Thậm chí, trong danh sách ký giả người nhận tiền hỗ trợ về đất xuất hiện rất nhiều tên của người dân mà thực tế không nhận được một khoản tiền nào.


Kha nhà máy gạch nơi người dân cho rằng bị thu hồi đất giao cho doanh nghiệp.

Kha nhà máy gạch nơi người dân cho rằng bị thu hồi đất giao cho doanh nghiệp.

Ngay chính Tổ hợp tác vôi đá Thanh Hùng được UBND xã Thanh Lương lấy đất của người dân thôn Gò Mu và cho thầu đất 13 năm làm gạch đã trái quy định pháp luật về quản lý đất đai. Sau khi được cấp GCNQSDĐ thì đến năm 2012 ông Cường và ông Mười đã chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng diện tích 3.000m2 này cho ông Nguyễn Anh Dũng để thực hiện dự án xây dựng cơ sở sản xuất gạch tuynel .

Như vậy, chúng tôi thật sự không rõ dựa vào căn cứ nào mà UBND huyện Kim Bôi lại có cơ sở cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Mười và ông Cường đối với diện tích đất tại thôn Gò Mu trong khi hai ông không phải là người dân của thôn.

Từ năm 2010 đến 2015 thì những thửa đất này lại được cấp Giấy chứng nhận cho các Công ty như Công ty Công ty cổ phần thương mại và sản xuất vật liệu Thanh Lương, Công ty TNHH thương mại và vận tải Mai Thái, Công ty TNHH Hạnh Đạt với mục đích sử dụng là sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm. Điều đáng nói là tại thời điểm hiện nay tồn tại song song 02 Giấy chứng nhận trên một thửa đất, cấp cho người dân và cấp cho doanh nghiệp”.

Liên quan đến những nội dung phản ánh và kêu cứu của người dân tại xã Thanh Lương (Lương Sơn - Hoà Bình), PV Dân trí đã có buổi làm việc với UBND huyện Lương Sơn.

Ông Nguyễn Vũ Chi - Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cùng nhiều cán bộ chuyên môn và lãnh đạo UBND xã Thanh Lương đã tra đổi với PV Dân trí nhiều nội dung liên quan đến sự việc.

Trước hết, ông Chi khẳng định việc UBND xã Thanh Lương thời điểm trước cho ông Nguyễn Xuân Hùng thuê đất 13 năm (từ năm 2002 đến năm 2014) là trái các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vào thời điểm này, xã Thanh Lương đang thuộc quản lý của UBND huyện Kim Bôi.

Về việc, trong hợp đồng thuê đất với UBND xã Thanh Lương từ năm 2002 đến năm 2014(13 năm), nhưng đến năm 2009 khi vẫn trong thời hạn thuê đất thì ông Nguyễn Xuân Hùng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H00419 ngày 07/8/2009 là có đúng với quy định của luật đất đai?


Chị Quách Thị Thuỳ cho rằng đã bị làm giả chữ ký.

Chị Quách Thị Thuỳ cho rằng đã bị làm giả chữ ký.

Hoà Bình: Dân tố bị thu hồi đất mập mờ cho doanh nghiệp, chính quyền nói gì? - 4

UBND huyện Lương Sơn cho biết Công an tỉnh Hoà Bình đang thụ lý việc sử dụng kinh phí không minh bạch 2,4 tỷ đồng tại địa phương.

UBND huyện Lương Sơn cho biết Công an tỉnh Hoà Bình đang thụ lý việc sử dụng kinh phí không minh bạch 2,4 tỷ đồng tại địa phương.

Ông Chi cho biết: Hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho ông Nguyễn Xuân Hùng, UBND huyện Kim Bôi không bàn giao cho UBND huyện Lương Sơn quản lý mà chúng tôi nắm được thông tin UBND huyện Kim Bôi ban hành quyết định số 1103 ngày 7/8/2009 về việc thu hồi 19.000m2 đất chưa sử dụng do UBND xã Thanh Lương quản lý tại thông Thanh Xuân để cho ông Hùng thuê sử dụng vào mục đích thuê xây dựng cơ sở dịch vụ sửa chữa máy nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Thời gian thuê 50 năm đã được UBND huyện Kim Bôi cấp GCNQSDĐ. Chúng tôi cũng không khẳng định việc cấp này đúng hay sai vì hồ sơ họ không bàn giao cho chúng tôi. Nếu họ bàn giao hồ sơ, chúng tôi đã thẩm định được đúng sai.

Nguồn gốc khu đất mà các đơn vị thực hiện xây nhà máy gạch theo hồ sơ là khu gò bãi do UBND xã Thanh Lương quản lý được UBND huyện Kim Bôi chấp thuận và cấp GCNQSDĐ.

Trong các báo cáo đều khẳng định đất tại thôn Gò Mu là xình lầy, hoang hóa nhưng khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Xuân Cường và ông Nguyễn Xuân Mười thì lại được cấp mục đích là trồng cấy lâu năm? Quản điểm của ông về sự việc này?

Ông Chi cho biết: Việc cấp này do UBND huyện Kim Bôi cấp và huyện Kim Bôi không bàn giao hồ sơ cho UBND huyện Lương Sơn quản lý. Và hiện nay hiện trạng sử dụng đất đã thay đổi, bị san lấp làm nhà máy gạch nên chúng tôi cũng không xác định được mục đích sử dụng đất trước khi cấp GCNQSDĐ.

Tuy nhiên, ông Chi khẳng định trên địa bàn xã Thanh Lương không có trường hợp nào trên 1 thửa đất tồn tại 2 GCNQSDĐ. Khu vực đất này là vùng hoang hoá sình lầy chưa từng được đo đạc nên không thể có việc được cấp sổ đỏ trước đó.

Việc người dân tố có sự giả mạo chữ ký, ông Chi cho biết UBND huyện Lương Sơn đã tiếp thu và có văn bản hướng dẫn người dân gửi cơ quan công an để yêu cầu giám định chữ ký nhưng người dân chưa thực hiện. Khi có kết luận nếu có chữ ký giả mạo, chúng tôi sẽ giải quyết theo quy định pháp luật.

“Việc sử dụng kinh phí không minh bạch 2,4 tỷ đồng mà xã, thôn sử dụng để cải tạo nâng cấp các công trình phúc lợi công cộng của xóm, chúng tôi đã giao cho Cơ quan CSĐT Công an huyện thụ lý. Và đến nay, sau khi xem xét các tài liệu liên quan, Cơ quan CSĐT Công an huyện đã chính thức bàn giao hồ sơ cho phòng Cảnh sát kinh tế Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hoà Bình điều tra. Sau khi có kết luận, chúng tôi sẽ công bố công khai với người dân”, ông Chi khẳng định.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế