Bài 1:

Hà Nội: Mua cổ phần Hacinco, 23 nhà đầu tư bỏ “tiền tươi” đi “đuổi vịt trời” suốt 10 năm

(Dân trí) - Tham gia mua cổ phần của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 (HACINCO) với số tiền đã thanh toán xong là hơn 21 tỷ đồng từ năm 2005. Tuy nhiên, suốt 10 năm, dù “tiền tươi” đã chuyển hết nhưng 23 nhà đầu tư lại “sống dở chết dở” vì vô vọng đi “đuổi vịt trời”.

Báo Dân trí nhận được Đơn kêu cứu của Công ty Cổ phần Đầu tư NCX Hà Nội - đại diện của 23 nhà đầu tư kêu cứu về sự chậm chễ trong quá trình cổ phần hóa Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO) đã xâm phạm nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư cũng như của người lao động trong doanh nghiệp.

Theo nội dung Đơn kêu cứu, ngày 29/10/2004, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 7252/QĐ-UB cho phép Công ty Đầu tư xây dựng số 2 (HACINCO) triển khai cổ phần hóa. Ngày 29/9/2005, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 6680/QĐ-UB phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa của HACINCO với một số nội dung chính như sau: Thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa: 31/12/2004; Giá trị thực tế doanh nghiệp: 260.208.975.812 đồng; Giá trị thực tế vốn nhà nước: 7.189.588.114 đồng; Vốn điều lệ dự kiến: 50 tỷ đồng; Giá khởi điểm cổ phần chào bán: 10.000 đồng/1 cổ phần.

Hà Nội: Mua cổ phần Hacinco, 23 nhà đầu tư bỏ “tiền tươi” đi “đuổi vịt trời” suốt 10 năm - 1

Quyết định cho cổ phần hoá với Công ty Hacinco được UBND TP Hà Nội quyết định từ năm 2004.

Quyết định cho cổ phần hoá với Công ty Hacinco được UBND TP Hà Nội quyết định từ năm 2004.

Ngày 25/10/2005, 23 nhà đầu tư đã mua cổ phần của HACINCO trong phiên đấu giá được tổ chức công khai tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội. 23 nhà đầu tư này đã thực hiện nghiêm túc quy trình, thủ tục mua cổ phần từ việc đăng ký tham gia cho đến việc đặt cọc, nộp phiếu tham dự đấu giá và thanh toán mua cổ phần theo đúng các quy địnhvới tổng số tiền đã thanh toán là hơn 21 tỷ đồng.

Ngày 01 - 02/12/2005, HACINCO đã tiến hành Đại hội cổ đông lần đầu để thông qua Điều lệ, Phương án sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa và bầu Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát Công ty cổ phần. Tuy nhiên, 10 năm sau đó, đến tận ngày hôm nay, HACINCO vẫn chưa hoàn thiện quá trình cổ phần hóa theo đúng quy định pháp luật khiến 23 nhà đầu tư “chết mòn” trong vô vọng.

Những vấn đề còn tồn tại trong quá trình cổ phần hóa tại HACINCO đã được các cơ quan, ban ngành có thẩm quyền từ trung ương tới địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, khắc phục để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa thể hiện tại các văn bản như: Văn bản của Văn phòng Chính phủ (Công văn số 7409/VPCP-ĐMDN ngày 19/12/2006, Công văn số 1577/VPCP-ĐMDN ngày 26/3/2007, Công văn số 3311/VPCP-ĐMDN ngày 15/6/2007, Công văn số 6025/VPCP-ĐMDN ngày 01/9/2009, Công văn số 6561/VPCP-KNTN ngày 22/9/2009, Công văn số 1704/VPCP-KNTN ngày 22/3/2011...); Văn bản của UBND TP Hà Nội: (Quyết định 7867/QĐ-UB ngày 30/11/2005, Công văn số 03/VP-KT ngày 03/01/2006, Thông báo số 75/TB-UB ngày 05/4/2006, Thông báo 126/TB-UBND ngày 07/6/2006, Công văn số 5131/UBND-CN ngày 06/11/2006, Công văn số 592/UBND-CN ngày 30/01/2007, Công văn số 5776/UBND-KT ngày 13/8/2013, Công văn số 5108/VP-KT ngày 11/8/2014... ) cùng rất nhiều các văn bản chỉ đạo khác của các Bộ, ban ngành của Trung ương và TP Hà Nội để tháo gỡ những tồn tại, khó khăn trong quá trình cổ phần hóa, đồng thời luôn yêu cầu HACINCO nghiêm túc thực hiện đúng nhiệm vụ của mình.

Nhưng cho đến nay, đã hơn 10 năm trôi qua, bất chấp sự chỉ đạo, hướng dẫn sát sao của các cơ quan ban ngành từ Trung ương tới địa phương, quá trình cổ phần hóa tại HACINCO vẫn dậm chân tại chỗ, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của 23 nhà đầu tư. Cho đến nay, những người đã trực tiếp mua cổ phần của công ty vẫn chưa được thực hiện các quyền của người chủ doanh nghiệp. Phải chăng do chỉ đạo của các cơ quan ban ngành là chưa đủ, chưa hiệu quả khiến Ban lãnh đạo HACINCO trở nên thời ơ với chính sách hội nhập, cổ phần hóa doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước?


23 nhà đầu tư đã thanh toán hơn 21 tỷ đồng cho một công ty thuộc quản lý của UBND TP Hà Nội nhưng suốt 10 năm đã bị ém nhẹm trái pháp luật.

23 nhà đầu tư đã thanh toán hơn 21 tỷ đồng cho một công ty thuộc quản lý của UBND TP Hà Nội nhưng suốt 10 năm đã bị "ém nhẹm" trái pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội nhận định: Theo hồ sơ vụ việc thì thấy rõ 23 nhà đầu tư đã mua cổ phần của Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội là những nhà đầu tư hợp pháp thuộc đối tượng và điều kiện được mua cổ phần theo quy định tại Điều 4 Nghị số 187/2004/NĐ-CP và Điều 7 Quy chế Đấu giá.

Với số vốn điều lệ dự kiến năm mươi tỷ đồng, HACINCO thuộc trường hợp doanh nghiệp phải “tổ chức bán đấu giá cổ phần tại trung tâm giao dịch chứng khoán để thu hút các nhà đầu tư”, và “Ban chỉ đạo cổ phần đăng ký trực tiếp hoặc thuê tổ chức tài chính trung gian đăng ký thực hiện đấu giá tại trung tâm giao dịch chứng khoán (thành phố Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh”. Do đó, UBND TP Hà Nội đã giao Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt là đơn vị trung gian thực hiện việc bán đấu giá cổ phần thông qua Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội là đúng quy định tại Điều 30 Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 và khoản 1, Phần B, Mục V, Thông tư số 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004

Về quy trình, thủ tục mua cổ phần, từ việc đăng ký tham gia cho đến việc đặt cọc, nộp phiếu tham dự đấu giá và thanh toán mua cổ phần đều được 23 nhà đầu tư đã thực hiện theo đúng các quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 15 Quy chế Đấu giá (điều này được khẳng định tại Công văn số 368/TTGDHN-BĐG ngày 09/4/2007 của Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội đã xác nhận danh sách 23 nhà đầu tư mua cổ phần của HACINCO là hợp pháp). Như vậy cho đến thời điểm thanh toán xong tiền mua cổ phần, các nhà đầu tư đã chính thức thực hiện xong nghĩa vụ của mình và sẽ bắt đầu được hưởng các quyền lợi hợp pháp của những cổ đông trong doanh nghiệp được cổ phần hoá.

Theo quy định tại Điều 32 Nghị định 187/2004/NĐ-CP thì sau khi hoàn thành việc bán cổ phần và tổ chức Đại hội đồng cổ đông, HACINCO phải tiến hành đăng ký kinh doanh theo Nghị định số 109/2004/NĐ-CP ngày 02/4/2004 để chuyển từ Công ty Nhà nước sang Công ty Cổ phần. Trên thực tế, công ty cũng đã tiến hành xong Đại hội đồng cổ đông và đã có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định chuyển Doanh nghiệp Nhà nước Công ty Đầu tư xây dựng số 2 sang Công ty Cổ phần.

Đến nay đã hơn 10 năm trôi qua, mặc dù đã được các cơ quan, ban ngành có thẩm quyền từ Trung ương tới địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, khắc phục để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, nhưng dường như HACINCO vẫn cố tình không khắc phục và hoàn thiện quá trình cổ phần hóa. Đây là một điều bất cập không thể xảy ra lại đang diễn ra khiến các nhà đầu tư lâm vào tình trạng dở khóc dở cười: toàn bộ số tiền mua cổ phần của Doanh nghiệp đã nộp vào tài khoản hợp lệ của Trung tâm đấu giá, thế nhưng sau mười năm trời những nhà đầu tư này vẫn chỉ là “người ngoài”, đau đáu đứng nhìn doanh nghiệp mình đã kỳ vọng và đầu tư chứ chưa một phút giây nào họ được trở thành những cổ đông thực sự như pháp luật đã cho phép. Bỏ tiền thật ra mua cổ phần, nhưng không được phân chia cổ tức, không được phép biết và can dự vào hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như quản lý, điều hành doanh nghiệp, quyền lợi vẫn chỉ là một con số không tròn chĩnh, lỗi này do đâu?

Luật sư Lam Hồng chỉ rõ: sự chậm trễ trong việc cổ phần hóa Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội đã gây ra thiệt hại và rủi ro rất lớn cho các nhà đầu tư, từ cơ hội kinh doanh bị mất cho đến vấn đề lãi suất, trượt giá, quyền tham gia quản lý điều hành công ty, quyền được hưởng cổ tức và cả những rủi ro trong quá trình điều chỉnh chính sách, pháp luật về cổ phần hóa. Vậy đâu là khung hành lang pháp lý bảo vệ những nhà đầu tư này? Những thiệt hại của các nhà đầu tư trong suốt mười năm qua ai là người phải chịu trách nhiệm bồi thường? Ai sẽ là người phải gánh trách nhiệm đối với việc chậm chễ cổ phần hoá này? Và cơ quan chức năng nào sẽ là người lên tiếng tháo nút thắt cổ phần hoá tại HACINCO?

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế