Hà Nội: Cống hóa xong mương hôi thối, hàng chục gia đình mất đường đi
(Dân trí) - Sau nhiều năm chịu cảnh hôi thối, mới đây người dân cụm 1 phường Kim Mã đã được giải thoát nhờ dự án cống hóa mương Vườn Me. Khi chưa được tận hưởng niềm vui, 24 hộ dân lại hốt hoảng “đội đơn” đến cơ quan chức năng đề nghị dỡ bức tường xây lắt léo bịt cửa hậu của người dân.
Trong đơn kiến nghị gửi báo Dân trí và các cơ quan chức năng, 24 hộ gia đình thuộc cụm dân cư số 1, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP. Hà Nội phản ánh: Sở Xây dựng đã phê duyệt quy hoạch không phù hợp khi cho xây hai bức tường rào chắn khu nhà dân với mương Vườn Me vừa được cống hóa. Sự việc trên đã gây ra tình trạng ngập úng mặt cống, nhà dân luôn trong tình trạng ẩm mốc, trong khi ruồi, muỗi sinh sôi nảy nở do khoảng cách giữa tường bao và nhà dân luôn ẩm ướt vì nước đọng.
Nội dung đơn của cụm dân cư số 1 phường Kim Mã cho biết, từ hàng chục năm trước, ngoài cổng chính, các hộ dân hai bên đều làm cửa sổ và cổng phụ mở về phía mương Vườn Me để đi ra ngõ Núi Trúc. Trước khi cải tạo, mương Vườn Me có chiều rộng 5m, hai bên bờ mương được kè kiên cố từ đầu tuyến đến cuối tuyến. Sau hàng chục năm sống chung với mùi hôi thối, đầu năm 2015, tất cả các gia đình sống xung quanh hai bờ mương Vườn Me đã khấp khởi mừng khi Sở Xây dựng phê duyệt dự án cống hóa mương Vườn Me và giao cho Xí nghiệp Thoát nước số 4 làm đơn vị thi công.
Tuy nhiên, khi vừa hoàn thành cống hóa mặt mương Vườn Me, đơn vị thi công đã cho xây hai bức tường bao có nhiều cao 1,5m tương ứng với vị trí bờ mương trước khi cải tạo với lý do bảo bảo vệ mặt cống. Thế là chưa kịp tận hưởng niềm vui thoát khỏi ô nhiễm, các hộ dân lại tất tả “đội đơn” đến UBND phường Kim Mã, UBND quận Ba Đình, Sở Xây dựng đề nghị dỡ bỏ bức tường ngăn cách gây khó khăn cho sinh hoạt hàng ngày của người dân vì đã bịt mất cửa sổ và cửa hậu người dân đã sử dụng ổn định nhiều năm trước.
Ghi nhận tại công trình ngày 25/11/2015, cho thấy, hai tường bao vừa được xây dựng không được xây đồng đều từ đầu đến cuối tuyến mương, chỗ xây, chỗ không xây khiến cho người dân nghi ngờ về sự công bằng giữa các hộ dân. Hệ thống cống hóa vừa mới được xây dựng nhưng bề mặt vẫn ngập nước do có nhiều đống rác vứt ra không được thu dọn, ở nhiều chỗ người dân tự lắp đặt nhà khung vắt qua hai bức tường làm chỗ ở tạm cho thợ đang thi công nhà mới.
Trao đổi với PV báo Dân trí, ông Thái Anh, đại diện cho cụm dân cư số 1 phường Kim Mã cho biết: “Dự án cống hóa mương Vườn Me được hoàn thành tưởng như sẽ giúp người dân thoát cảnh ô nhiễm nhưng thực tế lại diễn biến ngược. Hễ trời mưa là ngập nước, nhiều đống rác vứt từ lâu không được thu dọn, phần diện tích lưu không giữa nhà dân và tường bao với nhiều rộng đến cả mét luôn trong tình trạng ẩm ướt dễ dẫn đến nguy cơ dịch bệnh…”.
Cùng chung quan điểm, ông Phong, trú tại cụm dân cư cho biết thêm: “Từ hàng chục năm trước, các hộ dân xung quanh mương Vườn Me đều mở cổng phụ đi lại phía sau, nay công trình cống hóa hoàn thành lại mọc lên hai bức tường bao chặn cửa hậu và cửa sổ của nhiều gia đình khiến người dân không đồng tình. Nói xây tường là để chống lấn chiếm, nhưng tường dựng lên lại là điều kiện thuận lợi cho một số hộ dân chiếm dụng toàn bộ đất lưu không giữa nhà và tường bao. Sau khi phát hiện sự việc, người dân cụm dân cư số 1 đã có đơn kiến nghị gửi UBND phường Kim Mã và các cơ quan chức năng đề nghị phá dỡ tường để thuận tiện cho việc đi lại nhưng chưa được giải quyết…”.
Để làm rõ các nội dung đơn phản ánh của người dân cụm dân cư số 1, PV báo Dân trí đã làm việc với đại diện UBND phường Kim Mã. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thắng - cán bộ phụ trách đô thị phường Kim Mã cho biết: “Dự án cống hóa mương Vườn Me do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư và Xí nghiệp Thoát nước số 4 là đơn vị thi công nên các vấn đề liên quan vượt quá thẩm quyền của UBND phường. Trong thiết kế Sở Xây dựng duyệt đã thể hiện có tường bao ngăn cách nhà dân với phần mặt cống, việc Xí nghiệp Thoát nước xây tường là thực hiện đúng thiết kế. Sau khi đơn vị thi công xây tường, người dân cụm dân cư số 1 đã có đơn kiến nghị phá dỡ hai bức tường để thuận tiện cho việc đi lại. Nhận thấy đề nghị của người dân là chính đáng và phù hợp, đầu tháng 10/2015, lãnh đạo UBND phường Kim Mã đã có đề xuất gửi Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan xem xét giải quyết kiến nghị của người dân. Việc bỏ tường hay giữ nguyên là thẩm quyền của các cơ quan chức năng, còn phường chỉ có nhiệm vụ thực thi…”.
Dưới đây là những hình ảnh ô nhiễm, cùng hai bức tường bất thường bịt lối đi của 24 hộ dân:
Diện tích cống hóa mương Vườn Me có nguy cơ trở thành bãi rác công cộng vì không có người đi lại, không có đơn vị chuyên môn quét dọn thường xuyên.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.
Ngọc Cương