Tiêu điểm:

Giáo dục ứng xử từ khi còn bé

(Dân trí) - Liên tiếp nhiều vụ bạo lực giữa đường phố xảy ra khiến người dân TPHCM bất an. Chỉ cần một va quyệt nhỏ trên đường, người ta có thể nhảy xổ vào đánh nhau, có trường hợp án mạng xảy ra.

Có thanh niên đã sẵn sàng rút dao đâm chết người khác vì cho rằng họ đã “nhìn đểu” mình. Đáng sợ hơn, cũng đã có nhóm học sinh cấp hai, cấp ba vác mã tấu chém nhau đến chết chỉ vì những xích mích bình thường. Vụ hai nhóm học sinh chém nhau, một em bị chết tại Gò Vấp - TPHCM tuần qua làm rúng động xã hội. Phụ huynh lo sợ con cái mình đến trường không an toàn.

Bạo lực học đường, bạo lực đường phố, bạo lực sân cỏ, bạo lực gia đình... tất cả chứng minh rằng đạo đức xã hội đang bị xuống cấp nghiêm trọng và đáng sợ. Đừng bưng bít sự thật này, mà hãy đối diện với nó, mổ xẻ nó và tìm ra cách thuốc thang hiệu quả. Một xã hội chưa đề cao đạo đức đúng mức cần có thì bạo lực tăng cao đang là một tín hiệu báo động.

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Nhiều chuyên gia tâm lý không thể giải thích được vì sao các em còn ở lứa tuổi học sinh lại có hành vi bạo lực kinh hoàng, đến khi đứng trước tòa thì mặt mày tỉnh bơ như không có chuyện gì. Điều đáng sợ chính là chỗ này đây, con người có thể lạnh băng khi đã tước đi mạng sống của người khác thì quả là hiện tượng không bình thường, nhất là khi bạo lực không phải là các vụ án đơn lẻ mà quá phổ biến.

Người thao thức với giềng mối đạo đức nước nhà băn khoăn không hiểu ngành giáo dục đã dạy dỗ được gì cho các thế hệ học sinh; các hội, đoàn thể rèn luyện được gì về đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên? Trước hiện thực về bạo lực hiện nay, chúng ta cần phải đặt câu hỏi về trách nhiệm giáo dục học đường, vai trò của đoàn thanh niên trước sự phát triển nhân cách và đạo đức của thế hệ trẻ. Và tất nhiên, điều cốt yếu và căn bản nhất là sự dạy dỗ của các bậc làm cha làm mẹ. Chúng ta cũng phải có sự nhìn nhận lại vai trò của gia đình.

Trên đường phố tại TPHCM xuất hiện các tấm băng rôn "Hãy kiềm chế và lịch sự khi có va chạm trên đường". Câu khẩu hiệu tuyên truyền này có thể cũng góp phần dừng bớt những cánh tay bạo lực nhưng chắc chắn không phải là căn bản. Tấm lòng vị tha, tinh thần quảng đại, lòng nhân ái là những giá trị quý báu phải được vun trồng chăm sóc nhiều năm mới sinh hoa trái. Một người không được giáo dục ứng xử từ nhỏ thì đến khi trưởng thành khó có mấy ai "buông dao thành Phật".

Tình trạng bạo lực hiện nay phải được ngăn chặn nhưng sâu xa nhất đó là giáo dục, phải bắt đầu làm lại từ thế hệ mầm non hôm nay. Hãy có chương trình giáo dục cụ thể dạy cho các em những điều bình thường nhất để làm người, đó là yêu cha mẹ ông bà, yêu bạn bè thầy cô... và biết ứng xử văn hóa với những người chung quanh. Các em học những điều đó trong bước trưởng thành sẽ tạo nên nhân cách cao đẹp cho một con người.

Lê Chân Nhân