Bạn đọc viết:

Cấm bán thuốc trên mạng xã hội là cần thiết, hợp lý!

PV

(Dân trí) - Việc cấm bán thuốc qua mạng xã hội là cần thiết, hợp lý; không những ngăn chặn, phòng ngừa thuốc giả, kém chất lượng mà còn chấn chỉnh tình trạng quảng cáo sai tràn lan khá phổ biến hiện nay.

Ngày 18/6, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội tờ trình về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều nội dung quan trọng nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành, tuy nhiên nội dung được dư luận quan tâm nhất là tại dự thảo Luật Dược (sửa đổi) lần này Chính phủ đề xuất quy định không được kinh doanh dược trên mạng xã hội và các hình thức kinh doanh điện tử khác, tức cấm bán thuốc trên các nền tảng mạng xã hội!.

Cấm bán thuốc trên mạng xã hội là cần thiết, hợp lý! - 1

Luật Dược năm 2016 quy định rõ không được bán thuốc online và nghiêm cấm việc quảng cáo thuốc dưới hình thức lấy hình ảnh nhân viên nhà thuốc, thư mời, bác sĩ giới thiệu (Ảnh minh họa - nguồn VGP).

Có thể khẳng định, hiện nay việc mua bán, giao dịch hàng hóa thông qua mạng xã hội góp phần quan trọng mang lại sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn, thuận tiện hơn cho cả người bán lẫn người mua. Kinh doanh qua mạng xã hội đóng góp đáng kể, quan trọng cho tăng trưởng kinh tế đất nước, là xu thế tất yếu của thời đại.

Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có rất nhiều mặt trái, tiêu cực tác động trở lại đối với xã hội, trong đó có việc quảng cáo sai sự thật, bát nháo, lộn xộn về công dụng của thuốc tân dược hay gọi là thuốc tây không đúng thực tế. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tính mạng của người dân mà dân gian thường gọi là "tiền mất, tật mang" khi việc điều trị không mang lại hiệu quả, tốn kém, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.

Mặc dù, Luật Dược năm 2016 quy định rõ thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: Nhà thuốc; quầy thuốc; tủ thuốc của trạm y tế xã/phường; cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; không được bán thuốc online và nghiêm cấm việc quảng cáo thuốc dưới hình thức lấy hình ảnh nhân viên nhà thuốc, thư mời, bác sĩ giới thiệu... Tuy nhiên, việc chấp hành quy định chưa nghiêm vì chưa chỉ rõ những hình thức bán, quảng cáo qua nền tảng mạng xã hội.

Đặc biệt là người dân không có kiến thức, kém hiểu biết về thuốc nhưng lại quá tin tưởng vào quảng cáo, nhất là xuất phát từ những người nổi tiếng nên đã gây hại cho sức khỏe của chính mình và gia đình khi mua thuốc không rõ nguồn gốc hoặc công dụng khác xa, không như lời quảng cáo.

Theo một số chuyên gia y tế, hiện các trang mạng xã hội chuyên bán các loại là thuốc Nam trộn corticoid với liều cao để giảm đau, kháng viêm, giúp bệnh nhân viêm khớp giảm triệu chứng đau rất nhanh nhưng để lại hậu quả lâu dài và hết sức nặng nề. Cá biệt có bệnh nhân bị suy đa tạng do ngộ độc paracetamol, sau một thời gian sử dụng thuốc nam để chữa đau xương khớp...

Việc tác dụng tạm thời của nhiều loại thuốc với công thức như trên đã đánh lừa cảm giác người bệnh cũng như đánh lừa được rất nhiều người và khi chưa có kiểm chứng, đánh giá khoa học thì người dân tin tưởng đổ xô mua... cuối cùng là "tiền mất, tật mang"!.

Ngoài ra, sự phát triển của mạng lưới buôn bán thuốc trên mạng internet giữa các quốc gia, các cơ sở sản xuất nguyên liệu, hóa chất không được kiểm soát, số lượng thuốc giả ngày càng tăng lên rất đáng báo động. Hoạt động buôn bán, sử dụng thuốc giả đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng, nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt kịp thời thì hậu quả sẽ rất lớn, rất khó lường.

Vì vậy, dự thảo Luật Dược quy định cấm bán thuốc qua mạng xã hội là cần thiết, hợp lý. Như vậy, không những ngăn chặn, phòng ngừa thuốc giả, kém chất lượng mà còn chấn chỉnh, xử lý triệt để tình trạng bát nháo, lộn xộn, quảng cáo sai tràn lan, khá phổ biến hiện nay.

Điều này vừa nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của cộng đồng; vừa tạo điều kiện cho kinh doanh, mua bán và sử dụng thuốc được lành mạnh, an toàn, được kiểm soát tốt hơn.

                                                                   Luật gia Phạm Văn Chung