Nhờ bạn "vào kèo" hộ mùa Euro có thể bị xử lý hình sự không?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, cả người nhắn tin nhờ và người trực tiếp đặt cược đều có thể bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, hành vi sẽ không thuộc trường hợp sử dụng mạng Internet, phương tiện điện tử để phạm tội.

Thời gian Euro 2024 diễn ra, nhiều nhóm chat (trò chuyện, trao đổi trực tiếp với nhau thông qua mạng Internet) xuất hiện việc một số cá nhân nhờ bạn bè, người quen "vào kèo" hộ trong các trận đấu. Trường hợp bị phát hiện, những người nhắn tin vào kèo hộ có thể bị xử lý về hành vi đánh bạc hay không?

Nhờ bạn vào kèo hộ mùa Euro có thể bị xử lý hình sự không? - 1

Trả lời

Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo Công văn số 196/TANDTC-PC năm 2018 của TAND Tối cao về việc áp dụng điểm c, khoản 2 Điều 321 và điểm c, khoản 2 Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015, hành vi "sử dụng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội" đối với tội Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc được hiểu là việc sử dụng những công cụ, phương tiện này để đánh bạc trực tuyến. Đó có thể là việc hình thành các chiếu bạc online hoặc sử dụng các công cụ, phương tiện này để đánh bạc, gá bạc. 

Việc người phạm tội sử dụng các thiết bị điện tử để liên lạc với nhau (VD: nhắn tin hoặc sử dụng ứng dụng để liên lạc ghi số đề, cá cược...) mà không hình thành nên các trò chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật trực tuyến, thì không thuộc trường hợp "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để phạm tội" tại các Điều 321 và 322 Bộ luật Hình sự.

Như vậy, người nhắn tin nhờ đặt cược hộ và người đặt cược hộ sẽ không thuộc tình tiết định khung "sử dụng mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để tổ chức đánh bạc" vì hành vi này không tạo nên những chiếu bạc ăn thua tiền hoặc hiện vật trực tuyến. Ngoài ra, người đặt cược hộ cũng sẽ không bị xử lý về hành vi Tổ chức đánh bạc.

Tuy nhiên, đây vẫn là hành vi đánh bạc trái phép. Do đó, người nhắn tin và người nhận đặt cược vẫn sẽ bị xử lý về hành vi Đánh bạc. Tùy thuộc giá trị giao dịch, họ có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Ví dụ, một nhóm bạn 4 người, mỗi người nhắn tin góp 1 triệu đồng để một người trong nhóm đại diện "vào kèo" với tỷ lệ đặt 1 ăn 1 và thắng cược, tổng số tiền họ thu về là 8 triệu đồng. Khi đó, số tiền đánh bạc ở mức trên 5 triệu đồng và nhóm này có thể bị xử lý hình sự về tội Đánh bạc. 

Do cả 4 người đều có chung ý chí, cùng bàn bạc và góp tiền đánh chung một kèo nên số tiền giao dịch áp dụng đối với cả 4 người này đều sẽ là 8 triệu đồng dù trên thực tế, mỗi người chỉ bỏ ra 1 triệu đồng. Trong số này, một người trực tiếp thực hiện hành vi còn 3 người còn lại đã gián tiếp phạm tội.

Tới khi phân loại, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đánh giá mức độ hành vi của họ để xác định trách nhiệm hình sự của từng người.