Dấu hiệu nhiều tội danh vụ rượt đuổi làm 3 thanh niên tử vong ở đường Láng
(Dân trí) - Theo luật sư, qua sàng lọc nghi phạm, cơ quan công an có thể xem xét dấu hiệu 3 tội danh là Gây rối trật tự công cộng, Cố ý gây thương tích và Giết người.
Như Dân trí thông tin, xuất phát từ mâu thuẫn khuya 11/6 giữa hai nhóm thanh niên, Nguyễn Hoàng Thịnh (18 tuổi) điều khiển xe máy chở Trần Lâm Tuấn Huy (21 tuổi) ngồi sau đạp vào xe của N.T.N. khiến N. cùng 2 người ngồi sau xe lao vào dải phân cách trước cửa số 790 đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội), tử vong tại chỗ.
Từ vụ việc trên, Công an TP Hà Nội đã tạm giữ 25 đối tượng liên quan để làm rõ các tội danh Giết người và Gây rối trật tự công cộng. Trường hợp này, nhóm đối tượng có thể bị áp dụng chế tài ra sao?
Luật sư Dương Đức Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá đây là sự việc có tính chất rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về con người và xâm phạm nghiêm trọng tới an ninh trật tự xã hội, gây hoang mang trong dư luận. Với kinh nghiệm tham gia tố tụng trong những vụ án hình sự có tính chất tương tự, ông Thắng nhìn nhận vấn đề trước tiên mà các cơ quan tiến hành tố tụng cần thực hiện là thu thập dữ liệu hiện trường và sàng lọc các đối tượng tham gia.
"Đối với vụ việc có tính chất như trên, hành vi Gây rối trật tự công cộng đã rõ ràng, thể hiện ở các hành vi đuổi đánh nhau và rượt đuổi bằng xe máy với tốc độ cao. Tiếp đó, trong vụ ẩu đả chắc chắn sẽ xuất hiện các hành vi tác động vật lý. Cơ quan công an sẽ lấy lời khai, phân loại đối tượng để xác minh tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi và mức độ tổn hại sức khỏe của nạn nhân, từ đó sàng lọc nhóm đối tượng có thêm dấu hiệu của tội Cố ý gây thương tích.
Ngoài ra, nếu xuất hiện hành vi tác động bằng hung khí vào các vùng trọng yếu, nguy hiểm của nạn nhân, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục phân loại nghi phạm để xem xét trách nhiệm hình sự về tội Giết người", ông Thắng phân tích.
Riêng đối với trường hợp của Thịnh và Huy đạp vào xe máy khiến 3 thanh niên tử vong, đây là hành vi hết sức nguy hiểm. Một người bình thường, có đầy đủ nhận thức, năng lực hành vi cần hiểu rằng việc rượt đuổi bằng xe máy tốc độ cao đã là hành vi nguy hiểm, song việc đạp vào đối phương khi đang di chuyển nhanh như vậy là hành vi thậm chí nguy hiểm hơn, có khả năng lập tức xâm phạm và tước đoạt tính mạng của người khác. Do đó, đây là hành vi có dấu hiệu của tội Giết người.
Đối với 2 thanh niên này, công an sẽ cần làm rõ hàng loạt tình tiết như ai là người đạp vào xe của N., có sự thống nhất về ý chí giữa 2 người về việc sẽ tấn công bằng cách đạp vào xe đối thủ hay không, có sự hỗ trợ, giúp sức tích cực của cá nhân khác để 2 thanh niên này thực hiện hành vi hay không...
Từ đó, nghi phạm trực tiếp thực hiện hành vi đạp vào xe khiến 3 người tử vong có thể bị xử lý hình sự về tội Giết người. Đối với những người còn lại, nếu có sự thông đồng về ý chí, thỏa thuận hoặc giúp sức tích cực để tạo điều kiện lý tưởng cho hành vi này xảy ra, những người đó cũng có thể bị xử lý hình sự về tội danh tương tự với vai trò đồng phạm.
Trong trường hợp không có sự thông đồng, thống nhất từ trước, hành vi đạp vào xe chỉ là hành động bột phát, nhất thời của một cá nhân, việc xem xét trách nhiệm hình sự về tội Giết người sẽ chỉ đề cập với người trực tiếp thực hiện hành vi. Những người còn lại sẽ chỉ bị xem xét trách nhiệm về tội Gây rối trật tự công cộng.