21 hộ dân ở Nghệ An kêu cứu 25 năm vẫn chưa có sổ đỏ

Nguyễn Phê Nguyễn Tùng

(Dân trí) - 21 hộ dân ở thị xã Hoàng Mai, Nghệ An di dời để nhường đất xây nhà máy xi măng, nhưng sau 25 năm qua kêu cứu khắp nơi, đất tái định cư vẫn không được cấp sổ đỏ.

Năm 1996, tỉnh Nghệ An quyết định di dời 21 hộ dân ở xã Quỳnh Vinh, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), để xây dựng nhà máy xi măng Hoàng Mai trực thuộc Công ty xi măng Nghệ An. Địa điểm tái định cư (TĐC) là khu vực đồng Trin (thuộc xóm 14, xã Quỳnh Vinh).

Theo quyết định đã được Hội đồng đền bù của UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt ngày 10/6/1996, tổng giá trị bồi thường để chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở tại khu TĐC này là 87,2 triệu đồng, do nhà máy xi măng Hoàng Mai chi trả.

21 hộ dân ở Nghệ An kêu cứu 25 năm vẫn chưa có sổ đỏ - 1

Khu TĐC đồng Trin đã có người ở từ năm 1996 (Ảnh: Hoàng Tùng).

Bà Lê Thị Tuyết, một hộ dân phải di dời đến khu TĐC cho biết: "Khó khăn đủ đường, giờ nhà hư hỏng hết, lên xin giấy phép xây dựng để về xây nhà nhưng xã và thị xã nói không có bìa đỏ thì không cấp được giấy phép xây dựng. Nhưng nhà hư hỏng thì cứ xây cho con ở thôi - họ nói thế thì tui mới dám xây nhà".

Ông Lê Thạc Thảo, một hộ dân cùng cảnh ngộ, cho biết trước khi di dời, gia đình ông có 4.500m2 đất gồm đất ở và đất vườn. Thế nhưng, khi xuống khu TĐC này, gia đình ông chỉ được bố trí 400m2, nhưng không được bồi thường tiền đất chênh lệch.

"Nơi ở cũ nhà nào đất cũng rộng 3.000-4.500m2 nhưng xuống đây đều chỉ được bố trí mỗi gia đình 400m2. Thời điểm đó, nhà nước quy định như thế nên chúng tôi cũng phải chịu. Chúng tôi chỉ được hỗ trợ tiền di dời nhà và đền bù hoa màu trên đất, nhưng cũng không đáng kể", ông Thảo bức xúc.

Sau khi sống ổn định ở nơi ở mới, một số hộ dân có nhu cầu làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn ngân hàng làm ăn. Nhưng, người dân cho biết, khi họ đến UBND thị xã Hoàng Mai, được hướng dẫn chờ để cùng làm một lần cho 21 hộ của khu TĐC.

"Năm 2017, chúng tôi lên UBND thị xã để làm sổ đỏ được trả lời phải làm nghĩa vụ tài chính với nhà nước, tức là phải nộp tiền chuyển quyền sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở mới được cấp bìa. Chúng tôi đã thiệt đủ đường, nghĩa vụ tài chính là do nhà máy xi măng Hoàng Mai thực hiện, sao lại bắt chúng tôi phải chịu khoản này?", ông Trần Dương, một hộ dân TĐC bức xúc.

Do không có hồ sơ chứng minh đã nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất cho 21 hộ dân TĐC để cấp sổ đỏ cho dân, UBND thị xã Hoàng Mai đã tổ chức cuộc họp với các bên liên quan.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Dương cho biết thêm, tại các cuộc họp, đại diện nhà máy xi măng Hoàng Mai đều khẳng định nhà máy đã nộp tiền từ năm 1996. Tuy nhiên, do không đưa được hồ sơ, hóa đơn thu tiền nên việc làm sổ đỏ vẫn bị kẹt lại.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ của nhà máy xi măng Hoàng Mai cho biết, do thời gian đã lâu, những người phụ trách thời điểm đó nay đã nghỉ hưu hoặc đã chuyển công tác, trong khi những người kế nhiệm lại không nắm được sự việc. Hồ sơ vẫn chưa được tìm ra và phía nhà máy đang nỗ lực để tìm.

"Hiện nay 21 hộ dân chúng tôi bức xúc vô cùng. Lên tỉnh hỏi - tỉnh trả lời giao cho thị xã Hoàng Mai giải quyết; về thị xã Hoàng Mai hỏi lại trả lời chờ tỉnh quyết định".

21 hộ dân ở Nghệ An kêu cứu 25 năm vẫn chưa có sổ đỏ - 2

Các hộ dân bức xúc trao đổi với phóng viên (Ảnh: Hoàng Tùng).

Bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hoàng Mai, cho biết khu TĐC này có nguồn gốc là đất nông nghiệp, khi chuyển sang đất ở phải đóng thuế chuyển quyền sử dụng đất.

Khi lập hồ sơ để cấp sổ đỏ không có hồ sơ chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ tài chính, cho nên Chi nhánh văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất không làm thủ tục để cấp bìa được.

Cũng theo bà Hương, hiện UBND thị xã đã có văn bản đề nghị nhà máy xi măng Hoàng Mai cung cấp hồ sơ, hóa đơn đã thực hiện nghĩa vụ tài chính cho dân nhưng họ vẫn chưa tìm ra. Do sự việc kéo dài quá lâu nên người dân bị thiệt thòi. Lãnh đạo thị xã Hoàng Mai đã có văn bản đề nghị nhà máy xi măng Hoàng Mai phải sớm hoàn thiện thủ tục để cấp sổ đỏ cho người dân.

"Thị xã cũng mong UBND tỉnh Nghệ An có kết luận sớm để làm dứt điểm một lần cho người dân được ổn định", bà Hương nói.