Vụ nổ súng ở Vĩnh Long: Người cha tử vong, vụ án giải quyết ra sao?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, việc ông Phúc tử vong sẽ dẫn tới đình chỉ điều tra đối với người đàn ông này. Về trách nhiệm dân sự, người thân ông Phúc có trách nhiệm bồi thường trong phạm vi di sản người này để lại.

Như Dân trí thông tin, ngày 28/4, ông Nguyễn Vĩnh Phúc (42 tuổi, ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) nổ súng bắn anh Nguyễn Văn Bảo Trung (33 tuổi), người điều khiển xe tải cán tử vong con gái ông Phúc là cháu N.N.B.T. (14 tuổi) hồi tháng 9/2024, rồi dùng súng tự tử. Hai người đều được đưa đi cấp cứu nhưng ông Phúc tử vong vào tối cùng ngày, còn anh Trung đã qua cơn nguy kịch. 

Ngày 29/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Long đã khởi tố vụ án hình sự Giết người để điều tra theo quy định. Tuy nhiên, với việc ông Phúc đã chết, sự việc có thể diễn biến ra sao là thắc mắc của nhiều độc giả. 

Vụ nổ súng ở Vĩnh Long: Người cha tử vong, vụ án giải quyết ra sao? - 1

Hình ảnh vụ việc ghi lại bởi camera an ninh (Ảnh cắt từ clip).

Dưới góc độ của người từng tham gia nhiều vụ án với vai trò kiểm sát viên, luật sư Dương Đức Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá đây là sự việc đau lòng, gây thiệt hại lớn về sức khỏe, tính mạng con người. Với diễn biến hành vi ghi lại như trong clip, việc công an khởi tố vụ án hình sự Giết người để điều tra là phù hợp các quy định của pháp luật. 

Tiếp nối quyết định trên, cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, trong đó ngoài hành vi nổ súng của ông Phúc, hàng loạt vấn đề khác cũng sẽ được làm rõ như nguồn gốc khẩu súng từ đâu, động cơ, mục đích nổ súng của ông Phúc là gì, có sự giúp sức, tạo điều kiện về tinh thần, vật chất hay có các đồng phạm khác giúp sức tích cực trong vụ án hay không. 

Từ kết quả xác minh, có thể xảy ra các tình huống như sau: 

Thứ nhất, nếu vụ án không có đồng phạm, không đủ căn cứ tìm ra nguồn gốc phương tiện gây án, ông Phúc là người duy nhất thực hiện hành vi nguy hiểm nhưng đã chết, căn cứ các Điều 157 và 230 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự. 

Thứ hai, nếu quá trình xác minh cho thấy có dấu hiệu của đồng phạm hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác (VD: Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí, không tố giác tội phạm...), cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra một phần vụ án đối với phạm vi hành vi của ông Phúc do người này đã tử vong. Đối với phần còn lại, hoạt động xác minh, điều tra sẽ tiếp tục được tiến hành theo quy định của pháp luật. 

Ngoài ra, theo Điều 158 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, nếu xuất hiện một trong các căn cứ quy định tại Điều 157 Bộ luật này, cơ quan điều tra có thể hủy quyết định khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, theo luật sư Thắng, việc hủy quyết định chỉ áp dụng nếu sau khi khởi tố, quá trình xác minh xác định không có dấu hiệu của hành vi phạm tội. 

Vụ nổ súng ở Vĩnh Long: Người cha tử vong, vụ án giải quyết ra sao? - 2

Hình ảnh vụ tai nạn giao thông hồi tháng 9/2024 dẫn tới vụ nổ súng gây rúng động hôm 28/4 vừa qua (Ảnh: Nguyễn Văn Quynh).

Về trách nhiệm dân sự, luật sư cho biết việc ông Phúc tự tử có thể dẫn đến hậu quả pháp lý là đình chỉ điều tra đối với người này, song về trách nhiệm dân sự, những người hưởng thừa kế của ông Phúc vẫn có trách nhiệm bồi thường nếu gia đình tài xế Trung có yêu cầu. 

Cụ thể, theo Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015, những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, những người hưởng thừa kế của ông Phúc có trách nhiệm bồi thường trong phạm vi di sản do người này để lại. Ngoài ra, pháp luật không có quy định về việc người thừa kế phải sử dụng tài sản cá nhân, ngoài phạm vi thừa kế để thực hiện nghĩa vụ bồi thường đối với người bị thiệt hại. 

Việc xác định trách nhiệm bồi thường (nếu có) sẽ được giải quyết bằng một vụ án dân sự khác nếu gia đình tài xế Trung có yêu cầu.