Bạn đọc viết:

Giáo viên không thể tự bảo vệ mình!

PV

(Dân trí) - Theo điều lệ trường phổ thông, một trong những điều giáo viên không được làm là "Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể học sinh". Chỉ một dòng ngắn ngủi thôi nhưng làm cho các thầy cô phải suy tư.

Hình ảnh một phụ huynh học sinh đánh vào đầu cô giáo và bắt đứng giữa trời mưa trong sự chứng kiến của học sinh, đồng nghiệp được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng gây bức xúc cho nhiều người, đặc biệt là những thầy cô giáo như chúng tôi.

Nỗi đau thể xác sẽ qua đi nhưng cú sốc về tinh thần chắc chắn còn lâu mới nguôi ngoai. Phụ huynh đã thừa nhận là vì nóng quá nên đã cư xử thô bạo với người mà con mình gọi là thầy! Cái đau của những vết thương sẽ vơi dần nhưng những cái tát vào truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc sẽ mãi mãi là những vết sẹo trong suốt cuộc đời.

Giáo viên không thể tự bảo vệ mình! - 1

Cho đến nay những chế tài xử lý những hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể nhà giáo chỉ là chiếu lệ hay nói đúng hơn là giơ cao đánh khẽ (Ảnh minh họa: Hoàng Lam).

Có quá lời không khi nói rằng: Quyền của giáo viên theo điều lệ trường phổ thông bị xâm phạm một cách nghiêm trọng. Các thầy cô giáo không thể tự bảo vệ nhân phẩm, danh dự, an toàn thân thể mình trước những hành vi ứng xử thiếu văn hóa của một số bậc phụ huynh và ngay cả học sinh.

Giáo viên bị ràng buộc quá nhiều bởi những qui định của ngành. Theo điều lệ trường phổ thông, một trong những điều giáo viên không được làm là "Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể học sinh". Chỉ một dòng ngắn ngủi thôi nhưng làm cho các thầy cô phải suy tư: Làm thế nào để không xúc phạm học sinh? Không lẽ không được phép la rầy khi các em có những hành vi sai trái hay sao?

Thậm chí sẽ bị xử phạt hành chính nếu vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục theo nghị định số 79/2015/NĐ- CP. Đối với giáo viên là như vậy còn với phụ huynh học sinh thế nào?

Cho đến nay những chế tài xử lý những hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể nhà giáo chỉ là chiếu lệ hay nói đúng hơn là giơ cao đánh khẽ. Ở một góc độ khác, những bậc cha mẹ có hành vi khiếm nhã, thô bạo với giáo viên như thế có nghĩ rằng mình đã tạo một ấn tượng xấu cho con em mình hay không?

Khi xã hội phát triển, con người cần phải hội nhập để theo kịp cuộc sống hiện đại nhưng hình như là những giá trị truyền thống dần dần bị lãng quên đi, những lời cám ơn hay xin lỗi ngày càng hiếm đi và thay vào đó là những hành vi hung hăng khi không giữ được trạng thái cân bằng trong cảm xúc.

Con người bị cuốn vào vòng xoáy của nền văn minh công nghệ và lối sống vật chất nên chỉ biết nghĩ đến bản thân mình? Phải chăng từ nhu cầu muốn được khẳng định mình nên có những hành động bộc phát, thiếu suy nghĩ? Những hành vi không chuẩn mực như dùng bạo lực để cư xử với nhau thật đáng chê trách.

Khi sự việc qua đi, những người trong cuộc có bao giờ tự hỏi mình rằng những hành động như thế vô tình làm xấu đi chính bản thân mình và ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng. Trách nhiệm cao cả của người thầy là giáo dục học trò mình được nên người. Trong các biện pháp giáo dục có đôi khi là mềm dẻo, có đôi khi phải cứng rắn trong chừng mực cho phép.

Trăm sự nhờ thầy cô! hay Cha mẹ biết gì đâu mà dạy! - Chắc hẳn không ít lần các thầy cô giáo nghe những lời tương tự như thế từ các bậc phụ huynh. Ngoài nhà trường và xã hội, gia đình đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục những người trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường tuy nhiên không ít bậc cha mẹ lại lờ đi trách nhiệm của mình khi phó thác tất cả cho nhà trường và khi con em mình chưa được như kỳ vọng của gia đình lại quay sang đổ lỗi cho thầy.

Với những qui định hiện nay, không khéo những người thầy sẽ trở thành những nhân vật phản diện trong mắt học trò và những phụ huynh học sinh thiếu tế nhị khi mà họ chỉ nhìn vào hiện tượng mà đánh giá bản chất cả một quá trình của một con người. Và khi ấy giáo viên phải đối mặt với áp lực đó là không thể tự bảo vệ được mình trước những hành vi khiếm nhã, thô lỗ của một số phụ huynh và học sinh.

Độc giả Lê Tấn Thời

                    Giáo viên trường THCS Nguyễn Đăng Sơn, huyện Chợ Mới, An Giang