Giảng viên trẻ đang bị dồn vào ngõ cụt

Đọc những bài viết trên Diễn đàn Dân trí, tôi hết sức thông cảm với cảnh ngộ của các đồng nghiệp. Tôi có cùng cảnh ngộ ấy, đang rất bức xúc về cách đối xử phân biệt và những chính sách vô lý do nhà trường tự đặt ra như dồn chúng tôi vào ngõ cụt…

Có lẽ, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác đã từng yêu và mơ ước nghề dạy học từ nhỏ. Sau khi tốt nghiệp đại học vào loại giỏi, tôi quyết định xin đi làm giảng viên để thực hiện tâm niệm của bố tôi và cũng là mong ước của tôi.

Tôi nộp hồ sơ về giảng dạy tại một trường Cao đẳng Sư phạm tại một tỉnh tỉnh giáp Hà Nội, và được nhận làm việc. Nhưng thật buồn với mức lương hợp đồng bẩy trăm nghìn đồng/một tháng. Tôi không hiểu tại sao Nhà trường lại không trả lương theo quy định của nhà nước (lương tối thiểu 540 nghìn x hệ số lương 2,34) mà chỉ trả theo sở thích của Nhà trường. Thôi đành chấp nhận và cố gắng vậy...

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Tôi được phân về Khoa Xã hội (vì ngành của tôi rất mới nên không có tổ bộ môn), sau một thời gian làm việc tại đây tôi thấy rất thất vọng và chán nản. Với mức lương rất thấp nhưng tôi phải dạy một học kỳ khoảng 200 tiết (vì nhà trường không mời được giáo viên thỉnh giảng)...

Vì mới ra trường nên tôi phải vừa soạn giáo trình vừa lên lớp (tối hôm nay soạn giáo án để sáng mai dạy luôn) nên tôi không có thời gian để nghỉ ngơi. Trong khi đó, cứ 1 tháng trường lại kiểm tra đầu sổ một lần, nào là giáo án lên lớp, kế hoạch lên lớp, sổ dự giờ, sổ kế hoạch cá nhân, sổ bồi dưỡng, sổ điểm, sổ chủ nhiệm lớp... nếu như không hoàn thành thì lại bị kiểm điểm...

Tôi thấy rất buồn cười khi làm thì chẳng đâu vào đâu mà suốt ngày cứ kiểm tra hết sổ này đến sổ kia của giảng viên. Bên cạnh đó, ngoài việc giảng dạy tôi còn phải tham gia sinh hoạt đoàn khoa, trường, sinh hoạt văn nghệ, làm chủ nhiệm lớp... Nếu hôm nào trường tổ chức văn nghệ cho sinh viên, hay thi sinh viên thanh lịch... nếu như tôi không có mặt thì đến mai lên khoa coi như phải đeo mo vào mặt để mà ăn chửi... Tôi lại ngậm ngùi chấp nhận...

Hơn nữa, ở trường này, có tình trạng phân biệt đối xử giữa giáo viên công chức và giáo viên hợp đồng. Phần lớn giáo viên công chức thì được ưu tiên hơn rất nhiều. Chẳng hạn, tôi rất đam mê làm nghiên cứu vì tôi luôn ý thức được rằng, là giảng viên trẻ mình phải làm nghiên cứu thì mới có nhiều kiến thức chuyên sâu để giảng dạy cho sinh viên, nhưng khi đăng ký đề tài tôi được loại ra ngay vòng đầu tiên với một lý do mà cô trưởng khoa nói với tôi rằng, “cháu đang là giáo viên hợp đồng thì không được làm nghiên cứu”... tôi lại ngậm ngùi ra về với nỗi buồn khôn tả... Hay những ngày lễ, tết, nhà trưởng trao tiền thưởng thì giáo viên hợp đồng chỉ được khoảng 30% số tiền so với giáo viên công chức.

Tôi đã thấy nản lòng và thầm nghĩ tại sao cùng công việc như nhau, thậm chí chúng tôi còn trẻ nên phải làm nhiều việc hơn so các giáo viên công chức lâu năm nhưng lại bị thiệt thòi hơn rất nhiều. Tôi thấy thật bất công. Đó cũng là những lý do khiến tôi có suy nghĩ mình phải xin vào công chức mới ổn chứ hợp đồng kiểu này chắc không sống nổi...

Tôi chia sẻ tâm sự của mình với các đồng nghiệp, nhưng các chị trong khoa mách tôi rằng, “em là người ngoài tỉnh, để vào được công chức phải chạy ít ra là 50 triệu may ra mới được vào, như các chị thì chỉ cần 30 triệu thôi”. Tôi thầm nghĩ sao lại tiêu cực đến thế. 50 triệu tôi về bán cả nhà lẫn đất còn chưa đủ... chắc bố mẹ tôi ra đường ở mất. Tôi chỉ còn cách là quyết định viết đơn thôi việc vì cảm thấy không thể sống nỗi trong một môi trường làm việc đầy căng thẳng và bất công. Và tôi cũng hy vọng rằng, ở Việt Nam chắc chỉ có trường này mới có cơ chế quản lý theo kiểu bất công như vậy còn các trường ĐH khác họ sẽ có cơ chế thoáng hơn...

Thế là tôi lại nộp đơn xin việc về giảng dạy tại một trường ĐH có tiếng ở một tỉnh và rất may là tôi đã được nhận ngay. Ngày đầu tiên đi làm tôi nhận được một thông điệp từ các đồng nghiệp mới của tôi: “Sao mày dại thế, đang dạy ở ngoài đó chuyển về cái trường này làm gì”, tôi không hiểu người ta nói có ý gì nhưng đã làm tôi thấy rất hoang mang.

Về đây tôi phải học việc 6 tháng với mức lương là 6 trăm ngàn/tháng. Tôi lại đau buồn với mức lương của mình. Trước đây tôi cứ nghĩ “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” chắc lương giáo viên không phải vậy đâu. Ai ngờ khi đi làm giảng viên cao đẳng và đại học, mới thấy cảnh khổ của mình. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao bạn tôi đưa nào đứa nấy đều bỏ nghề giáo viên để ra ngoài làm....

Một yêu cầu vô lý nữa là, sau một năm thử việc, chúng tôi phải nộp bằng tiếng Anh TOFEL đạt số điểm quy định, nếu không có chứng chỉ này thì sẽ không được ký hợp đồng dài hạn. Nhưng khi chúng tôi xin đi học tiếng Anh thì nhà trường lại trừ tiền lương đứng lớp, tiền phúc lợi... Tôi không hiểu cách quản lý của nhà trường là kiểu gì nữa. Một đằng muốn giáo viên phải đạt được cái này, làm được cái kia nhưng lại không muốn tạo điều kiện cho họ thì làm sao họ làm được? Nếu muốn giảng viên đạt tiêu chuẩn cần thiết thì phải tạo điều kiện cho họ đi học và hỗ trợ thêm kinh phí, đằng này xin đi học lại còn trừ tiền lương thì lấy gì mà sống để đi học. Sự thật là giảng viên trẻ chúng tôi đang phải sống trong cảnh bần cùng và không có lối thoát.

Lúc này tôi mới hiểu được rằng, hầu như các trường Đại học, Cao đẳng ở Việt Nam đang có vấn đề về khâu tổ chức và quản lý giáo viên trẻ... Cứ kiểu thế này tôi cũng phải từ bỏ nghề mà tôi yêu để ra làm ngoài. 

Thanh Hùng

LTS Dân trí - Trong lúc chúng ta đang cần mở rộng và nâng cao chất lượng các trường đại học và cao đẳng để đào tạo đội ngũ trí thức cho đất nước trong thời kỳ mới thì đấy phải là cánh cửa rộng mở để “chiêu hiền đãi sĩ”. Vậy mà tác giả viết bài trên đây phải than rằng đó là “môi trường làm việc đầy căng thẳng và bất công”, khiến cho người thầy giáo trẻ vốn yêu nghề phải chán nản, đành xin thôi việc để chuyển sang trường khác, nhưng một lần nữa lại bị đẩy vào ngõ cụt, hầu như không tìm thấy lối thoát.

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng trên là do chưa có chính sách thỏa đáng đối với giảng viên trẻ, không những trả lương quá thấp mà còn quá phân biệt đối xử, không tạo điều kiện cho giảng viên trẻ phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ.

Tăng cường đội ngũ cán bộ, nhất là thu hút những cán bộ trẻ có năng lực và có nhiều tiềm năng phát triển không chỉ là nhiệm vụ thiết thân, cấp bách của các trường đại học và cao đẳng, mà đấy còn là trách nhiệm không thể xem nhẹ của các cơ quan lãnh đạo ở địa phương cũng như cơ quan quản lý ngành giáo dục.

Cần sớm xây dựng và thực hiện chính sách đối xử thỏa đáng giúp cho giảng viên trẻ xóa đi những mặc cảm, có thể yên tâm và phấn khởi làm tốt nhiệm vụ giảng dạy và có điều kiện phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm