Đôi vợ chồng sản xuất 1 tấn giò chả chứa hàn the có thể bị xử lý ra sao?
(Dân trí) - Theo luật sư, có căn cứ để xử lý vợ chồng ông Tý về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Tùy thuộc các tình tiết định khung, mức phạt cao nhất của tội danh có thể lên tới 20 năm tù.
Công an TP Đà Nẵng mới đây đã khởi tố bị can Phạm Xu Tý (40 tuổi) và Võ Thị Tuyệt (33 tuổi, vợ ông Tý, cùng ở quận Thanh Khê, Đà Nẵng) về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Theo công an, trong khoảng thời gian từ ngày 20/12 tới 27/12, lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất 4 cơ sở sản xuất các sản phẩm chả bò, chả heo do ông Tý làm chủ tại phường Hòa An, quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng). Tại đây, công an phát hiện gần 1 tấn chả các loại dương tính với chất hàn the (Natri Borat).
Chủ cơ sở thừa nhận số hàn the này là sản phẩm trôi nổi, sử dụng để giữ sản phẩm lâu ôi thiu, có độ giòn và cung cấp cho một số quán ăn, chợ và khách lẻ.
Với hành vi như trên, vợ chồng ông Tý có thể bị xử lý ra sao theo quy định của pháp luật?.
Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo Luật An toàn thực phẩm 2010, hành vi sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm là hành vi bị cấm.
Tùy thuộc tính chất, mức độ hành vi vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Theo đó, dưới góc độ hành chính, đơn vị sản xuất có thể bị xử phạt về hành vi Vi phạm quy định về sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, chế biến thực phẩm theo Điều 6 Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Mức phạt tiền áp dụng là 40-100 triệu đồng, tùy thuộc giá trị sản phẩm vi phạm.
Trường hợp áp dụng mức phạt tối đa (100 triệu đồng) mà số tiền phạt vẫn thấp hơn 7 lần giá trị sản phẩm vi phạm thì sẽ áp dụng mức phạt bằng 5-7 lần giá trị sản phẩm vi phạm, theo quy định tại Khoản 5, Điều 6 Nghị định này.
Ngoài ra, đơn vị sản xuất còn bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm trong 3-12 tháng và tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm 20-24 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm.
Về biện pháp khắc phục hậu quả, công ty bị buộc tiêu hủy sản phẩm vi phạm hoặc buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm.
Dưới góc độ hình sự, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi bao gồm: Sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép để sản xuất thực phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên; Sử dụng động vật chết do dịch bệnh hoặc bị tiêu hủy để chế biến hoặc cung cấp, bán thực phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên hay Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia bị cấm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng trở lên... thì bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm với khung hình phạt cơ bản là phạt tiền 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm.
Trường hợp hành vi gây hậu quả nghiêm trọng như có tổ chức, làm chết người, gây ngộ độc ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, người phạm tội có thể bị phạt tiền tối đa 500 triệu đồng hoặc phạt tù 3-20 năm, tùy thuộc tình tiết định khung hành vi phạm tội.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
Trường hợp hành vi phạm tội gây thiệt hại, nhà sản xuất phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần chứng minh được thiệt hại tới sức khỏe, vật chất, tinh thần do việc sử dụng thực phẩm vi phạm gây ra thì mới có thể yêu cầu bồi thường.
Đối với trường hợp của vợ chồng ông Tý, cơ quan chức năng sẽ phải đánh giá một cách tổng quát, khách quan và thận trọng đối với nhiều yếu tố như ngoài hàn the, các sản phẩm còn bao gồm chất cấm nào khác hay không; tổng giá trị các sản phẩm có chất cấm là bao nhiêu hay tổng số tiền mà 2 người đã thu về từ hoạt động kinh doanh sản phẩm này ra sao...
Từ những căn cứ nêu trên, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét, ghi nhận các tình tiết và áp dụng chế tài xử lý phù hợp đối với các bị can.
Hàn the (Natri borat) là chất có tác dụng kéo dài hạn sử dụng cho sản phẩm khô, tuy nhiên, đây là chất không được phép sử dụng trong thực phẩm vì tính độc hại của nó.
Hàn the khi vào trong cơ thể tác dụng với acid trong dịch vị dạ dày giải phóng ra Acid Boric. Hoạt chất này có tác dụng ức chế thực bào, làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Nó có đặc tính gắn kết với thực phẩm làm cho thực phẩm khó được tiêu hóa hơn bình thường rất nhiều. Hàn the không bị thải loại hoàn toàn mà nó có khả năng tích tụ lên đến 15% lượng tiếp nhận vào cơ thể, tùy liều lượng có thể gây nên những triệu chứng cấp tính và mạn tính.
Bên cạnh đó, hàn the còn gây hại cho gan, thận gây rối loạn chức năng, yếu ớt, bất lực, rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc. Với da, nó gây ban đỏ dẫn đến tróc vẩy, thậm chí còn làm teo tinh hoàn, vô sinh hoặc các tai biến hệ tiêu hóa đối với người sử dụng nhiều.