Nhảy nhót, tập thể dục trên đường có thể bị xử lý ra sao?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, hành vi nhảy nhót, tập thể dục giữa đường xâm phạm tới 2 khách thể là an toàn giao thông và trật tự công cộng. Do đó, người vi phạm có thể bị áp dụng nhiều chế tài khác nhau.

Thời gian qua, phong trào tập luyện thể dục thể thao, trong đó có các bộ môn như Zumba hay Aerobics, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng và được nhiều người hưởng ứng. Tuy nhiên, việc tập luyện nếu không được diễn ra đúng lúc, đúng chỗ sẽ gây ra những hình ảnh phản cảm trong xã hội. 

Chị Hà (ở TP Phủ Lý, Hà Nam) chia sẻ khi cho con đi dạo ở khu phố đi bộ tối cuối tuần, hai mẹ con phải mất gần 20 phút "chôn chân" do một đoạn đường bị nhóm khoảng 40-50 người biến thành "sàn nhảy" Aerobics. Tương tự, chị Thư (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cũng cảm thấy phiền toái khi không ít lần bắt gặp cảnh chị em "dàn trận" giữa vỉa hè, công viên, thậm chí dưới đường phố để "nhảy, giật đùng đùng".

Hoạt động diễn ra không chỉ vào sáng sớm hay buổi tối mà có thể là bất cứ khi nào trong ngày. 

Nhảy nhót, tập thể dục trên đường có thể bị xử lý ra sao? - 1

Hình ảnh nhóm phụ nữ dừng xe, nhảy nhót giữa đường ở Đà Lạt (Ảnh cắt từ clip).

Hay mới đây nhất, sự việc bà N.T.B.D. (41 tuổi, ở TP Đà Lạt, Lâm Đồng) cùng 4 người bạn dừng ô tô trên đường Hoa Phượng Tím thuộc Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt) rồi nhảy nhót trước đầu xe cũng khiến nhiều người bất bình. Nhóm của bà D. sau đó đã bị lực lượng chức năng triệu tập lên làm việc và xử lý theo quy định. 

"Đường phố là nơi xe cộ lưu thông, không phải nơi biểu diễn"

Trước những sự việc như trên, không ít người bày tỏ sự không hài lòng trước những hành động có phần biến tướng của hoạt động thể dục thể thao. Chủ tài khoản Pest Control thể hiện quan điểm: "Tập thì ít, thể hiện và sống ảo mới là nhiều. Những người có tinh thần và đam mê thể dục thể thao thực sự, họ tập ở sân vận động, CLB hay phòng gym hết rồi". 

Độc giả Hương Chilli viết: "Những người này có đầy phòng tập, tôi biết thừa vì tôi cũng là một thành viên tham gia tập luyện, có rất nhiều bạn tập theo và còn làm chủ những mô hình như này. Tuy nhiên, họ (những người tập luyện ngoài đường) là các bà chị muốn khoe dáng mình cho thiên hạ được biết mà thôi. Không những vậy, họ còn đăng video lên mạng với đủ các loại mục đích. Bây giờ chỉ cần phạt mạnh, nặng và ngay khi các chị uốn éo ở những nơi không hợp lệ là các chị sợ ngay". 

"Các cụ có nói "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng", đã là "con đường" thì là nơi dành cho phương tiện giao thông, trừ khi trong khu dân cư chưa được bàn giao. Nhảy thì kiếm chỗ mà nhảy!", anh Nguyễn Đình Quân lên án. 

Có chung cảm nhận, anh Khai Nguyen đánh giá đây là những hành động thể hiện sự lố bịch và kệch cỡm: "Đường phố là nơi xe cộ lưu thông, không phải nơi biểu diễn. Đừng nên "quá lố" khiến mọi người khó chịu, gây nguy hiểm cho bản thân và người khác. Hãy là người có văn hóa, biết quy tắc xã hội, tôn trọng luật pháp, đặc biệt an toàn giao thông. Lỡ một chiếc xe tải chạy quá nhanh, không làm chủ tốc độ đụng phải thì hậu quả thế nào? Làm việc gì cũng phải "ăn coi nồi, ngồi coi hướng", nếu không thì lố bịch, kệch cỡm, khó coi". 

Nhảy nhót, tập thể dục trên đường có thể bị xử lý ra sao? - 2

Hình ảnh được ghi lại tại một không gian công cộng (Ảnh: MXH)

Từ đó, hàng loạt ý kiến từ độc giả, đề xuất xử lý nghiêm đối với những hành vi nêu trên được đưa ra. Vậy theo quy định của pháp luật, những hành vi như trên có thể bị xử lý ra sao? 

Pháp luật quy định mức phạt như thế nào? 

Giải đáp vấn đề, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết theo Điều 36 Luật Giao thông đường bộ 2008, lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Các hoạt động khác trên đường phố phải thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008. Trong trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng quy định các hành vi không được thực hiện trên đường bộ như tụ tập đông người trái phép trên đường bộ; thả rông súc vật hay phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ...

Như vậy, đối với hành vi đứng tràn xuống đường nhảy Aerobics bất chấp các phương tiện di chuyển qua lại, đây là hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ. Không những vậy, đây còn là hành vi tác động xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và có thể bị áp dụng các chế tài xử lý khác nhau theo quy định của pháp luật. 

Nhảy nhót, tập thể dục trên đường có thể bị xử lý ra sao? - 3

Luật sư Trần Minh Hùng (Ảnh: FBNV).

Trích dẫn quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, người có hành vi Tập trung đông người trái phép, nằm, ngồi trên đường bộ gây cản trở giao thông; Đá bóng, đá cầu, chơi cầu lông hoặc các hoạt động thể thao khác trái phép trên đường bộ; sử dụng bàn trượt, pa-tanh, các thiết bị tương tự trên phần đường xe chạy có thể đối diện mức phạt tiền là 100.000-200.000 đồng. 

Về mức phạt liên quan tới trật tự xã hội, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định người có hành vi tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng có thể đối diện mức phạt tiền 1-2 triệu đồng. 

Bên cạnh đó, trong trường hợp hành vi xâm phạm tới hành lang an toàn giao thông đường bộ, an ninh trật tự xã hội và để lại những hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng (Điều 318) hoặc Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260) theo Bộ luật Hình sự 2015. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm