Nghi bán hàng nhái 'giá bình dân', shop Trang Nemo có thể bị xử lý ra sao?

Hải Hà

(Dân trí) - Theo luật sư, trường hợp hành vi buôn bán hàng giả diễn ra với giá trị hàng hóa lớn, thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại về tài sản, thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như đã đưa tin, chiều 9.12, Tổng Cục quản lý thị trường (QLTT) đã chỉ đạo và phối hợp với Cục QLTT TP.HCM kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, hàng hóa dịch vụ tại cửa hàng kinh doanh thời trang Trang Nemo (số 269 C - D Nguyễn Trãi, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM).

Cục QLTT TP.HCM nhận định phần lớn hàng hóa được bày bán tại cửa hàng Trang Nemo có dấu hiệu giả mạo nhiều nhãn hiệu nổi tiếng thế giới. Đại diện cửa hàng chưa xuất trình hóa đơn chứng từ liên quan hàng hóa tại đây.

Nghi bán hàng nhái giá bình dân, shop Trang Nemo có thể bị xử lý ra sao? - 1

Lực lượng chức năng kiểm tra tại cửa hàng thời trang Trang Nemo (Ảnh: Linh Sơn).

Lực lượng QLTT phân loại, lập biên bản các vi phạm tại cửa hàng Trang Nemo và tiếp tục xác minh làm rõ về nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm tại đây.

Được biết chủ cửa hàng là Nguyễn Thị Hương Trang, có biệt danh Trang Nemo, là bị can trong vụ án "gây rối trật tự công cộng" đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng xã hội.

Trước thông tin sự việc, độc giả dân trí bày tỏ thắc mắc về hình thức xử lý với hành vi bán hàng giả, hàng nhái và không có hóa đơn chứng từ. Trang Nemo cũng đang bị xem xét tội gây rối trật tự công cộng, nếu cơ quan chức năng chứng minh được hành vi bán hàng giả, hàng nhái thì 2 hình phạt của người này có bị cộng dồn, hay sẽ tách riêng để xử lý?

Trao đổi với Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, việc buôn bán hàng giả, hàng nhái và không có hóa đơn chứng từ xác minh nguồn gốc tiềm ẩn những hệ lụy tiêu cực như làm ảnh hưởng quyền lợi của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, thậm chí ảnh hưởng đến uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính. Lực lượng chức năng cần nhanh chóng kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. 

Trong vụ việc này, theo thông tin ban đầu nhận được, đại diện cửa hàng Trang Nemo chưa xuất trình đầy đủ các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ của nhiều sản phẩm tại cửa hàng. Trong trường hợp này, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi mà chủ cơ sở bán quần áo vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi bán hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. 

Hiện nay, việc nhận diện các loại hàng hóa giả mạo, nhập lậu được thể hiện tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Trong đó theo nội dung của Điều 3 Nghị định này, nếu hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn bị coi là "hàng hóa nhập lậu". Còn "hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ" là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa; hàng giả là hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa/giá trị sử dụng, công dụng đã công bố, đăng ký.

Nghi bán hàng nhái giá bình dân, shop Trang Nemo có thể bị xử lý ra sao? - 2

Tòa án nhân dân quận 1 đang bổ sung điều tra, xét xử Trang Nemo (đeo kính) về tội "Gây rối trật tự công cộng" trong một vụ việc xảy ra hồi tháng 1 (Ảnh: Hải Long).

Xử lý hành chính

Theo đó, căn cứ vào kết quả điều tra, xác minh của lực lượng chức năng,  chủ cơ sở bán quần áo này có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán hàng giả, hoặc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Căn cứ vào giá trị hàng hóa, chủ cơ sở này có thể bị phạt tiền lên đến 50 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo quy định tại Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Đối với hành vi buôn bán hàng giả, căn cứ vào giá trị hàng hóa và số lợi bất hợp pháp thu được từ việc buôn bán, chủ cơ sở này có thể bị phạt tiền lên đến 70 triệu đồng, căn cứ vào các Điều 9, Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, đồng thời bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm. 

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Trong trường hợp hành vi buôn bán hàng giả diễn ra với giá trị hàng hóa lớn, thu lợi bất chính hoặc gây thiệt hại về tài sản, thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo Điều 192 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, với mức phạt cao nhất lên đến 15 năm tù giam, phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề từ 01 đến 05 năm hoặc tịch thu một phần/toàn bộ tài sản.

Trước đó, Trang Nemo và 04 nhân viên của mình đã bị Viện Kiểm sát nhân dân quận 1 truy tố về tội danh "Gây rối trật tự công cộng" theo khoản 1 Điều 318 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, hành vi gây rối trật tự công cộng do Trang Nemo và các nhân viên thực hiện và hành vi buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có dấu hiệu hàng giả, hàng nhái là 02 hành vi vi phạm mang tính chất độc lập. Do đó, các cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ của từng hành vi vi phạm để xem xét hình phạt đối với từng hành vi vi phạm trên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm