Đôi lời mạn đàm về tiếng Việt
(Dân trí) - Đã có rất nhiều ý kiến nói về sự trong sáng của tiếng Việt cũng như mong muốn chuẩn hóa ngôn ngữ của chúng ta. Đây không phải là sự phát hiện mới, mà thực ra nó là xu hướng ai cũng nhìn thấy nhưng khó, hoặc không thể điều chỉnh vì nhiều lý do.
Ở đây, xin không bàn tới vấn đề phương ngữ, vốn là một thực tế mang tính vùng miền, địa phương mà không chỉ có ở Việt Nam. Chẳng ai bắt một anh chàng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội phải nói giọng Nam, cũng chẳng ai bắt một cháu bé Cà Mau gọi người đàn ông sinh ra mình là bố, là thầy.
Tác giả chỉ muốn bàn đôi dòng về bản chất vấn đề mà nhiều người cho là gây tranh cãi như “a, bê, xê” hay “a, bờ, cờ”, Niu Óoc hay New York, vật lý hay vật lí, Đắc Lắc hay Đắk Lắk.
Để tạo tiền đề cho quan điểm này, trước hết tôi nêu hai vấn đề cốt lõi của ngôn ngữ. Thứ nhất, sự thống nhất giữa vỏ ngôn ngữ và cách phát âm, đánh vần là một quy ước võ đoán. Ví dụ không thể giải thích vì sao ký tự i lại được đọc là /i/ chứ không phải là /a/. Đó là một quy ước đã được cộng đồng chấp nhận.
Thứ hai, ngôn ngữ là một hệ thống mở, liên tục thay đổi, sàng lọc và phát triển theo sự phát triển của xã hội loài người nói chung. Biểu hiện của nó là sự phát sinh những từ ngữ mới, sự xuất hiện của nhiều ngôn ngữ mới, sự loại bỏ và thay đổi cách gọi những sự vật, hiện tượng, sự việc giống nhau qua từng giai đoạn (đặc biệt là những giai đoạn có nhiều biến cố lịch sử lớn).
Ví dụ, bây giờ chúng ta khó có thể dùng từ Mễ Tây Cơ để nói về đất nước hoặc thành phố Mexico, cũng chẳng mấy ai dùng từ phi trường để nói sân bay trừ trong văn học, nghệ thuật hoặc một cộng đồng đồng bào Việt Nam ở nước ngoài vốn ít có cơ hội tiếp xúc với cộng đồng tiếng Việt rộng (do đó ngôn ngữ ít có sự vận động) hoặc ở đó tiếng Việt tự nó phát triển theo chuẩn khác so với ở trong nước.
Ngoài ra, có một vấn đề khác của riếng tiếng Việt là ngôn ngữ mà chúng ta đang dùng có “tuổi thọ” chưa lớn so với các ngôn ngữ khác, nên thời gian để sàng lọc, phát triển chưa nhiều. Thêm vào đó, việc dùng ký tự Latin nhưng phát âm lại từ gốc chữ Nôm (vốn là hai hệ ngôn ngữ khác nhau) nên chắc chắn có những sự “lệch pha”.
Trong quan điểm của mình sau đây tôi tham chiếu chủ yếu và các lý thuyết về ngữ pháp, ngôn ngữ từ các tài liệu tiếng Anh, vì tôi chủ yếu học tiếng Anh và nhận thấy đây là một thứ tiếng quốc tế đã phát triển tương đối ổn định, có nhiều nguồn gốc song cơ bản đều viết trên ký tự Latin và có nguyên tắc khá rõ trong phát âm, gieo vần, đánh vần.
1. A, bê, xê hay a, bờ, cờ?
Trên các ký tự A, B, C, cần phân biệt hai thuật ngữ là spelling (đánh vần) và pronounciation (phát âm). A, bê, xê là cách “đánh vần” (spelling - tức đọc các ký tự riêng lẻ trên bảng chữ cái. Cách dịch spelling là “đánh vần” theo tôi còn hơi khiên cưỡng, vì làm gì có “vần” mà “đánh”, nhưng do sách vở sử dụng nên đành sử dụng theo). Còn a, bờ, cờ là cách phát âm bảng chữ cái đó, là cơ sở để ghép vần.
Ví dụ, chữ P trong tiếng Anh được đánh vần là [pi], nhưng được phát âm là /p/ (là âm môi, tắc (còn gọi là nổ), được tạo ra do hai môi mím chặt và bật nhanh, nó là âm vô thanh, khi phát âm thanh quản không rung, khác với cách đọc /pờ/ của Việt Nam (hữu thanh). Đánh vần (spelling) được dùng để đọc các ký tự riêng lẻ (ví dụ tứ giác a-bê-xê-đê), còn phát âm đóng vai trò quan trọng trong ghép vần để tạo nên các âm tiết, các từ. Phát âm sai, tất yếu ghép vần sai. Đó là lý do vì sao không thể nhầm lẫn phát âm chữ /c/ thành [xê], vì như vậy chữ “cá” sẽ phải đọc là “xá”. Đó là hai hệ thống khác nhau, không thể nhầm lẫn. Và thực tế vấn đề là do một số người không nhận thức được, sử dụng nhầm lẫn giữa hai hệ thống.
Tôi đồng ý một nửa với cách giải thích của ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT rằng “...Việc sử dụng hệ thống a, bê, xê (A, B, C) hiện nay vẫn được thống nhất trong nhà trường từ tiểu học lên các bậc học trên. Duy chỉ có việc dạy ghép vần cho học sinh lớp 1, để trẻ dễ hiểu, dễ học, các nhà giáo dục đã lựa chọn cách gọi tên “a, bờ, cờ”. Nhưng theo tôi, đó không chỉ là nguyên tắc sư phạm để trẻ dễ hiểu, mà đó chính là khoa học.
2. Niu Óoc, Nữu Ước hay New York?
Có ý kiến nói rằng cần chuẩn hóa cách viết các danh từ riêng như vậy, tránh tùy tiện trong cách sử dụng. Nhưng các ý kiến này nếu nhắc đến từ New York chẳng hạn, thì thường chỉ bàn tới hai cách viết là Niu Óoc và New York, ít nói tới Nữu Ước (một cách gọi có thời gian đã rất thông dụng như là Mạc Tư khoa (Moscow), Ý Đại Lợi (Italy), Hoa Thịnh Đốn (Washington)…
Đã có nhiều tranh cãi trong cách viết từ New York, ý kiến nào cũng có cái lý, do chúng ta đa số cảm tính khi nhắc tới nó. Ví dụ, dùng từ New York thì nói rằng đó không phải là chữ Việt, người không biết tiếng Anh không đọc được. Ngược lại, dùng từ Niu Oóc thì lại có người cãi rằng thà để con em quen với từ New York, chứ không khi xem bản đồ quốc tế thì chẳng tìm thấy cái thành phố lớn nhất nước Mỹ kia nằm ở đâu (vì không có từ Niu Oóc).
Không ai hoàn toàn đúng, không ai hoàn toàn sai. Sở dĩ có sự tranh cãi cách viết chữ New York hay Niu Oóc là vì “chuẩn” ngôn ngữ vẫn chấp nhận cả hai (tức có nhiều người theo “trường phái” này, có người theo “trường phái” khác và không ai cảm thấy “làm sao cả”). Còn từ Nữu Ước vốn là cách gọi cũ, nên sẽ bị “làm sao ấy” nếu sử dụng vì hiện nay số đông đã không dùng nữa. Thực tế chẳng có quy định nào cấm viết là Nữu Ước, đơn giản là xã hội không dùng nó nữa, cũng giống như gác-đờ-bu, rích bố cu, Hoa Thịnh Đốn hay Nã Phá Luân… vậy thôi. Ngược lại, có những từ cũng phát sinh trong thời gian này như Luân Đôn, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Pháp… nhưng đến nay vẫn dùng thông dụng. Đó cũng đơn giản là vì các từ đó có “tuổi thọ” cao hơn, vẫn được cộng đồng chấp nhận. Xin đừng hỏi tôi lý do vì sao, bởi đó là “chuẩn”, và khi người dùng không cảm thấy “làm sao ấy” thì nó vẫn được dùng cho đến một ngày người Việt Nam đủ số đông biết tiếng Anh để dùng London, Spain, Poturgal, Germany hay France.
Nói tóm lại, rất khó và không nên gò ép một cách sử dụng thống nhất nào khi bản thân cộng đồng vẫn chấp nhận cả hai. Cách tốt nhất là chờ đợi, và tôi tin với mức độ hội nhập, khả năng tiếp cận ngôn ngữ nước ngoài ngày một cao như bây giờ thì từ New York sẽ nhanh chóng “loại trừ” cách viết Niu Oóc (bởi xét cho cùng đây là cách phiên âm mô phỏng sai, vì tiếng Việt không có cách cách phát âm cho chữ [y] với tư cách là bán nguyên âm). Thực ra, nhiều nhà ngôn ngữ đã khá thống nhất một biện pháp mang tính dung hòa sự khác biệt cùng được “chuẩn” chấp nhận này là viết cả hai (Ví dụ: Tôi vừa đi Niu Oóc (New York) về). Đó cũng là một cách hay, nhưng thực tế nó chưa được quy phạm hóa, có lẽ cũng vì câu chuyện mô tả và chuẩn tắc như đã nói trên.
Tương tự, các địa danh như Đăk Lăk, Đăk Nông, Krông Ana, Đăkrông… có nguồn gốc từ ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc khác. Đối với tiếng phổ thông (vốn là ngôn ngữ của người Kinh) những từ này cũng như một kiểu “tiếng nước ngoài” (vì các dân tộc thiểu số khác đều có ngôn ngữ riêng), nên câu chuyện về cách viết của các từ này cũng như Niu Oóc hay New York vậy.
Ngôn ngữ là một kỹ năng, thói quen được quy ước mang tính cộng đồng, vì vậy nếu áp đặt một sự thay đổi thì rất khiên cưỡng. Ví dụ cô giáo bắt học sinh viết “vật lý” thay vì “vật lí”, nhưng trước khi có yêu cầu đó đã trót dạy các em viết “vật lí”, và cô cũng đã trót viết “vật lí” rồi, nhỡ trò quay ra “bắt lỗi” cô thì sao?
Nói vậy không có nghĩa là một quyển sách có thể bìa trước viết “vật lý”, bìa sau lại dùng “vật lí”. Sự lựa chọn y hay i là do chính tác giả, thể hiện tác giả đang theo “trường phái” nào chứ không “ba phải”, và cũng là thể hiện sự chỉn chu của tác giả, NXB đối với tác phẩm. Tất nhiên với mức độ cẩu thả của một số sách đã xuất bản hiện nay, thì “lý” và “lí” song song tồn tại trong một tập sách chẳng phải là điều gì to tát cả!
Ngoài ra, khi nói về chuẩn cần phân biệt chuẩn với những thứ ngôn ngữ vỉa hè, đường phố phát sinh như tiếng lóng hay ngôn ngữ “xì-tin” mà dư luận thường phản ánh. Cần lên án nếu những thứ ngôn ngữ mang tính quy ước trong nhóm nhỏ này được dùng sai ngữ cảnh, hoặc khiến chính người dùng bị nhầm lẫn, ngộ nhận về ngôn ngữ phổ thông (Ví dụ, một thông tin chính thống về thị trường ngoại tệ không thể nói hôm nay “giấy ông già” (một kiểu tiếng lóng chỉ USD - đô-la Mỹ) lại tăng giá, hoặc trong bài làm tiếng Việt học sinh không thể viết “Kim Trọng iu Thúy Kìu”). Còn chẳng ông bố bà mẹ nào có thể đánh phạt con khi đứa con chui vào lòng mẹ và nói “Mẹ ơi con iu mẹ”, cũng chẳng anh chàng nào đủ sự lạnh lùng từ chối lời mời của bạn gái: “Anh ui, xog viec rui, dj choj thui. Ke ke.”. Như tôi, khi viết bài này luôn cố gắng sử dụng từ phổ thông chuẩn (nếu sai mong được cảm thông), còn khi chat chit với bạn gái tôi thường dùng ngôn ngữ “xì-tin” vừa “thoải con gà mái” vừa rất “tình củm”. Ai có cấm tôi cũng dùng, trừ khi… bạn gái cấm.
Nói tóm lại, để các nhà ngôn ngữ thống nhất được cách viết của những từ hay cụm từ khi mà “chuẩn” xã hội đang chấp nhận cả hai là rất khó. Nhưng giả sử có thống nhất được, thì việc làm sao để mọi người chấp nhận sự thống nhất đó và viết theo cũng không dễ chút nào. Bởi như đã nói, ngôn ngữ là quy ước được xã hội chấp nhận, chứ không phải là một đạo luật phán xét đúng-sai và điều chỉnh “hành vi nói, viết” của người khác.
Cần nói thêm, trong sự phát triển của ngôn ngữ, chúng ta sẽ thấy những từ mới phát sinh. Để viết những từ mới đó, chúng ta sẽ lựa chọn giữa nhiều cách: mượn tiếng nước ngoài (như bit, ADSL, 3G, mạng LAN…), hoặc tự đặt cho nó một khái niệm mới kèm giải thích, hoặc cho nó vào ngoặc kép [“”] rồi dần dần khi cộng đồng đã quen thì bỏ giải thích kèm hoặc cái ngoặc kép đó đi. Ví dụ, cộng đồng quá quen với từ lâm tặc, hải tặc nên không cần cho nó vào ngoặc kép, còn những từ mà báo chí thường dùng “ăn theo” từ này như “sa tặc”, “ngưu tặc”, “vàng tặc”… là từ mới phát sinh để gọi những người mà phải gọi đầy đủ (nhưng dài dòng) là đối tượng khai thác cát, vàng trái phép hoặc đối tượng… ăn trộm trâu. Tôi tin là vài năm sau, báo chí sẽ không dùng ngoặc kép với các từ này nữa. Sau vài năm nữa, nếu tôi đúng các bạn nhớ khen tôi, còn tôi sai thì đừng trách nhé. Dự báo về xu thế ngôn ngữ cũng giống dự đoán bóng đá vậy thôi.
3. Và những tồn tại thực sự
Lại nói tiếng Việt là một ngôn ngữ “trẻ”, ngôn ngữ mới du nhập. Vì vậy còn nhiều vấn đề đáng bàn về nó mà theo tôi là thiết thực hơn những gì chúng ta đang bàn. Ví dụ chữ [gi] được coi là một phụ âm ghép như [ch, tr] hay là một âm tiết? Tôi thiên về nó là một âm tiết, vì chỉ cần thêm dấu “huyền” vào là nó thành một từ, chẳng cần ghép nguyên âm gì vào với nó cả. Nhưng hệ thống ngôn ngữ ta vẫn coi nó là một phụ âm ghép, vì nó sinh ra để ghép với các phụ âm khác, tạo nên âm tiết. Tương tự, vì sao phải sinh ra [g] và [gh], [ng] và [ngh]? Chẳng phải cách phát âm như nhau, nhưng chỉ vì quy ước mang tính “chuẩn tắc - prescriptive” mà người mới học tiếng Việt phải khổ hơn sao? Có thể nói chỉ có trong tiếng Việt mới có những chữ cái có vỏ ngôn ngữ khác nhau nhưng cách phát âm lại giống nhau, nó thực sự gây khó cho người sử dụng, là ngoại lệ trong sự võ đoán được quy ước nói chung của ngôn ngữ.
Nguyên nhân, như đã nói là do sự “trẻ” và sự du nhập có phần khó dung hòa giữa hai hệ ngôn ngữ khác nhau là Latin (vỏ ngôn ngữ) và chữ tượng hình (trong cách phát âm). Việc đơn giản hóa ngôn ngữ, đơn cử như bỏ chữ [gi] với vai trò là một phụ âm, việc bỏ chữ [h] trong một số phụ âm ghép có thể không? Câu trả lời là có thể và có lý về mặt “chuẩn tắc” (nhiều ngôn ngữ trên thế giới đang được giản yếu theo xu hướng tiện cho người sử dụng như tiếng Trung, tiếng Anh), nhưng rất khó về mặt thực tế, bởi lúc đó hàng nghìn từ vựng sẽ phải thay đổi, cả nước phải “học lại” (thực tế các ngôn ngữ nói trên cũng chưa đơn giản hóa được bao nhiêu).
Đôi lời chắp nhặt, mong rằng góp được một quan điểm vào mong muốn giữ gìn sự trong sáng và chuẩn hóa tiếng Việt mà những người có tâm huyết đang đặt ra trong diễn đàn này.
Lê Hồng Kỹ
kylehong@gmail.com