Bàn thêm về sự trong sáng của Tiếng Việt

Tôi thấy một số ý kiến có khuynh hướng muốn chuẩn hóa tiếng Việt và áp dụng rộng rãi quy chuẩn trên toàn quốc. Trong số các ý kiến đó, tôi đánh giá cao ý kiến của thầy Trần Quang Đại và muốn thảo luận thêm về vấn đề được nhiều người quan tâm.

Tiếng Việt chuẩn

 

Cần phân biệt hai khái niệm giữa tiếng Việt khi nói và tiếng Việt khi viết. Trong phát âm (nói) tiếng Việt, dường như không có miền nào tại Việt Nam nói tiếng Việt đúng âm hoàn toàn. Người miền nam thì trong cách phát âm thông thường không phân biệt được chữ x và chữ s, người miền trung trong cách phát âm không phân biệt được dấu hỏi và dấu ngã, và người miền bắc thì trong cách phát âm không phân biệt được chữ tr và chữ ch (chữ tr trong cách phát âm của người miền bắc không giống một âm nào trong ngữ âm tiếng Việt, mà theo tôi rất gần với âm /tch/ trong chữ teacher của tiếng Anh (tôi không gõ được phiên âm quốc tế vào Word nên phải dùng chữ này để diễn đạt). Không nên đem yếu tố vùng miền để so sánh mức độ đại diện trong tiếng Việt như ý của tác giả Phan Tử Bằng[1]. Có một thực tế rằng người nước ngoài học tiếng Việt thích học tiếng Việt giọng Hà Nội, học tiếng Anh thì thích học tiếng Anh giọng Luân Đôn, học tiếng Pháp thì thích học tiếng Pháp giọng Paris… Nhưng điều đó không có nghĩa là tiếng Anh giọng Luân Đôn, tiếng Pháp giọng Paris hay tiếng Việt giọng Hà Nội là chuẩn. Tôi hoàn toàn tán đồng ý kiến của thầy Trần Quang Đại: “Còn cách phát âm chuẩn của tiếng Việt không phải tuân theo người miền Bắc, cũng không phải theo người miền Nam, mà tuân theo cách đánh vần đúng của những từ ngữ viết đúng chính tả”[2].

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Trong tiếng Việt viết, thì cần phân biệt giữa hai khái niệm là tiếng Việt trong giấy tờ hành chính hoặc nghiên cứu hàn lâm và tiếng Việt trong cách sử dụng thông thường mà đa số mọi người vẫn sử dụng. Nếu đứng trên góc độ hành chính thì lấy ví dụ của tác giả Phan Tử Bằng, một cháu có tên Phạm Thị Tường Vy trong sổ hộ khẩu gia đình, khi viết đơn xin nhập hộ khẩu khác viết là Phạm Thị Tường Vi thì đã không nhất quán. Ở đây tôi đang nói đến sự nhất quán hình thức thể hiện ở mặt chữ, sự rõ ràng rạch ròi mà các văn bản pháp luật yêu cầu. Nhưng nếu trong giao tiếp thông thường, với mục đích cao nhất là truyền đạt thông điệp thì viết Tường Vy hay Tường Vi không khác nhau. Vậy, vấn đề ở đây chỉ là khi nào cần sự nhất quán.

Sự nhất quán

 

Tác giả Phan Tử Bằng trong bài viết “Có thể viết Tiếng Việt tự do hay tùy tiện?” có gợi ý đi tìm sự thống nhất/nhất quán trong cách viết tiếng Việt[3]. Tôi nghĩ đi tìm sự nhất quán là cần thiết, nhưng nhất quán như thế nào và nhất quán trong phạm vi nào thì phải hết sức cẩn thận.

 

Trong phạm vi các văn bản hành chính, pháp luật chính thức của nhà nước thì sự nhất quán cần đạt tới mức tối đa, ví dụ như chỉ chọn một từ hoặc “lý luận” hoặc “lí luận”.

 

Tuy nhiên, trong môi trường giáo dục và trong thực tế, sẽ có người sử dụng “vật lí” và có người dùng “vật lý”. Cá nhân tôi nghĩ cả hai từ này đều đúng. Tìm sự nhất quán ở đây không có nghĩa là phải đưa ra một quy định bắt buộc mọi người phải dùng chỉ “vật lí” hay “vật lý” trong tất cả mọi trường hợp, vì bản thân hai từ không có từ nào sai. Nếu ta đưa ra quy định dùng từ “vật lí” cho khái niệm này, thì ta đang thẳng tay giết chết một từ đúng là “vật lý”. Không thể dùng lý lẽ cần tìm sự nhất quán để biện minh cho một quy định như thế được. Như vậy là áp đặt.

 

Nên chăng, nếu có quy định trong giáo dục thì chỉ nên dừng ở mức độ là văn bản hướng dẫn, khuyến khích chứ không ép buộc, cấm đoán. Bên cạnh đó phải cung cấp đầy đủ thông tin đề người học có cái nhìn đầy đủ. Ví dụ, giáo viên dạy cho học sinh tiểu học khuyến khích học sinh dùng từ “vật lí”, nhưng cũng nên giải thích đầy đủ cho học sinh hiểu là “có hai từ cùng chỉ một khái niệm như nhau là “vật lí” và “vật lý”, cô khuyến khích các em dùng từ “vật lí” nhưng nếu muốn các em cũng có thể dùng từ “vật lý”.

 

Vậy, ở đây sự nhất quán ở mức cần thiết, theo tôi đơn giản chỉ nên giới hạn trong phạm vi một văn bản, một công trình… nếu đã dùng “vật lí” thì  không nên dùng “vật lý” hoặc ngược lại. Ngoại trừ các văn bản pháp luật, hành chính của nhà nước, chỉ nên đòi hỏi mức độ nhất quán trong phạm vi một văn bản, một công trình, một cuốn sách…mà thôi.

Một số vấn đề thực tế

 

“A, bê, xê” hay “a, bờ, cờ”?

 

Tôi nghĩ không có việc “a, bê, xê” hay “a, bờ, cờ” luôn luôn đúng trong mọi trường hợp. Tôi hoàn toàn đồng ý với cách giải thích của ông Lê Tiến Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT.

 

“Trong giáo dục có những lựa chọn phải trên cơ sở nguyên tắc sư phạm chứ không chỉ dựa hoàn toàn vào khoa học thuần túy. Trường hợp sử dụng cách gọi a, bê, xê hay a, bờ, cờ cũng phải xem xét từ thực tiễn dạy học. Việc sử dụng hệ thống a, bê, xê (A, B, C) hiện nay vẫn được thống nhất trong nhà trường từ tiểu học lên các bậc học trên. Duy chỉ có việc dạy ghép vần cho học sinh lớp 1, để trẻ dễ hiểu, dễ học, các nhà giáo dục đã lựa chọn cách gọi tên “a, bờ, cờ”.

Nếu chỉ đứng từ ngoài nhìn thì thấy việc sử dụng này là lộn xộn, nhưng trong thực tế dạy học nếu máy móc sử dụng a, bê, xê cho thống nhất, trẻ sẽ rất khó ghép vần. Chẳng hạn trẻ ghép “bờ e be sắc bé” sẽ đơn giản hơn nhiều so với “bê e be sắc bé”, hay sẽ ghép vần “cờ o co huyền cò” chứ không thể “xê o co huyền cò”...

Nếu điều chỉnh theo cách thống nhất gọi là a, bê, xê tôi nghĩ sẽ lại có những xáo trộn lớn không có lợi cho việc học tiếng Việt của trẻ ở lớp 1. Việc sử dụng cách gọi tên để ghép vần này đã được nghiên cứu từ thực tiễn giáo dục chứ không tùy tiện. Cá nhân tôi ủng hộ vì đó là con đường nhanh nhất giúp trẻ ghép vần.”[4]

Tên địa danh trong nước

 

Bài viết của tác giả Phan Tử Bằng có lấy ví dụ những địa danh như Đăk Lăk, Đăk Nông, Bắc Kạn để dẫn chứng sự tùy tiện trong tiếng Việt[5]. Tôi hoàn toàn không đồng ý với cách nhìn nhận các tên địa danh viết theo kiểu này là sự tùy tiện.

 

Hãy xét đến quá trình hình thành và tiến hóa của tiếng Việt để có thể hiểu rõ hơn những khái niệm như thế này. Cách viết tiếng Việt hiện tại được các giáo sĩ nước ngoài mà người được nhắc đến nhiều nhất là Alexandre de Rhodes tìm tòi và sáng tạo ra bằng cách dùng chữ cái Latin để mô phỏng các âm trong tiếng Việt. Trong quá trình phát triển sơ khai đó thì tiếng Việt đã có nhiều biến đổi. Vào giữa thế kỉ 17 đã có những con chữ phụ âm mà ngày nay ghi bằng chữ cái "tr"; những con chữ này vốn được ghi bằng chữ cái "tl" hay "bl thời A. de Rhodes. Ví dụ:

 

con tlâu (con trâu), cá tlích (cá trích), tlêu ngươi (trêu ngươi)... 

blái núi (trái núi), blát nhà (trát nhà), blan blở (trăn trở)... [6]

 

Tôi lấy một ví dụ rất nổi tiếng là tác phẩm Đường Kách Mệnh của Bác Hồ. Nhiều người thắc mắc là tại sao là là Kách mà không phải là Cách. Có nhiều lý giải được đưa ra nhưng tôi thấy thuyết phục nhất là quan điểm nhìn về quá trình phát triển của tiếng Việt. Thời điểm Bác Hồ viết Đường Kách Mệnh (1927) tiếng Việt chưa có quy định cách viết rõ ràng như bây giờ, và rất có thể tại thời điểm đó hoặc là viết là kách hay cách đều được,  hoặc là mọi người chỉ dùng kách cho từ kách mệnh.

 

Theo cùng một lý lẽ đó, có khả năng những từ như Đăk Lăk, Đăk Nông, Bắc Kạn xuất hiện vào thời điểm tiếng Việt chưa hoàn thiện như bây giờ, và người ta dùng cách viết như vậy để diễn tả. Đến bây giờ thì các văn bản hành chính vẫn dùng cách viết đó để tôn trọng và giữ nguyên tính lịch sử của tên địa danh. Các bạn vào trang web của chính phủ, mục bản đồ hành chính ((http://gis.chinhphu.vn/) sẽ thấy tên tỉnh là Đắk Lắk.

 

Thậm chí, nếu tác giả Phan Tử Bằng vẫn cho viết như vậy là tùy tiện thì tôi xin nói về tính võ đoán và sự biến đổi trong ngôn ngữ. Hiểu đơn giản tính võ đoán là không giải thích được lý do, đa số mọi người sử dụng như vậy thì nó là như vậy. Giả sử trước đây chỉ có tên gọi Đắk Lắk (tên chính thức) trong tiếng Việt nói, khi người soạn văn bản hành chính của nhà nước lần đầu tiên đề cập đến địa danh này dùng chữ viết Đắk Lắk để miêu tả địa danh này, và các văn bản chính thức sau đều như vậy thì người đó đã cho ra đời một cách viết mới cho địa danh Đắk Lắk. Ở đây cách viết này có thể không giống với cách viết thông thường nhưng khi đã được các văn bản hành chính của nhà nước sử dụng, nó trở thành tên chính thức và quy tắc võ đoán sẽ được vận dụng trong trường hợp này.

 

Theo tôi, cách đối xử với các địa danh như trên nên tuân theo văn bản hành chính chính thức của nhà nước, và đừng vội vàng kết luận sử dụng như trên là tùy tiện mà không xét đến hoàn cảnh lịch sử của sự ra đời các tên địa danh đó.

 

                   Tên người nước ngoài

 

Có hai vấn đề là dịch hay không dịch và nếu dịch thì dịch như thế nào. Hãy quan sát cách các nước khác làm với tên tiếng nước ngoài để ta có đối tượng so sánh.

 

Trung Quốc luôn dịch hoàn toàn tên tiếng nước ngoài qua tiếng Trung Quốc

 

Anh – Mỹ lại dùng tên nguyên bản tiếng nước ngoài trong trường hợp bảng chữ cái tiếng Anh có thể diễn đạt được tên đó giống như nguyên bản, hoặc bỏ bớt dấu trong tên tiếng nước ngoài nhưng vẫn giữ nguyên phần chính nếu tiếng Anh không có các dấu đó. Ví dụ, tên họ Nguyễn trong tiếng Anh sẽ thành Nguyen. Trong trường hợp các mẫu tự tiếng Anh không thể diễn tả được tên đó (ví dụ tên tiếng Thái), họ sẽ dùng tiếng Anh để mô phỏng âm của tên đó.

 

Tác giả Phan Tử Bằng có lập luận là tên nước ngoài khi viết trong tiếng Việt thì phải đọc được trong tiếng Việt và nêu ý kiến rằng “nếu cứ tương nguyên bản Washington, Canada bằng Washington, Canada  thì còn đâu là CHỮ VIỆT” [7]. Trước hết, tôi nghĩ nên xét đến nguồn gốc các tên đó. Bản thân các tên đó không là chữ Việt. Tôi cũng không cho rằng ý kiến của tác giả Phan Tử Bằng ở trên là sai. Nếu so sánh, thì ý kiến đó giống theo cách viết tên nước ngoài của Trung Quốc. Còn như tiếng Anh, họ dùng Quyen để viết tên một người Việt Nam tên Quyên, chứ không viết thành Quee-ein mặc dù cách viết sau giống với âm Quyên trong tiếng Việt hơn, và họ biết đọc được chữ Quee-ein chứ không biết đọc Quyen thế nào cho đúng nhưng họ vẫn viết Quyen. Trong trường hợp này, nếu tên tôi là Quyên thì tôi sẽ cảm thấy được tôn trọng hơn.

 

Tóm lại, theo ý tôi thì đối với tên người thì không nên dịch. Còn trường hợp chẳng đặng đừng vì tên gốc nước ngoài các mẫu tự tiếng Việt không thể hiện được thì nên dùng tên gần giống nhất (như Quyen và Quyên) hoặc dùng cách phiên âm để đọc (như Kiatisuk chẳng hạn).

 

                  Tên địa danh nước ngoài

 

Tôi thấy hiện tại có các nhóm tên địa danh nước ngoài sau:

 

  • Nhóm các tên cũ đã hoặc đang chết đi trong tiếng Việt như Tây Bá Lợi Á, Á Căn Đình, Hoa Thịnh Đốn, Tân Tây Lan… Các tên này hiện tại hhầu như mọi người không dùng nữa. Nên dùng tên hiện tại như Siberia, Argentina, Washington, New Zealand để gọi.

 

  • Nhóm các tên cũ Hán Việt nhưng hiện tại vẫn được xã hội sử dụng rộng rãi: Mỹ, Hà Lan, Nhật, Anh, Đức, Pháp…nên giữ nguyên.

 

  • Nhóm các tên đang trong quá trình thay đổi như Ý (Italia), Mã Lai (Malaysia). Nên quan sát cách sử dụng của số đông mọi người trước khi viết. Cách đơn giả nhất là gõ từ khóa trên Google, chọn mục các trang viết bằng tiếng Việt và nhìn xem số lượng bài viết có từ đó. Tôi thử với từ khóa Ý/Italia thì tỉ lệ là 26 triệu / 790 nghìn, với từ khóa Mã Lai/Malaysia thì tỉ lệ là 5 triệu/51 triệu. Tức là hiện tại mọi người chuộng dùng Ý hơn Italia, chuộng dùng Malaysia hơn Mã Lai.

 

  • Nhóm các tên mới: Nên sử dụng tên gốc tiếng Anh, ví dụ như Georgia.

 

Các lý do giống như trong ví dụ tên Quyên – Quyen phần Tên Người Nước Ngoài bên trên.

 

Kết luận

 

Tôi nghĩ là nên có văn bản chính thức của cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn về việc sử dụng tiếng Việt sao cho phù hợp. Trong nhiều trường hợp cụ thể có những cách viết khác nhau cho cùng một khái niệm (như vật lí, vật lý) thì chỉ nên khuyến khích dùng cách viết nào chứ không nên quy định bắt buộc là phải dùng cách nào mới đúng, và nên giải thích rõ ràng các khả năng khác nhau có thể viết đúng cho người học tiếng Việt. Nếu quy định là bắt buộc phải viết thế này mới đúng, không được viết thế kia thì trong trường hợp cả hai đều được chấp nhận sử dụng rộng rãi (như vật lý, vật lí), vô tình quy định bắt buộc đã bóp chết tính đa dạng phong phú của tiếng Việt.

 

Điều quan trọng là tính nhất quán. Các văn bản chính thức của nhà nước rất cần rõ ràng thì nên quy định bắt buộc nhất quán ở mức tối đa. Còn các văn bản khác hoặc báo chí, truyền thông, giao tiếp thường ngày thì để đảm bảo tính khách quan và đa dạng ngôn ngữ, chỉ nên giới hạn tính nhất quán trong một bài báo, một quyển sách hay một công trình nghiên cứu.

Cuối cùng, ngôn ngữ là một khoa học xã hội nên không thể đem quan điểm của khoa học tự nhiên hay khoa học kĩ thuật để đánh giá, xem xét rồi kết luận đúng sai được.
 

[1]Phan Tử Bằng (2010). Trao đổi về cách ghép vần trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1. Tại http://dantri.com.vn/c202/s202-391342/trao-doi-ve-cach-ghep-van-trong-sach-giao-khoa-tieng-viet-1.htm

[Truy cập ngày 12/05/2010 ]

 

[2]Trần Quang Đại (2010). Dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1, chuyện nhỏ mà không nhỏ. Tại http://dantri.com.vn/c202/s202-395496/day-tieng-viet-cho-hoc-sinh-lop-1-chuyen-nho-ma-khong-nho.htm[Truy cập ngày 12/05/2010]

 

 

[3]Phan Tử Bằng (2010). Có thể viết tiếng Việt tự do hay tùy tiện?. Tại http://dantri.com.vn/c202/s202-392822/co-the-viet-tieng-viet-tu-do-hay-tuy-tien.htm[Truy cập ngày 12/05/2010]

[4] Trịnh Vĩnh Hà (2010). “A, bê, xê” hay “a, bờ, cờ”?.Tạihttp://tuoitre.vn/Giao-duc/377740/“A-be-xe”-hay-“a-bo-co”.html [Truy cập ngày 12/05/2010]

[5]Phan Tử Bằng (2010). Có thể viết tiếng Việt tự do hay tùy tiện?. Tại http://dantri.com.vn/c202/s202-392822/co-the-viet-tieng-viet-tu-do-hay-tuy-tien.htm[Truy cập ngày 12/05/2010]

 

[6]Trần Trí Dõi (2005). Giáo trình lịch sử tiếng Việt (sơ thảo). Việt Nam: Nxb Đại Học Quốc Gia Hà Nội.

 

[7]Phan Tử Bằng (2010). Có thể viết tiếng Việt tự do hay tùy tiện?. Tại http://dantri.com.vn/c202/s202-392822/co-the-viet-tieng-viet-tu-do-hay-tuy-tien.htm[Truy cập ngày 12/05/2010]

 

Trần Minh Duy

                                                            Minhduy_ussh@yahoo.com

 

LTS Dân trí - Tác giả viết bài trên đây dưới dạng một bài nghiên cứu góp phần làm sáng tỏ một số vấn đề phức tạp xung quanh chủ đề  bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt đang được đề cập trên Diễn đàn Dân trí.

Qua nhiều bài tham gia ý kiến, chúng ta có thể thống nhất với nhau về một số quan điểm như cách nhìn ngôn ngữ trong trạng thái động, có lịch sử hình thành và có quá trình phát triển; ngoài những căn cứ khoa học có tính quy luật, ngôn ngữ còn chịu chi phối bới những tính chất đặc thù, như “tính võ đóan” hay thói quen của đa số... Cho nên việc chuẩn hóa tiếng Việt là cần thiết, để tránh tình trạng sử dụng tùy tiện, lộn xộn, nhưng không nên áp đặt “cái chung” cho mọi “cái riêng”, sẽ làm mất đi sự đa dạng, phong phú vốn có trong quá trình phát triển ngôn ngữ nói chung cũng như tiếng Việt nói riêng.