Vì sự trong sáng của tiếng Việt
Quả thật Tiếng Việt hiện nay có tình trạng lộn xộn, vì mỗi người nghĩ một cách và viết theo cách nghĩ của mình, cho nên trước hết chúng ta nên bàn về một số quan niệm cũng như quan điểm đánh giá đúng và sai.
Từ cái nhìn như vậy, tôi xin đóng góp một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, hiện này có sự “bùng phát” của ngôn ngữ mạng, chủ yếu là do lớp trẻ sau này dùng, có chiều hướng làm méo mó tiếng Việt. Ví dụ, câu “em không biết chuyện này” được viết thành “iem hok bik chiện này”. Sử dụng như thế này thì rõ ràng là đáng lên án, vì nó làm cho tiếng Việt bị biến dạng, méo mó, xấu xí và gây phản cảm, khó chịu nơi người đọc.
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn
Thứ hai là hiện tượng các từ có y hay i, ví dụ như vật lý hay vật lí. Về lý thuyết thì “vật lí” và “vật lý” đọc y như nhau. Hơn nữa, hiện nay người Việt sử dụng 2 từ này với ý nghĩa hoàn toàn giống nhau. Không thể nói một cách cực đoan là từ này đúng thì từ kia phải sai. Vì bản thân ngôn ngữ học là một khoa học xã hội, và trong khoa học xã hội không có khái niệm đúng tuyệt đối, nghĩa là, nếu anh đúng mà tôi khác anh, thì không có nghĩa là tôi sai. Vì vậy, tôi nghĩ rằng trong trường hợp “vật lí” và “vật lý” thì không nên khăng khăng cho rằng chỉ một trong 2 từ là đúng. Các ngôn ngữ khác cũng có trường hợp như vậy. Ví dụ, tiếng Anh có chữ “guarantee” và “warranty” đều chỉ nghĩa “bảo đảm”. Không ai nói một trong hai từ này là sai cả.
Thứ ba là các tên nước ngoài. Các thế hệ trước thường sử dụng tên phiên âm Hán Việt, ví dụ San Francisco được gọi là Cựu Kim Sơn, Canada được gọi là Gia Nã Đại… Nhưng hiện nay những tên này đang dần chết đi và được thay bằng tên gốc tiếng Anh. Tôi không cho rằng đây không phải là một bước thụt lùi. Lý do đầu tiên, ngôn ngữ cũng có một quá trình tiến hóa như xã hội, chứ không bất biến. Vì vậy, theo thời gian có một số từ sẽ chết đi, một số từ được sinh ra và một số từ thay đổi. Lý do thứ hai là khi mình dịch tên nước ngoài ra tiếng Việt, mình đã không tôn trọng nguyên bản. Lấy một ví dụ ngược lại cho dễ hiểu. Tôi tên là Duy, và tôi muốn các bạn nước ngoài của tôi viết tên tôi là Duy, chứ không phải là Zoo-ee, mặc dù Zoo-ee trong tiếng Anh đọc giống y như Duy trong tiếng Việt. Phản ứng đầu tiên của tôi khi các bạn nước ngoài viết tên tôi là Zoo-ee sẽ là “xin lỗi, nhưng đó không phải là tên tôi”. Thói quen dịch tên nước ngoài ra tiếng Việt có thể bắt nguồn từ các thế hệ trước do ảnh hưởng của nền Nho học vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hóa Trung Quốc, vì người Trung Quốc luôn luôn dịch tên tiếng nước ngoài thành tên Trung Quốc. Tại sao chúng ta phải bắt chước họ? Tôi lấy một ví dụ nữa để các bạn cảm thấy điều này khó chịu như thế nào. Giả sử bạn là người Anh, bạn tên là David. Khi bạn đến Trung Quốc thì các bạn Trung Quốc của bạn gọi bạn bằng một cái tên khác, chẳng hạn là “Đại Vệ”. Bạn có biết đó là tên mình không? Bạn có thích người ta đem một cái tên lạ hoắc gán cho mình không?
Thứ tư, trong trường hợp đánh vần như tác giả đã dẫn “VTV” thì đọc là “Vờ Tờ Vờ” nghe còn dễ chịu. Nhưng nếu máy móc áp dụng kiểu này nhiều khi sẽ thật buồn cười. Ví dụ công thức hóa học của axít sunphuríc là H2SO4. Nếu đọc theo kiểu đa số mọi người đang đọc là hắt hai ét ô bốn. Nhưng theo kiểu tác giả gợi ý, sẽ thành hờ hai sờ o bốn, và “sờ o bốn” thì sẽ được người miền Trung hiểu là “sờ cô bốn”. Trong trường hợp này, dùng cách đọc hiện tại dễ chịu và ít phản cảm hơn nhiều.
Thứ năm, nguyên tắc của dịch là phải tìm hai khái niệm tương đồng. Do khác biệt của các nền văn hóa, có khá nhiều khái niệm không hề có tương đồng trong các nền văn hóa khác. Ví dụ, áo dài của Việt Nam qua tiếng Anh vẫn là “áo dài”, chứ không phải là long dress vì trong tiếng Anh nghĩa của từ long dress không thể nào diễn tả được khái niệm áo dài. Vì vậy, trong trường hợp này nếu dịch từ áo dài thành long dress thì có thể coi là phản lại nghĩa gốc.
Thứ sáu, cần nhấn mạnh lại rằng ngôn ngữ không ngừng tiến hóa. Vì vậy sẽ luôn có từ mất đi, có từ hình thành, có từ thay đổi nghĩa hoặc thay đổi cách sử dụng. Đừng nhìn ngôn ngữ như một cái gì bất biến, không thay đổi.
Bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt là rất tốt, nhưng hãy bảo vệ nó với một quan điểm đúng đắn, tránh cực đoan.
Trần Minh Duy
LTS Dân trí - Bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt cũng có nghĩa là giữ gìn cho Tiếng Mẹ đẻ của chúng ta luôn phát triển lành mạnh, vừa phát huy được bản sắc tinh tế của ngôn ngữ dân tộc vừa du nhập được những khái niệm mới cần thiết cho cuộc sống hôm nay trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Nếu chỉ biết “ôm khư khư” lấy những gì mà ông cha ta để lại, không biết vận dụng nó một cách sáng tạo và không biết làm cho nó phong phú, sinh động hơn lên trong thời đại mới thì điều đó không còn là “Bảo vệ sự trong sáng” của tiếng Việt.
Bài viết trên đã nêu lên một số quan điểm về việc “bảo vệ” đi đôi với sự phát triển của tiếng Việt trong thời đại ngày nay. Đấy cũng là quy luật phát triển của ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng.