Có nên hiểu sự lộn xộn trong Tiếng Việt như vậy không?

Cần thống nhất hóa cách viết CHỮ VIỆT trên phạm vi toàn quốc, ở mọi người ở mọi nơi để CHỮ VIỆT chính xác hơn, đẹp hơn.

Từ ngày xuất hiện những bài báo về CHỮ VIỆT của tôi trên tờ Dân trí đã có những ý kiến đóng góp về  một số vấn đề trong cách viết CHỮ VIỆT. Có những ý kiến hoàn toàn thống nhất với tác giả, cũng có những ý kiến tán đồng với tác giả chỉ trên một số phương diện nhưng phản bác ở mặt này mặt kia. Đó âu cũng là chuyện tất nhiên và bình thường. Nhưng có một điều cần được ghi nhận là chúng ta, những người Việt Nam, rất muốn TIÊNG VIỆT được trong sáng, phát triển, giàu đẹp, CHỮ VIỆT được viết đúng và thống nhất vì CHỮ VIỆT hiện nay được viết một cách quá tự do, lộn xộn đến mức không thể chấp nhận.

 

Không hiểu có quá chủ quan không nhưng tôi vẫn trộm nghĩ là các ý kiến đó đều ít nhiều liên quan đến việc nhiều người, đặc biệt là các tác giả các bài báo nêu lên một số ý kiến trên tờ Dân trí,đã đọc những bài báo của tôi. Nếu đúng thế thì tôi vô cùng cảm động và rất cảm ơn. Tuy vậy hình như có người có lẽ đã không đọc kĩ và, do đó, đã hiểu sai ý tác giả nên có những bình luận khó hiểu. Tôi xin đơn cử 1 ví dụ. Đó là bài “Vì sự trong sáng của tiếng Việt” của ông Trần Minh Duy trên tờ Dân Trí ngày 4/5/2010.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Trong bài báo của mình ông T.M.Duy cho rằng viết  chữ vật lí hay chữ vật lý đều đúng (tôi hiểu là ông T.M.Duy cho rằng dùng chữ lí hay chữ lý đều được, ai muốn viết thế nào cũng được).Trong bài báo của mình tôi cũng đã khẳng định là về vấn đề ấy thì viết thế nào cũng đúng, chứ không phải tôi khăng khăng (từ do chính ông T.M. Duy dùng) cho cách nào là đúng. Nhưng vấn đề tôi muốn đề cập ở đây không phải ở chỗ viết như vậy là sai hay đúng mà là chúng ta cần thống nhất cách dùng  2 chữ cái nguyên âm i và y. Có lẽ ông T.M.Duy chưa nhận thức được sự nguy hại của việc dùng tùy tiện 2 chữ cái đó trong CHỮ VIỆT nên mới cho rằng ai muốn dùng i hay dùng y cũng được. Theo những thông tin mà tôi có được thì đúng là hiện nay làm gì có quy định nào bắt chúng ta chọn dùng i hay y, cho nên đúng là ai muốn dùng thế nào là cái mà người ta có quyền chọn. Nhưng đó mới chính là vấn đề cần suy nghĩ! Dùng i hay y, cả hai đều đúng, nhưng phải chọn 1 trong 2 chữ cái đó. Có 2 phương án như tôi đã có dịp trình bày. Và điều vô cùng quan trọng  là hơn 80 triệu người Việt ta vốn hình như đã quen cách dùng vô cùng tự do 2 chữ cái nguyên âm đó  nên làm sao có thể thống nhất  việc dùng i và y là cả một công việc to lớn, khó khăn, đòi hỏi nhiều công sức trong một thời gian dài đến cả thập kỉ, măc dù vô cùng cấp bách.

 

CHỮ VIỆT có 21 phụ âm có thể đứng trước 2 chữ cái nguyên âm i và y. Đó là 2 chữ cái cùng biểu diễn 1 nguyên âm. Tổ hợp của chúng cùng với 6 thanh tạo ra gần 250 chữ, trong đó  gần 2 trăm chữ có nghĩa (ví dụ các chữ :đi, nghỉ, lí v.v.), gần năm chục chữ chưa có nghĩa (ví dụ các chữ:lỉ, chĩ…) nhưng biết đâu một số các chữ đang còn vô nghĩa đó sẽ có nghĩa trong tương lai trong quá trình phát triển của TIẾNG VIỆT (Điều đó là chắc chắn!). Khoảng 200 chữ có nghĩa đó tạo ra hàng vạn từ, trong đó có những từ có thể được viết bằng nhiều cách, ví dụ từ lí trí có thể viết  ở 4 dạng: lí trí, lí trý, lý trí,lý trý. Để bạn đọc rõ hơn, xin đơn cử 1 ví dụ thôi, ví dụ liên quan đến chữ lí. Chỉ trong số các từ gồm 2 chữ ta có: lí do, lí lẽ, lí luận, lí nhí, lí sự, lí thú, lí trí, lí trình, lí trưởng, lí tưởng…, hát lí (lí dao duyên, lí con sáo,…), công lí, chân lí, duy lí,  đạo lí, đại lí, địa lí, định lí, hải lí,  hộ lí, luân lí, nguyên lí, sinh lí, tâm lí, vật lí, xử lí …Nếu kể thêm những từ gồm nhiều hơn 2 chữ như: nhà tâm lí học,chủ nghĩa duy lí.. thì số từ còn nhiều hơn nhiều. Nếu kể thêm các từ chỉ địa danh như:Phủ lí ở tỉnh Hà Nam, Yên lí ( tên của 1 nhà ga tàu ở tỉnh Nghệ An), tên người như Lí Bí, Lí Công Uẩn thì chắc chắn phải thêm hàng vạn từ nữa.

 

Ông T.M.Duy cho rằng không chỉ ở trong CHỮ VIỆT mà trong chữ của các nước khác đều có hiện tượng một chữ được viết bằng nhiều cách,ví như trong English có 2 chữ guarantee và warranty. 2 chữ đó được ông ấy cho  là 2 cách viết của cùng 1 từ. Theo OXFORD Advanced Learner’s Dictionary xuất bản năm 1995 bởi Oxford University Press thì đó là 2 từ, đúng hơn là 3 từ. Các từ đó được phát âm  khá khác nhau :Khác nhau hoàn toàn ở âm đầu, trọng âm của chữ guarantee ở âm cuối còn trọng âm của chữ kia nằm ở âm đầu. Nghĩa của 2 từ đó có phần nào đó gần nhau nhưng tuyệt nhiên không trùng nhau. Trong khi warrenty chỉ là danh từ có 2 nghĩa (giấy bảo hành, quyền) thì guarantee là danh từ,động từ. Khi đóng vai trò danh từ nó hoàn toàn không có 2 nghĩa đã dẫn của từ warrenty mặc dù có lẽ về mặt từ nguyên học 2 từ đó rất có thể có cùng nguồn gốc nhưng chúng đã biến đổi theo thời gian, theo địa phương mà trở thành 2 từ. Vậy không thể viện dẫn ví dụ đó để chứng minh rằng người Anh viết 1 từ bằng 2 cách. Theo tôi biết thì thực ra trong chữ của người Anh ( không kể người Mĩ ) có một vài chữ được viết theo 2 cách nhưng không phải là 2 chữ vừa nêu. Mà hiện tượng chỉ có một vài từ viết theo 2 cách được chấp nhận sao có thể đem so sánh với hiện tượng có hàng vạn từ được viết theo nhiều cách, 2 hay nhiều hơn 2. Người ta chỉ nên so sánh  2 đại lượng có chỉ số đánh giá khác nhau không quá nhiều, còn giữa hàng vạn và hàng trăm cũng đã là quá khập khiễng, chứ giữa hàng vạn và một vài thì thật vô nghĩa, nếu không muốn dùng một trạng từ xấu hơn để mô tả.Trong đoạn văn này, khi nói về tiếng Anh tôi dùng gần như ít phân biệt 2 khái niệm từ và chữ vì không như trong các tiếng đơn âm, trong tiếng Việt chẳng hạn, trong tiếng Anh, trong rất nhiều trường hợp, mỗi chữ thường đã là một từ. Nhân thể  có thể nói thêm là ở nước ta hình như chưa có một quyển TỰ ĐIỂN nào mà chỉ có vô số TỪ ĐIỂN, trong đó số từ điến có phẩm chất cao thật rất hiếm, đại đa số không đáng được xuất bản vì chúng sinh ra để làm hại xã hội ta nhiều hơn là làm lợi. Việc soạn thảo và xuất bản một quyển TỰ ĐIỂN là vô cùng cần thiết để mọi người tra cứu, học hỏi. Trong quyển tự điển đó nên trình bày cả về các mặt như từ nguyên học, tu từ học, tần suất sử dụng trong các lĩnh vực, đặc biệt là những gì liên quan đến các từ Hán Việt vì số từ Hán Việt trong TIẾNG VIỆT là rất lớn, lớn đến mức mà nếu không dùng chúng thì chúng ta khó lòng nói chuyện với nhau. Có một điều lạ là con em chúng ta gần như không được học về từ Hán Việt.

 

Vậy chúng ta có nên tiếp tục viết như hiện nay không? Có lẽ chỉ ở nước ta mới có sự tự do quá trớn đó. Chưa cần nói đến  những khó khăn, những trở ngại gây ra bởi cách viết lộn xộn đó trong những việc trọng đại như việc soạn thảo các quyển từ điển, việc dạy học, trong việc tạo một phần mềm tin học về chính tả …chúng ta  cũng dễ dàng nhận thấy biết  bao nhiêu hệ lụy, phiền phức mà sự lộn xộn đó gây ra. Nhiều, nhiều lắm! Có một lần tôi thấy một cụ bà trình cơ quan chức năng một đơn xin nhập hộ khẩu cho cháu của cụ là Phạm Thị Tường Vi được viết trong lá đơn. Chuyện tưởng đơn giản vì mọi tiêu chuẩn để chuyển hộ khẩu đều thỏa mãn, nhưng cụ phải về viết lại đơn vì trong sổ hộ khẩu của gia đình  đứa cháu lại chỉ có tên Phạm Thị Tường Vy. Cụ bà có lỗi không? Cho là cụ có lỗi cũng được,cho là cụ không có lỗi có lẽ đúng hơn. Giả sử một công dân nước ta mang tên là Vi trong hộ chiếu nhưng trong bằng tú tài lai không may được viết là Vy thì liệu ở nước ngoài người ta có chấp nhận không nếu người đó muốn đi du học. Chắc chắn là không vì làm sao ở nước ngoài người ta hiểu là Vi và  Vy  được phát âm như nhau, đến như cụ bà trên còn phải chào thua cơ quan chức năng  Việt Nam nữa là.

 

Ông T.M.Duy cũng bênh vực việc dùng nguyên chữ Anh trong văn bản tiếng Việt, chê bai việc sử dụng  các từ chỉ địa danh, tên người theo kiểu Trung Quốc và coi đó là một biểu hiện  của sự thức thời thời hội nhập. Xin nói là chính ông đang dùng từ Trung Quốc, sao ông không dùng luôn từ Trung Của (phiên âm gần đúng  âm Hán của  từ Trung Quốc) hay là  từ China oai hơn. Tránh cực đoan trong việc dịch ra tiếng Việt như ông P.M.Duy nói là đúng, chắc chắn là ai cũng nói như vậy, song nói lí thuyết thì dễ, ai có chút hiểu biết đều có thể nói như vậy.Làm mới khó vì không dễ phân chia một cách rạch ròi đâu là ranh giới  giữa bảo thủ và tân tiến, thế nào là cực đoan, là chừng mực. Như ý ông T.M.Duy ngày nay ta không dùng từ Cựu Kim Sơn, Hoa Thịnh Đốn… Những từ đó đã chết. Đúng, ai lại đi dung một thây ma. Song không phải mọi từ chỉ địa danh dịch theo kiểu đó đều đã hay đang chết. Ngược lại chúng có rất nhiều, nhiều hơn nhiều so với các từ đã chết và đang sống rất khỏe. Hãy xem tên các nước lớn thuộc châu Âu mà xem, vẫn là Anh, Áo, Nga, Tây Ban Nha, Ba Lan, Thụy Điển, Đức đấy chứ.Trong số các nước lớn đó có lẽ chỉ có nước Ý có vẻ như đang được ta đổi tên thành I Ta Li A  mà thôi. Đó là kể những nước lớn đã có tên từ lâu,còn dĩ nhiên là không nói đến các nước nhỏ vừa mới sinh trong khoảng vài chục năm gần đây vì ngày nay ta đã hiểu biết nhiều hơn, ngôn ngữ Việt đã phát triến hơn nhiều nên ta đã có cách dịch khác có phần hội nhập hơn, dù có chỗ cần bàn thêm. Dĩ nhiên là cách dịch các danh từ riêng của nhiều nước theo kiểu Hán Việt có nhược điểm rất lớn vì đó là 2 lần dịch, 1 lần ra chữ Hán, sau tiếp là từ chữ Hán thành  Hán Việt. Tam sao thất bản mà. Tôi thấy người ta viết trên màn hình TV chữ Oa Shinh Ton, Ca Na Đa … Được đấy chứ, vì rất Việt Nam mà vẫn khá giống với tiếng bản địa. Nếu một người nói tiếng Anh, không biết tiếng Việt  mà nghe một người nước ta đọc chậm một đoạn văn trong đó có 2 từ đó thì chắc là họ có thế láng máng nghe được 2 từ đó và nghĩ là hình như đang nói một cái gì đó về vùng Bắc Mĩ đây. Còn nếu cứ tương nguyên bản Washington, Canada  thì còn đâu là CHỮ VIỆT. Chúng ta hội nhập nhưng không thể bị hòa tan. Giữ gìn, làm giàu TIẾNG VIỆT,viết chữ thuần Việt không phải là bảo thủ.

 

Nước nào cũng phải hội nhập, cũng phải vay mượn tiếng nước khác, đặc biệt phải dùng các địa danh, nhân danh. Người Anh vẫn dùng chữ Hanoi để chỉ thủ đô nước ta, dùng chữ Vietnam để chỉ nước ta. Họ bỏ các dấu ô, dấu ê, dấu huyền, dấu nặng, họ viết liền 2 âm trong các từ đó để có các chữ đó vẫn gần như đọc được theo kiểu của họ, nghĩa là họ vẫn phát âm một cách gần đúng tên Hà Nội, tên Việt Nam. Họ đâu có viết chữ Hà Nội, chữ Viêt Nam trong văn bản của họ. Người Pháp lại viết  chữ Hà Nội theo kiểu của họ,chỉ khác người Anh ở chỗ thay chữ cái i bằng chữ cái i với hai dấu chấm trên đầu. Cách  đó làm cho người Pháp, so với người Anh, phát âm từ Hà Nội giống kiểu phát âm của người Việt hơn.Làm như vậy mới gọi là học hỏi, là hội nhập, chứ nếu làm như ông T.M.Duy, nghĩa là cứ bê nguyên xi chữ Anh vào văn bản Việt thì khác gì sao chụp (copy), sao có thể được coi là tiến bộ.Vả lại cũng cần nói thêm một điều rất quan trọng: Tiếng Anh không phải là chuẩn mực của thế giới, dù nó đang được dùng phổ biến nhất, không phải cái gì của người Anh đều hay nhất thế giới và mọi người đều phải theo. Hệ đơn vị đo lường rắc rối, không tiện dùng của họ là một ví dụ , chính họ cũng phải công nhận, đang loại bỏ dần.

 

Về việc đọc tên các chữ cái trong CHỮ VIỆT. Hiện nay ta đọc không thống nhất. Tôi không bao giờ nói  đọc là a bờ cờ hay hơn hay đọc là a bê xê không hay như ông T.M.Duy viết mà chỉ muốn nói là cần thống nhất, thậm chí vẫn có thể đọc theo 2 kiểu, 3 kiểu hay nhiều hơn, nhưng mỗi chữ cái chỉ nên được đọc bằng 1 tên duy nhất, như người Anh đã làm. Nói cách khác không nhất thiết phải đặt tên các chữ cái theo kiểu chỉ dùng vần ơ ( bờ, vờ,…) hay theo kiểu chỉ dùng vần ê ( bê, dê,…)Khi đã thống nhất thì phải đưa vào sách giáo khoa Chữ Việt. Theo tôi được biết thì hiện nay các giáo viên dạy học sinh theo kiểu a bờ cờ, vậy người lớn chúng ta cũng phải dùng cách đó, dù cách đó cũng chưa hay nhưng đã dạy học trò ra sao thì phải dùng như vậy. Cách nào cũng có cái hay, cái dở. Ông T.M..Duy dẫn ra một ví dụ về cách đọc kí hiệu hóa học  SO4  làm người miền Trung  hiểu một cách phản cảm là sờ o bốn. Đây là một cách cãi đến cùng. Người miền Trung không đại diện cho cả nước ta. Hơn nữa đại đa số các nhà hóa học ở nước ta vẫn đọc tên nguyên tố ô xi, không đọc là o xi, mặc dù trong sách giáo khoa hóa học viết là oxi. Đó là cách đọc thuật ngữ hóa học. Những ví dụ theo kiểu đó có rất nhiều. Chẳng hạn ta nói: Đi thăm khu bốn thì người Hà Tĩnh có thể hiểu khác đi vì ở vùng đó người ta gọi hậu môn là khu, dân miền Bắc rất thích hát chèo, đã hát chèo thì phải ngân nga chữ hi, mà ở dân tộc Tày, Nùng phân bố khá đông  khắp vùng núi và trung du miền Bắc chữ hi lại chỉ bộ phận kín nhất của phụ nữ.Ở trung tâm thành phố Vũng Tàu, một trong những thành phố sạch và đẹp nhất Việt Nam, có một đường phố thuộc loại sầm uất nhất mang tên Ba Cu. Chẳng nhẽ vì một  chữ hi mà ta coi hát chèo là phản cảm, vì chữ cu mà ta không coi trọng thành phố Vũng Tàu. Tôi tuy ở Hà Nội nhưng đã ở Vũng Tàu hàng mấy chục lần, mỗi lần ít nhất cũng mấy tuần nhưng chẳng thấy phản cảm tí nào cả, ngược lai còn thấy vui vui vì đường phố Ba Cu tượng trưng cho tình hữu nghị Việt Nam-Liên Xô, cho ngành công nghiệp dầu khí mũi nhọn của kinh tế nước ta. Đừng dùng một hiện tượng nhỏ chưa hay lắm mà phủ định một công trình lớn.

 

                                                                                                                  Phan Tử Bằng

                                                                                                phantubang@yahoo.com

 

LTS Dân trí - Đề cập vấn đề ngôn ngữ là câu chuyện phức tạp, cho nên có những ý kiến khác nhau là chuyện dễ hiểu và nếu có sự tham gia ý kiến của nhiều người và có sự trao đổi thảo luận, nhất là có ý kiến tham gia của các nhà ngôn ngữ học, nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này thì chắc rằng cuối cùng, chúng ta sẽ đi đến những chuẩn mực thống nhất về cơ bản.

 

Trên cơ sở đó, đề nghị Nhà nước có văn bản pháp quy để thống nhất cách viết cũng như cách đọc Tiếng Việt nhằm góp phần quan trọng vào việc bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt, vừa giữ gìn được sự nhuần nhị, tinh tế vốn có của Tiếng Mẹ đẻ vừa phát triển được Tiếng Việt trong thời kỳ mới, để chủ động hội nhập và thích ứng với nền văn minh đang có những bước tiến vượt bậc của thế giới ngày nay.