Những điều cần sớm thống nhất về sử dụng Tiếng Việt

Gần đây, Diễn đàn Dân trí mở cuộc trao đổi về chủ đề bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Đây quả thật là vấn đề hệ trọng, thật sự đáng quan tâm.

Tôi tán thành nhiều ý của hai tác giả Phan Tử Bằng và Nguyễn Hà Thành mà DÂN TRÍ đăng tháng Tư năm 2010. Tôi không chuyên sâu về ngôn ngữ, nhưng với trách nhiệm công dân và là một nhà giáo lâu năm có kinh nghiệm… cũng xin góp thêm một số ý kiến. Trước hết xin kiến nghị:

1 - Chính phủ ta cần tập hợp và chính thức trao trách nhiệm cho những cán bộ có trình độ và uy tín về nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ, văn học…dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Viện Ngôn ngữ, Viện Văn học, Hội Nhà văn …để trao đổi, thảo luận và thống nhât “Những quy định về các vấn đề cơ bản nhất trong việc sử dụng tiếng Việt” (tức là có văn bản cho Nhà nước công báo về việc này để cả nước ta phải thống nhất thực thi và Quóc tế tôn trọng theo đó, khi quan hệ với Việt Nam).

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

2 - Các Nhà ngôn ngữ, nhà văn, thày giáo, cô giáo, nhà lãnh đạo- quản lí nên đặt lên trên hết và trước hết cái phổ biến-đúng đắn - thiết thân của yêu cầu bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt hiện nay và mai sau… mà giảm bớt những cầu toàn quá mức cần thiết, đặc biệt là hạn chế những tranh cãi “thể hiện cái tôi” uyên thâm với nhau ( kể cả những cái đã thâm căn cố đế của mỗi ý kiến- không chịu nhau…) nhiều khi át mất những cái phổ quát tương đối chung và cần có của xã hội . Sự thật này còn thể hiện ở nhiều sách giáo khoa…gần đây, với nhiều caí đưa vào chẳng những không giúp ích cho học sinh mà còn làm học sinh khó hiểu, ngộ nhận, thậm chí rối tinh lên…đến nỗi họ “quá tải”, rất chán và sợ nhiều môn học- kết quả của sự tranh cãi uyên thâm giữa các nhà khoa học, các thày cô…- điều mà các thế hệ học sinh trước đây ít thấy, cho dù chắc chắn là không phải học sinh ngày xưa kém hơn hiện nay !…Theo tôi, chỉ có như vậy thì lực lượng tinh hoa về ngôn ngữ, văn học…của nước ta mới bớt dần cái mặc cảm đến mức chán ngán vì “khổ lắm, nói mãi rồi, có ai chịu ai đâu”…khi mà chúng ta cùng nhất quyết góp sức từng bước ngăn chặn sự suy thoái rất đáng lo ngại của tiếng Việt hiện nay và mai sau .

3 - Sau 2 tác giả nêu trên (và trước đó tôi đã đọc nhiều ý kiến về vấn đề này…) tôi xin có vài ý góp cụ thể nữa như sau:

+ Thứ nhất,
  ngoài các sách giáo khoa, các văn bản của Đảng, Nhà nước…công bố rộng rãi trong xã hội thì vai trò thường xuyên và trực tiếp hằng ngày đối với toàn xã hội là các Đài truyền hình, phát thanh, các báo in, báo mạng ( gắn liền với các biên tập viên, phóng viên, người dẫn chương trình, các tác giả viết, các thày giáo, cô giáo, các báo cáo viên…) cần được chỉnh đốn càng sớm càng tốt về việc dùng các ngôn từ tiếng Việt trước người nghe, người đọc sao cho chuẩn xác và trong sáng . Ví dụ, cần bỏ ngay việc lạm dụng từ gốc Hán- một cách tùy tiện đang phổ biến hiện nay,  như : “ thường niên”( hằng năm ), “thường nhật” (hằng ngày ), “hy hữu” ( hiếm có ), “cập nhật” ( trong ngày ), “nhỡn tiền” ( trước mắt ), “tường minh”(rõ ràng) v.v…Rất rất nhiều, không kể siết, và, có cảm nghĩ như là ai dùng các từ đó cho rằng thế mới hiện đại, trí tuệ, hấp dẫn hơn chăng ?..Nếu nghĩ vậy quả là lẫn lộn đáng tiếc !  Sao không dùng những từ thuần Việt đồng nghĩa, vừa rõ hơn, đúng hơn, không dài hơn, không trái tai và dân ta đã quen từ lâu ? Trừ những từ đã Việt hóa dân ta vẫn dùng thuận tiện và dễ hiểu thì cứ dùng như : vĩ đại, phụ nữ, quảng cáo v.v…( Bác Hồ đã nói rõ và rất đúng việc này ).

+ Thứ hai, có nhiều từ gần đây bị người ta dùng sai hẳn nghĩa mà ngày càng chính thức hóa ngay trong nhiều văn bản, trên các thông tin đại chúng kể cả các văn bản của Đảng, Nhà nước ta .Ví dụ “ thành tựu còn khiêm tốn” ,“ tốc độ tăng trưởng khiêm tốn” ! “Vai trò còn khiêm tốn”…! Té ra từ một ý hài hước về chiều cao của ngươi Việt so với người Tây Âu  “còn khiêm tốn”( ý là thấp hơn, kém hơn)…lại trở thành cách diễn đạt chuẩn chính thức của xã hội ta ! Đó  không còn là hài hước nữa mà là thảm cảnh của tiếng Việt hiện nay ! Cũng rất rất nhiều “ ngữ cảnh” như vậy, không kể hết được ! Nhiều người dùng khái niệm “xã hội hóa” sai một cách căn bản và phổ biến kể cả trên thông tin đại chúng và nhiều văn kiện của Đảng, Nhà nước, Đoàn thể ở nước ta hiện nay – với nghĩa như là cái gì Nhà nước không làm xuể thì để cho  tư nhân làm .Vì vậy mà “xã hội hóa” thành “tư nhân hóa” về thực chất…Thảm hại hơn khi một số văn kiện, bài nói trước xã hội còn dùng khái niệm hoặc diễn đạt rằng, “đẩy mạnh công tác xã hội hóa”!...Làm gì có “công tác xã hội hóa”! Ngay cả  “công nghiệp hóa” có nghĩa còn hẹp hơn xã hội hóa mà cũng chẳng ai nói là “công tác công nghiệp hóa”, huống chi xã hội hóa ? Nhiều người không biết rằng, xã hội hóa là một quá trình khách quan, trước hết là sản xuất từ xa xưa-là tính quy luật xã hội. Và,  Nhà nước ta đã là “của dân, do dân, vì dân”- dân trục tiếp bầu ra, ngân sách, của cải… chủ yếu là của dân đóng góp và sản xuất ra…thì Nhà nước ta- đại diện tập trung nhất của dân ta thì phải đứng hàng đầu trong quá trình xã hội hóa( đặc biệt là về giáo dục , y tế, văn hóa… phải là của dân và vì dân một cách đại trà thì dân ta mới thực sự là chủ và làm chủ xã hội ta- đúng định hướng xã hội chủ nghĩa …) .v.v…

+ Thứ ba, việc sử dụng tiếng nước khác tại Việt Nam là yêu cầu tất yếu , cấp thiết…Nhưng Nhà nước ta cần có những quy định thống nhất, đúng đắn, theo phương châm :  dùng  tiếng nước nào, theo đúng quy định chuẩn của nước đó . Không lẫn lộn “lai căng”vào tiếng Việt.(còn các “tiếng lóng” do bọn trẻ và một số người dùng giao tiếp xã hội hoặc trên mạng…thì ta không thể ngăn cấm, kể cả về mặt kĩ thuật hiện đại. Song, chính việc “xã hội hóa” đúng đắn các chuẩn ngôn từ thành trào lưu xã hội sẽ góp phần đẩy lùi từng bước các hiện tượng không hay đó ).

+ Thứ tư, Riêng phiên âm tiếng các nước sang tiếngViệt, tôi góp ý rằng : nên thống nhất phiên âm theo “âm” của từ, ngữ mà dân nước đó đã phát âm thì người Việt đến nước nào giao tiếp , dân nước đó đều hiểu đúng . Ví dụ : Sang Ca na đa mà nói theo âm đó thì dân Ca na đa hiểu ngay, còn nói “Gia- nã- đại” thì họ không hiểu . Thực tiễn cho thấy, từ khi ta phiên âm đúng các từ theo âm của các nước như : Bun ga ri( thay Bảo-Gia-Lợi), Ru ma ni( thay Lỗ-Mã-Ni)…; Mông tet xki ơ ( thay Mạnh-Đức-Tư-kiu)v.v…thì ta và các nước hiểu nhau về ngôn từ dễ hơn , đúng hơn. Thế mà hiện nay vẫn còn không thống nhất phiên âm “ Mỹ” thành “A mê ri ca” ;không gọi “Nga” là “ Rut xi a”v.v… có khó gì đâu mà không thống nhất tiếp? Tại sao ta cứ băn khoăn, bảo lưu những cái cũ đã gây khó cho giao lưu ?                 

Có thể là ta đã bị Bắc thuộc cả ngàn năm…đã bảo lưu nhiều từ kiểu đó cho đến nay? Cũng có thể tôi chưa hiểu hết “sự tình” về thực tiễn này?

+ Thứ năm, có nhiều người đọc tên các năm đã lẫn lộn cơ bản về toán học làm nhiều con cháu bắt chước sai . Ví dụ : từ năm 2001 đến 2009 thì đêu dọc đúng và đọc tắt, là : “hai ngàn không trăm lẻ một”( vắn tắt là : “hai ngàn lẻ một”…cho đến lẻ chín, đều được) .Nhưng đến 2010 lại vẫn theo đà đọc là “hai ngàn không trăm  lẻ mười” ( hoặc đọc tắt là “hai ngàn lẻ mười”) thì sai; vì như vậy là thừa một số không, hóa là “20010”! tức là thêm 10 lần nữa! Nếu đọc đủ thì phải đọc là : “Năm hai ngàn không trăm mười”; nếu đọc tắt sẽ là : “Năm hai ngàn mười”( không thể có chữ “lẻ” nữa ). Có lẽ vì số 10 dù gồm 2 chữ số nhưng âm của nó lại chỉ có một âm như 9 xuống đến 1, thành thử có nhiều người nhầm ! Mong chú ý chỉnh lại cho đúng.

+ Thứ sáu, tiếng Việt rấtphong phú, tinh tế…nhưng tùy tiện sử dụng trong diễn đạt ý qua một câu hoặc các câu thì dễ bị hiểu lạc ý, hoặc không chặt chẽ vì một câu có thể hiểu theo vài nghĩa khác nhau, thậm chí đối lập nhau . Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân mà một số văn bản luật của ta chưa chặt chẽ, chưa minh bạch và dễ bị “lách luật”, mà “lách” như vậy không thể liệt vào các tội vi phạm luật ..Nhiêu lần chúng ta nghe các phóng viên, các cán bộ nói, phát biểu trong giao tiếp…những câu như sau mà Họ vẫn coi là đồng nghĩa . Ví dụ : “Thực hiện chủ trương về chống tham nhũng của Chính phủ…”; hoặc nói khác là “Thực hiện chủ trương của Chính phủvề chống tham nhũng.”  Thực chất là hai câu này có ý khác thậm chí traí hẳn nhau .Chắc chắn là họ định nói theo cách diễn đạt sau ( với kết cấu câu là : “Của ai…Về caí gì”…mới là kết cấu văn bản chuẩn xác- không thể hiểu theo 2 nghĩa) . Đáng tiếc là rất, rất nhiều người không để ý sai sót này; nếu dịch sai sót đó sang tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung, Tây Ban Nha...- những chuẩn diễn đạt luật pháp Quóc tế thì không thể lẫn lộn như vậy.

Còn có thể trao đổi nhiều hơn về vấn đề sử dụng tiếng Việt hiện nay ở nước ta, nhưng với bài này tôi chỉ xin góp vài ý trên; có thể chưa thỏa đáng nhiêu lẽ; mong Quý vị cùng góp ý vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển Tiếng Việt khi mà xu thế Hội nhập Quốc tế ngày càng  thể hiện rõ trong thực tiễn phát triển của Nhân loại trong Thời đại hiện nay.

 

Pgs.ts. Nguyễn Đức Bách

                                 (Liên hiệp Các Hội Khoa học và kĩ thuật Việt Nam)

LTS Dân trí
- Chúng ta đã bàn nhiều về chủ đề bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt, một điều rất đáng quan tâm trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng được đẩy mạnh theo xu thế tòan cầu hóa. Nếu chỉ mải mê học ngoại ngữ và dùng ngoại ngữ mà coi nhẹ việc giữ gìn bản sắc và trau dồi tiếng Mẹ đẻ thì e rằng đến một lúc nào đó, Tiếng Việt không còn là niềm đáng tự hào về sự phong phú, tinh tế và sự thể hiện  nhuần nhụy trong đời sống xã hội của chúng ta.

Với ý thức của người công dân Việt Nam, tác giả viết bài trên nêu lên một số ý kiến trăn trở về việc tùy tiện trong việc sử dụng Tiếng Việt cũng như những kiến nghị về những việc cần làm ngay để bảo vệ sự trong sáng và phát triển Tiếng Việt trong bối cảnh hiện nay. Mong rằng ý kiến đóng góp này được các cơ quản lãnh đạo và quản lý đất nước quan tâm nhiều hơn đến nhiệm vụ bảo vệ sự trong sáng của Tiếng Việt, một đặc trưng nổi bật nhất và quan trọng nhất của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ta.