Bác sĩ nhận tiền lót tay

Đôi điều bức xúc với bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương

Tôi đã đọc nhiều bài phản ảnh tình trạng xuống cấp của y đức trên Diễn đàn Dân trí. Quả thật có nhiều điều bức xúc mỗi khi phải bước chân vào bệnh viện. Dưới đây mà câu chuyện của tôi, mới xảy ra chưa lâu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

17h00 ngày 28/8/2007, tôi đưa con đi khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Chúng tôi chọn khám dịch vụ ngoài giờ. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị thương tổn xương gót chân và yêu cầu tôi đi chụp Xquang xương gót chân.

 

Khoảng 17h50 tôi bấm chuông ở phía bên phải cửa phòng tiếp nhận chụp Xquang theo chỉ dẫn tại tờ giấy dán trên kính cửa phòng chờ. 10 phút sau có một bác sĩ đi ra (anh này còn trẻ), tôi đưa Phiếu chiếu/chụp Xquang cho anh bác sĩ, anh ta tỏ thái độ khó chịu: "Sao cho con đi khám sớm thế". Tôi trả lời: "Vì đi làm nhà nước, đến 4h30 chiều mới được nghỉ, tôi không thể về sớm được". Anh bác sĩ bảo: "Tôi cũng hết giờ rồi, phải được nghỉ chứ". Tôi rất ngạc nhiên trước thái độ của anh bác sĩ này vì ở đây có khám ngoài giờ theo yêu cầu sao anh lại bảo đã hết giờ làm việc.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn.

Khi con tôi chụp Xquang xong, tôi hỏi anh bác sĩ bao giờ thì được lấy phim, anh trả lời là 40 phút nữa thì được lấy kết quả. Khi đi ra phòng chờ, tôi nhìn thấy trên bảng thông báo nội quy phòng chụp có ghi rõ: chụp phim Xquang sau 30 phút trả kết quả.

 

Sau khi chờ 50 phút mà không thấy có kết quả, sốt ruột quá tôi tôi bèn vào phòng trong, thấy có 3 anh đang ngồi, một anh mặc quần áo bệnh viện, còn 2 anh khác thì mặc thường phục.

 

Tôi để ý thấy anh mặc quần áo thường phục đang hút thuốc lá chính là anh bác sĩ đã chụp Xquang cho con tôi. Tôi chợt nhớ khi đi vào khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi Trung ương, đã đọc được vài tấm biến cấm mọi người không được hút thuốc lá trong bệnh viện, trong đó có một tấm biển có nội dung đại ý rằng nếu ai hút thuốc lá hoặc thuốc lào trong bệnh viện thì sẽ phải nộp phạt từ 50.000đ đến 100.000đ tuỳ theo mức độ vi phạm. Phải chăng qui định này chỉ áp dụng đối với người nhà bệnh nhân, còn cán bộ công nhân viên bệnh viện Nhi Trung ương thì chỉ đọc cho vui mắt mà thôi???!!!

 

Tôi hỏi anh bác sĩ phim chụp của con tôi, anh ta nói ngay rằng phim đang được rửa. Khi tôi vừa quay người đi thì lại bảo có phim rồi. Tôi vội quay trở lại phòng khám đưa phim chụp cho bác sĩ xem. Thật bất ngờ vì trên Phiếu chiếu/chụp Xquang không hề có một chữ nào tại ô dành cho bác sĩ ghi kết quả chiếu/chụp.

 

Tôi được biết CBCNV ngành y tế, đặc biệt là y bác sĩ đều biết về lời thề Hypocrate. Chúng tôi thực ra chẳng biết lời thề Hypocrate như thế nào nhưng chỉ cần nhớ lời Bác Hồ nói “Lương y như từ mẫu” là đã biết CBCNV ngành y tế phải có thái độ và cách cư xử như thế nào đối với bệnh nhân. Đối với chúng tôi, khi bị bệnh mới đến bệnh viện để mong được cứu chữa chứ không phải mua thêm bực tức vào người và chịu để bị đối xử như vậy.

 

Trước đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân đã nói về tình trạng giáo viên có hành động đối xử thô bạo với học sinh rằng nếu thầy cô giáo nào không kiềm chế được thì hãy xin ra khỏi ngành.

 

Thiết nghĩ, CBCNV ngành y tế nào thấy chưa thể thực hiện được lời Bác Hồ dạy thì nên xin ra khỏi ngành. Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”!

 

Nguyễn Châu Giang

(Chaugiang1609@yahoo.com)

 

LTS Dân trí: Diễn đàn Dân trí đã nhận được rất nhiều ý kiến bạn đọc phản ảnh nỗi lòng bức xúc mỗi khi phải bước chân vào bệnh viện. Rất nhiều những câu chuyện cụ thể cho thấy tình trạng lộn xộn, mất nền nếp, kỷ cương ở bệnh viện và điều nổi cộm nhất là sự thiếu trách nhiệm và thái độ phân biệt đối xử của thầy thuốc với bệnh nhân tùy theo có “phong bì lót tay” hay không.

 

Bài viết trên đây của tác giả Nguyễn Châu Giang phản ánh một phần sự thật nói trên về thái độ đáng chê trách của người thầy thuốc cũng như nền nếp làm việc ở Bệnh viện Nhi Trung ương - bệnh viện đầu tiên được tân Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đến thăm sau khi nhậm chức.

 

Đấy là điều đáng đặt câu hỏi: Bệnh viện này đã tạo được những chuyển biến gì về tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh - mà người bệnh ở đây lại là những cháu bé, đối tượng đáng được ưu tiên và quan tâm chăm sóc nhiều nhất.